Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bầm dập cổ phiếu thép

Nhà đầu tư đang thực sự lo lắng vì thị trường sụt giảm quá sâu
 
Được siêu lợi nhuận trong các tháng đầu năm, song giờ đây các doanh nghiệp ngành thép đang phải đối mặt với khoản lỗ nặng vào quý 4 do giá thép trên thị trường liên tục sụt giảm. Giá cổ phiếu ngành thép vì thế cũng “lên bờ, xuống ruộng”

Lên đỉnh, rớt đáy

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phụ trách môi giới Công ty chứng khoán Âu Việt (TPHCM) cho biết, giá cổ phiếu ngành thép đã tăng rất cao sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2, song hiện nay đang giảm rất mạnh. Cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng từ đáy 40.000 đồng/cổ phiếu lên 77.000 đồng/cổ phiếu do công ty vượt kế hoạch lợi nhuận tới 44% trong 6 tháng đầu năm và chia cổ tức, thưởng thêm 40% cổ phiếu. Cho đến đầu tuần trước giá HPG đã giảm xuống còn 38.500 đồng/cổ phiếu.

Trên thị trường OTC, cổ phiếu Thép Đình Vũ từ mức đáy 34.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm vọt lên 80.000 đồng/cổ phiếu khi công ty đạt lợi nhuận gấp đôi vốn điều lệ. Nhưng đến lúc này nhà đầu tư đang chào bán cổ phiếu Đình Vũ giá 31.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả mức đáy đã duy trì trong suốt năm đầu tiên nhà máy phôi của công ty hoạt động, công ty phải hạch toán lỗ.

Đây là hai cổ phiếu điển hình cho ngành thép trên thị trường. Trên thị trường niêm yết chỉ số P/E bình quân của 5 cổ phiếu ngành thép giảm xuống chỉ còn khoảng 4,5 lần khi VN Index ở mức 370 điểm.

Việc giảm giá cổ phiếu một phần do ảnh hưởng từ xu thế bán tháo của nhà đầu tư vì lo ngại tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ; nhưng một phần còn do nhà đầu tư lo lắng về lượng hàng tồn kho lớn của các công ty thép. Vào thời điểm chưa có báo cáo quý 3, nhà đầu tư chưa biết rõ lượng hàng tồn kho của các công ty là bao nhiêu để dự đoán mức lỗ do giảm giá thép thì những tin đồn trên thị trường khiến giá cổ phiếu thép càng giảm nhanh.

Không chỉ chịu lỗ do giảm giá hàng tồn kho mà thị trường tiêu thụ thép gần như đóng băng trên toàn thế giới do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp ngành thép không thể bán hàng tồn kho để ghi lỗ. Không quay vòng được vốn, doanh nghiệp còn phải gánh thêm lãi suất ngân hàng khá nặng do đặc thù của ngành thép là sử dụng vốn vay lớn. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại thép (SMC), thị trường thép “nằm trong tay người mua”. Tình hình khó khăn của thị trường thép còn kéo dài và dự báo hết quí I sang năm mới có khả năng “ấm” trở lại, ông Anh cho biết.

Tình hình có quá bi đát?

Phải thừa nhận các doanh nghiệp thép đang ở thời kỳ thật sự khó khăn. Nhưng đây cũng là lúc một số nhà đầu tư mua vào cổ phiếu ngành thép cho mục tiêu lâu dài. HPG là cổ phiếu có tính thanh khoản cao được nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua vào hiện nay. Cổ phiếu Thép Đình Vũ được giao dịch với giá 31.000 đồng/cổ phiếu và vào thời điểm xấu nhất của thị trường niêm yết, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng gom hàng vào nếu giá xuống dưới 30.000đ/cổ phiếu. Trong khi đó, khi giá đã xuống đáy, không nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán ra cổ phiếu này. Nhìn nhận khó khăn của doanh nghiệp thép, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư không nên quá tiêu cực. Nguy cơ phá sản chỉ xảy ra với các doanh nghiệp nhỏ. Đối với một số doanh nghiệp lớn trong ngành như Hòa Phát thì hàng tồn kho chỉ làm giảm lợi nhuận đạt được trong quý 3. Cụ thể, trong tháng 9, HPG đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tới 60 tỷ đồng.

