Trong bối cảnh lo ngại toàn cầu về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, một báo cáo từ ban hội thẩm của tổ chức thương mại thế giới, được công bố hôm thứ Ba, đã ủng hộ tuyên bố của Nhật Bản rằng Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp tự vệ không công bằng đối với thép nhập khẩu.
Ban hội thẩm cho rằng Ấn Độ đã hành động không nhất quán với các quy định khác nhau của Hiệp ước Tự vệ của WTO và Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại.
Biện pháp tự vệ được đưa ra dưới hình thức mức thuế khẩn cấp lên đến 20% dành cho thép cuộn cán nóng được sử dụng để sản xuất ô tô và thiết bị, có hiệu lực vào tháng 9 năm 2015.
Mặc dù biện pháp tự vệ này đã hết hạn vào tháng 3 năm 2018, nhưng điều này không làm cho ban hội thẩm bỏ qua việc điều tra vấn đề này.
Ban hội thẩm được thành lập để xem xét vấn đề này sau khi Ấn Độ và Nhật Bản không thể giải quyết những bất đồng của họ, sau khi Nhật Bản yêu cầu WTO thành lập một ban hội thẩm giải quyết tranh chấp vào tháng 3 năm 2017.
Bản báo cáo sẽ được Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) thông qua trong vòng 20-60 ngày kể từ ngày 6 tháng 11 trừ khi DSB quyết định đồng ý không chấp nhận báo cáo này hoặc nếu Ấn Độ hoặc Nhật Bản thông báo quyết định kháng nghị của họ.
Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hôm thứ Tư cho biết nếu Ấn Độ quyết định kháng cáo không chấp nhận bản báo cáo này, thì Nhật Bản sẽ tiếp tục giữ lập trường giống vậy và giải thích điều gì là không đúng trong biện pháp tự vệ. Dù nhấn mạnh rằng biện pháp tự vệ đã hết hạn và không ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch hiện tại, nhưng Nhật Bản có thể gửi một thông báo rằng "các biện pháp thương mại phải tuân thủ các quy định của WTO và các nước không nên áp đặt biện pháp tự vệ một cách dễ dàng."
Nhật Bản đã xuất khẩu tổng cộng 130.251 tấn HRC sang Ấn Độ từ tháng 7-9, tăng 48,3% so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 trước khi biện pháp tự vệ hết hạn, theo Thống kê thương mại Nhật Bản.
Nguồn tin: satthep.net