Sau thời gian dài xuất khẩu lượng lớn than đá, dầu thô, quặng khoáng sản giờ đây Việt Nam đang phải mua về với giá đắt gần 3 lần.
Thống kê của mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng qua Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu than đá: khoảng 8,4 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 985 triệu USD, lượng nhập tăng 50%, giá trị tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.
Tính bình quân, giá than nhập khẩu về Việt Nam là 2,67 triệu đồng/tấn, giá than nhập thấp hơn 330.000 đồng/tấn so với giá than xuất đi.
Bán than giá rẻ, mua lại than giá đắt gấp ba
Điều này cho thấy, Việt Nam đang tăng cường nhập các loại than cám, than phẩm cấp thấp để xuất những loại than giá trị cao như antraxit, than đá vỉa, than cốc.
Ngoài các đơn vị như Tập đoàn Than - khoáng sản, Tập đoàn Điện lực được nhập khẩu than, còn có nhiều doanh nghiệp FDI được cấp quyền này nhằm phục vụ các nhà máy phát điện như Formosa, các khu chế xuất, nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT.
Các thị trường lớn xuất khẩu than cho Việt Nam như Nga, Trung Quôc, Indonesia, trong đó Indonesia là nước cung cấp than nhiều nhất với giá rẻ nhất cho Việt Nam.
Cụ thể, Trung Quốc nhập hơn 307.000 tấn, trị giá 112 triệu USD, bình quân hơn 8 triệu đồng/tấn.
Indonesia là thị trường cung cấp than nhiều nhất cho Việt Nam với hơn 4,5 triệu tấn, giá trị hơn 318 triệu USD, bình quân 1,6 triệu đồng/tấn.
Nga cung cấp gần 800.000 tấn, giá trị kim ngạch hơn 83 triệu USD, giá nhập bình quân 2,3 triệu đồng/tấn.
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước nhập hơn 5,1 triệu tấn quặng và khoáng sản, kim ngạch hơn 445 triệu USD, tăng 126% về lượng và 122% về giá trị.
Tính trung bình, mỗi tấn quặng có giá gần 2 triệu đồng. Giá quặng và khoáng sản nhập khẩu về tăng gấp đôi so với giá mà Việt Nam xuất đi, trung bình chỉ 1 triệu đồng/tấn.
Chủ yếu quặng và khoáng sản nhập của Việt Nam là Thái Lan với hơn 510.000 tấn, kim ngạch hơn 23 triệu USD, giá bình quân hơn 1 triệu đồng/tấn.
Quặng xuất xứ Trung Quốc đạt 136.000 tấn, kim ngạch hơn 31 triệu USD, giá trung bình hơn 5 triệu đồng/tấn.
Qua các con số, có thể thấy một cách rõ ràng, hàng hóa của Trung Quốc bán cho Việt Nam đang ở mức cao ngất ngưởng so với các thị trường khác và cao hơn nhiều so với lượng mà Việt Nam bán đi.
Đường nào cho than, khoáng sản?
GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cho biết thực trạng bán rẻ quặng và khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc không hề mới mà đã diễn ra nhiều năm nay và những nhà kinh tế, nhà khoa học cũng đã lên tiếng nhiều lần.
Theo vị chuyên gia, quan hệ kinh tế giữa các quốc gia là sòng phẳng, do đó, Việt Nam không nên và không cần bán rẻ tài nguyên cho bất kỳ quốc gia nào.
Ông Bá nói: "Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc? Đánh đổi như thế để được cái gì? Nếu một số loại quặng quý hiếm như đất hiếm và các loại quặng khác có giá trị cao mà bán như thế thì rất nguy hiểm. Việc này cơ quan quản lý Nhà nước và cả TKV phải giải thích cho rõ. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, được bao nhiêu cứ bán hết thì còn gì cho con cháu đời sau?"
"Khoáng sản là tài sản của nhân dân, bán rẻ thì chỉ có dân thiệt, còn doanh nghiệp chỉ cần tiền trao cháo múc, tiền tươi thóc thật cầm về, tiêu cực cũng nảy sinh từ đây"- GS.TSKH Lê Huy Bá trăn trở.
GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, khoảng cách địa lý gần hay xa không phải là vấn đề đối với mua bán tài nguyên thiên nhiên mà do người xuất khẩu không biết "của đau con xót". "Việt Nam đã có bài học: bán than cho Trung Quốc rồi lại nhập than Trung Quốc về với giá cao nhưng có vẻ học bao nhiêu thì vẫn không có gì thay đổi" - ông nói.
Vị chuyên gia cho hay: Trung Quốc hạn chế khai thác khoáng sản, nhưng lại gom quặng, liên kết khai thác quặng ở nước ngoài, nhất là quặng quý hiếm để đưa về nước. Sau này, khi thế giới thiếu họ mới bung ra bán với giá cao, đó là một kiểu tích trữ đầu cơ.
Có những quặng rất cần cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cho công nghệ vũ trụ mà vì trình độ Việt Nam chưa cao, không biết nó rất quý, cứ bán đơn giản như vậy thì rất nguy hiểm.
Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, cách quản lý khoáng sản đang được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - đơn vị xuất phát từ công ty than, quản lý khoáng sản là không hợp lý.
Mà tài sản lớn của quốc gia lẽ ra phải giao cho đơn vị địa chất, tức mỏ và luyện kim.
Ở Việt Nam bấy lâu nay tồn tại tình trạng đầu tư không đúng hướng. Muốn nước mạnh thì phải đầu tư cơ khí, luyện kim - xương sống của nền kinh tế, nhưng chúng ta lại đi vào cái vụn vặt, xuất khẩu thô.
Ông lấy ví dụ, trước đây, Liên Xô giúp Việt Nam khai thác quặng thiếc ở Cao Bằng rất tốt, tinh luyện ra thiếc thành phẩm. Các loại khoáng sản khác của Việt Nam cũng đều phải làm như thế.
Nhưng tới nay, phải ngừng lại việc chỉ nghĩ đến chuyện bán sản phẩm được chế biến từ quặng hay xuất quặng tinh. Cần phải hạn chế và tiến tới cấm xuất thô vì xuất thô có giá rẻ mạt, thu không được bao nhiêu tiền.
Trong khi đó, nếu xuất khẩu bằng sản phẩm thì giúp giải quyết công ăn việc làm, thu lãi rất cao.
Phải xây dựng các nhà máy, công nghệ chế biến, bảo quản, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đó là chính sách lâu dài mà Nhà nước phải đứng ra giải quyết.
"Tài nguyên khoáng sản không phải của trời cho, muốn giao cho ai thì giao, khai thác kiểu gì cũng được" - ông nói.
Nguồn tin: Đất việt