Theo bà Huỳnh Thị Hoa, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt, về lâu dài, ngành thép ở Việt Nam là ngành có tỷ suất lợi nhuận cao (khoảng 22%/năm), cao hơn nhiều các ngành sản xuất khác nên thu hút nhiều nhà đầu tư. Năm 2009, ngành thép tăng trưởng chậm lại do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng mỗi năm 1 triệu tấn, tăng trưởng ngành thép vẫn có khả năng đạt 12% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Ông Tô Tử, Phó giám đốc Công ty chứng khoán Thép Việt lạc quan về thị trường thép với nhu cầu gần như là “không có giới hạn” ở thị trường trong nước trong những năm tới. Thị trường thép có tính mùa vụ cao, vì vậy cổ phiếu thép thích hợp cho cả nhà đầu cơ và đầu tư dài hạn.

Chọn mặt gửi vàng

Mặc dù ngành thép có tiềm năng, nhưng do đặc thù mất cân đối về cơ cấu sản xuất nên các nhà đầu tư cần hết sức chọn lọc.

Thứ nhất, sản xuất phôi trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu cán thép. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất phôi có tỷ suất sinh lời cao hơn doanh nghiệp làm thép mà phải nhập khẩu phôi, do thuế nhập khẩu phôi là 2%. Những doanh nghiệp nào có cả nhà máy sản xuất phôi và cán thì gộp được cả tỷ suất lợi nhuận của cả phôi và cán. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp nào có nhà máy cán thì rủi ro thấp hơn doanh nghiệp chỉ sản xuất phôi. Bởi sản phẩm thép xây dựng vẫn đang được tiêu thụ túc tắc. Khi thị trường ấm lại lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp này sẽ được “giải phóng” trước, sau đó mới đến lượng phôi tồn của nhà máy phôi khác.

Thứ hai, hiện chỉ duy nhất thép Thái Nguyên có khu liên hiệp sản xuất phôi thép từ gang, được luyện từ quặng. Công nghệ sản xuất phôi từ gang thay cho thép phế làm tăng tỷ suất lợi nhuận và công suất nhà máy. Ví dụ, vào những tháng cao điểm của ngành thép, một công ty sản xuất phôi từ thép phế liệu lãi 1,8 tỷ đồng/ngày thì thép Thái Nguyên lãi tới 2,6 tỷ đồng/ngày. Một số doanh nghiệp ở phía bắc như Vạn Lợi, Hòa Phát và Đình Vũ đã và đang chuẩn bị đưa nhà máy luyện gang và khu liên hiệp gang thép vào hoạt động trong năm 2009. Như vậy, những doanh nghiệp đầu tư từ thượng nguồn này sẽ có lợi thế hơn các doanh nghiệp sản xuất đơn thuần khác.

Thứ ba, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ sản xuất thép dài còn thép dẹt vẫn phải nhập khẩu tới 80%. Nhu cầu thép dẹt ở thị trường trong nước có tốc độ tăng trưởng cao gấp ba lần thép dài.

Theo khảo sát của Công ty chứng khoán Bản Việt, trừ một số nhà máy thép cán nóng, cán nguội như nhà máy thép tấm lá Phú Mỹ, Tôn Hoa Sen, nhà máy tấm cán nóng Cửu Long Vinashin, Hải Phòng và Công ty sản xuất thép cán nguội Sunco; còn lại tất cả sản phẩm cán nóng, cán nguội và tấm lá khác phải nhập khẩu.

Đến thời điểm này đã có khoảng 9 dự án của nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước nhằm xây dựng nhà máy thép dẹt với tổng công suất khoảng 55,2 triệu tấn/năm trong vòng 10 năm tới. Những doanh nghiệp nào ra sản phẩm thay thế nhập khẩu trước tiên sẽ chiếm ưu thế trên thị trường.

Từ đặc điểm cơ cấu ngành nêu trên, nhà đầu tư có thể lựa chọn doanh nghiệp thích hợp với mục tiêu đầu tư lâu dài của mình.

 
 

(Diễn đàn doanh nghiệp)

ĐỌC THÊM