Bội chi và nguồn kích cầu là những vấn đề được nhiều người quan tâm gần đây. Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn chuyên gia Đặng Văn Thanh, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế ngân sách Quốc hội
Ông Thanh nói: “Dư địa để giảm bội chi ngân sách vẫn còn lớn. Theo tôi, trước hết, Chính phủ nên sắp xếp lại cơ cấu nguồn thu vì hoàn toàn có thể tăng thu trong một số lĩnh vực. Theo báo cáo của ngành thuế và hải quan, nợ đọng thuế còn rất lớn, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản có thể thu được nếu tích cực hơn. Vì thế, cần làm rõ trách nhiệm của ngành thuế và hải quan trong việc này. Hơn nữa, chúng ta có thể sắp xếp lại các khoản chi, nhất là những khoản chi không cần thiết, để tránh tình trạng hàng năm chúng ta phải chuyển nguồn hàng chục ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều quỹ ngoài ngân sách cũng cần sử dụng đến. Từ những yếu tố này, tôi cho là phải rà soát lại để bội chi ngân sách thấp xuống hơn nữa, tránh những đột biến có thể xảy ra cho đất nước”.
Ông có thể nói rõ hơn về các quỹ ngoài ngân sách này?
Chúng ta có khoảng gần bốn mươi quỹ như quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự trữ tài chính, các quỹ chuyên ngành như bảo hiểm xã hội, phát triển khoa học công nghệ, môi trường,… mà tổng vốn của nó tôi biết là lên đến 300 – 400 ngàn tỉ đồng, trong đó có nhiều quỹ chưa dùng đến. Vì vậy, nên tính toán sử dụng quỹ này ở mức độ khoảng 30% là vẫn an toàn, thay vì bội chi ngân sách, vì đi vay phải trả lãi.
Ông nghĩ như thế nào về đề nghị phát hành thêm trái phiếu trị giá hai mươi ngàn tỉ đồng?
Theo tôi, cần phải có thêm tiền để bù đắp cho ngân sách, vấn đề là nguồn ở đâu. Tôi biết là các nguồn trong phạm vi quản lý của Nhà nước còn rất nhiều, Chính phủ có thể sử dụng lượng tiền nhàn rỗi đó. Đó là các quỹ ngoài ngân sách như tôi vừa nói, là tiền của các năm đã bố trí mà chưa tiêu được, hay chưa tiêu đến. Số tiền này cần sử dụng đã, rồi hãy tính chuyện vay, vì vay phải trả nợ với lãi suất lại không thấp. Làm được như vậy, sẽ giảm bớt gánh nặng cho nhân dân, cho Nhà nước.
Ông nhìn nhận như thế nào về cơ cấu bảy hợp phần của gói kích cầu tám tỉ USD?
Cái đó tuỳ theo các quan điểm, nhưng trong gói kích cầu mà Nhà nước công bố, thì tiền ra khỏi ngân sách không phải nhiều, mà cái chính là thông qua các chính sách của Nhà nước, như miễn, giảm thuế. Thứ hai là nguồn lấy từ các khoản của năm ngoái chuyển sang, hay là chưa chi tiêu. Bản chất của nó nếu ta không kích cầu, thì vẫn chi tiêu thôi. Nhưng tôi băn khoăn nhất là khoản ứng trước tiền cho các công trình có mục tiêu trị giá 37,2 ngàn tỉ đồng.
Ông giải thích rõ hơn?
Chính phủ cần làm rõ, ứng trước của ai, ở đâu? Nếu ứng trước của năm 2010 thì vô lý, vì ngân sách 2010 chưa trình Quốc hội và Quốc hội chưa thông qua. Vì vậy, cần làm rõ ứng trước từ đâu, từ quỹ nào. Nếu ứng trước ngân sách, thì không rõ ràng. Đây là vấn đề cần đặt ra.
Trong các tờ trình Quốc hội, Chính phủ vẫn bảo lưu quan điểm bội chi ngân sách lên đến 8% GDP theo dự toán của năm ngoái. Nhưng thực tế, GDP được dự báo giảm còn 5%, trong khi hụt thu ngân sách so với dự toán có thể lên đến 60 ngàn tỉ. Ông bình luận gì về việc căn cứ vào dự toán cũ.
Tôi cho là cần phải có tính toán kỹ hơn. Thứ nhất, bội chi số tuyệt đối là tính trên con số tăng trưởng kinh tế năm 2009 trước đây là 6,5%. Năm nay tăng trưởng thấp xuống, tổng GDP của năm nay sẽ thấp xuống, vì thế, giữ mức bội chi tuyệt đối như năm trước thì tỷ lệ đã tăng lên rồi. Vậy, nếu giữ nguyên theo dự toán, thì bội chi lên bao nhiêu, vậy giảm nguồn thu, thì giảm bao nhiêu. Tôi nghĩ Quốc hội nên phê duyệt bội chi ngân sách vào số tuyệt đối là cơ sở tốt hơn.
Chính phủ cũng dự kiến xin Quốc hội bội chi cao hơn bình thường để năm năm sau mới đưa về mức 5%. Ý kiến của ông?
Tôi cho là không nên. Chúng ta đã tốn nhiều công sức, biện pháp và trí tuệ để kiềm mức bội chi ngân sách trong nhiều năm nay dưới 5%. Đó là thành công. Nhưng với mức bội chi đó, mức nợ quốc gia và Chính phủ đã lên đến 30% GDP, tức là gần đến ngưỡng không an toàn của nợ quốc gia. Vấn đề đặt ra, bội chi ngân sách vượt qua 5% là cần, nhưng không có nghĩa là kéo dài như thế. Bội chi cao chỉ là biện pháp tình thế của năm nay và 2010. Ngoài ra, cũng phải tính đến cân bằng ngân sách, vì suy cho cùng, bội chi ngân sách là chuyển gánh nặng hôm nay cho thế hệ tương lai.
Chính phủ muốn mua thêm trái phiếu trị giá 20 ngàn tỉ thì phải tăng lãi suất lên, và dường như lãi suất thị trường cũng đang phản ứng theo hướng đó. Điều này ngược với nỗ lực kích thích kinh tế?
Tôi cho rằng, Chính phủ phát hành trái phiếu mà làm không tốt, thì không thu hút được tiền trong dân, mà lại thu hút từ một số quỹ đang hoạt động, mà bằng các biện pháp khác Chính phủ có thể huy động được. Như vậy, một số tổ chức sẽ tính cho vay ra nền kinh tế, hay mua qua Chính phủ. Mà cho vay qua Chính phủ, thì độ an toàn cao, nên họ không phải đau đầu. Và như thế nó mâu thuẫn với mục tiêu kích thích kinh tế, và cung tiền vào kinh tế.
SGTT