Theo đó, ống thép hàn carbon của Việt Nam không phải là nguyên nhân gây thiệt hại hay đe dọa thiệt hại đối với ngành ống thép của Mỹ. Như vậy, sẽ không còn lệnh áp thuế CBPG và thuế chống trợ cấp áp đặt lên sản phẩm thép XK của Việt Nam.
Sản xuất ống thép tại một nhà máy ở Việt Nam. |
Ngày 26-10-2011, 4 công ty sản xuất ống thép carbon Mỹ đã đệ đơn lên DOC yêu cầu khởi xướng điều tra CBPG, chống trợ cấp đối với các sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập. Trong đơn kiện, phía nguyên đơn (các nhà sản xuất Mỹ) đã cáo buộc 17 chương trình/chính sách của Việt Nam là có trợ cấp. Ngày 15-11-2011, DOC ra quyết định khởi xướng điều tra CBPG, chống trợ cấp đối với các sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam và 3 nước kể trên. Trong vụ kiện này, phía Mỹ kiện kép cả chống phá giá và chống trợ cấp. Cụ thể, DOC đã phát đơn kiện 10 doanh nghiệp (DN) XK thép của Việt Nam có mặt hàng ống thép hàn carbon XK sang Mỹ, nhưng trong 10 DN bị kiện có 4 DN chưa XK hàng sang Mỹ. Trong quyết định sơ bộ, DOC đã loại bỏ 14/17 chương trình bị cáo buộc và kết luận có 3 chương trình có thể bị đối kháng, gồm miễn thuế nhập khẩu cho nguyên liệu thô nhập khẩu để sản xuất hàng XK; miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định, linh kiện và phụ tùng cho các DN chế biến XK hoặc khu chế xuất; miễn thuế nhập khẩu để tạo tài sản cố định, linh kiện và phụ kiện cho các dự án được khuyến khích. Trên cơ sở các chương trình được cho là có thể bị đối kháng nêu trên, trong trình thẩm tra tại chỗ, DOC đã tập trung tìm hiểu, thẩm tra hai vấn đề chính: Chính phủ Việt Nam không có một hệ thống giám sát việc hoàn thuế chặt chẽ, các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu được tiêu thụ như thế nào trong quá trình sản xuất hàng XK và với định mức ra sao? Chính phủ Việt Nam có chương trình cho vay ưu đãi đối với ngành thép? DOC đã cử tư vấn luật, những chuyên gia sản xuất trong ngành, người quan tâm tới vụ kiện này sang Việt Nam khảo sát.
Sau một năm điều tra, DOC đã đưa ra quyết định cuối cùng đối với hai vấn đề nêu trên. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một "quy trình thủ tục rất nghiêm ngặt" để bảo đảm việc tuân thủ đối với các quy định liên quan đến giám sát việc hoàn thuế cũng như giám sát việc tiêu thụ các nguyên liệu "đầu vào" nhập khẩu để sản xuất hàng XK. Đồng thời, không tồn tại các khoản cho vay ưu đãi theo kế hoạch dành cho sản phẩm ống thép hàn carbon cũng như đối với ngành thép.
Với kết luận nêu trên, DOC đã loại bỏ 17/17 chương trình, chính sách bị cáo buộc là trợ cấp và chính thức chấm dứt vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với ống thép hàn carbon của Việt Nam. Ngay sau đó, DOC đã ban hành văn bản hướng dẫn cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ cho thanh khoản các khoản thuế chống trợ cấp đối với các lô hàng ống thép hàn carbon của Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ kể từ sau ngày 30-3-2012 với mức thuế suất trợ cấp bằng 0%.
Kết luận cuối cùng của DOC đã đánh dấu thành công lớn của Chính phủ và các DN sản xuất, XK Việt Nam trong việc chứng minh rằng không tồn tại các chương trình, chính sách trợ cấp cho hoạt động sản xuất và XK. Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp và hỗ trợ DN đạt được kết quả là buộc DOC chấp nhận loại bỏ 17/17 nhóm chương trình và chính sách mà các nguyên đơn cáo buộc là có trợ cấp ra khỏi phạm vi điều tra của vụ việc ống thép hàn carbon. Trong tương lai, các lập luận này có thể làm cơ sở vững chắc để sử dụng cho các vụ kiện chống trợ cấp mà các DN XK của Việt Nam phải đối mặt. Việc đạt được kết luận "Chính phủ Việt Nam đã có một hệ thống hiệu quả và chặt chẽ để giám sát việc hoàn thuế" của DOC sẽ tạo ra một tiền lệ tốt, làm cơ sở lập luận cho vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với các vụ việc có thể phát sinh trong tương lai.
Trong tổng số 30 vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với hàng hóa XK của Trung Quốc đã có kết luận từ tháng 11-2006 đến nay, chỉ có hai vụ việc được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ kết luận rằng không tồn tại thiệt hại và được áp thuế chống trợ cấp. Tuy nhiên, trong cả hai vụ việc này, DOC vẫn xác định là có tồn tại trợ cấp. Điều đó cho thấy, để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình phục vụ điều tra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương với luật sư tư vấn trong suốt quá trình soạn thảo và hoàn chỉnh các bản trả lời; cung cấp đầy đủ các tài liệu chứng minh cần thiết của phía Chính phủ Việt Nam để gửi DOC theo đúng yêu cầu của pháp luật chống trợ cấp nước sở tại. Đồng thời, cần có sự hợp tác thiện chí giữa các cơ quan nhà nước của Việt Nam với cơ quan điều tra của phía nước khởi kiện trong toàn bộ quá trình điều tra, xử lý vụ việc, như tham vấn, điều tra sơ bộ, thẩm tra tại chỗ cho đến giai đoạn điều tra cuối cùng.
Nguồn: HNM