Giá thép Trung Quốc suy yếu trở lại vào đầu tháng 7 do các dữ liệu cho thấy tăng trưởng nhà máy chậm hơn trong tháng qua và tâm lý thị trường lo ngại trước hạn Mỹ áp dụng mức thuế 34 tỷ USD cho hàng nhập khẩu Trung Quốc cuối tuần này. Nền kinh tế Trung Quốc đang phát đi tín hiệu tăng trưởng chậm chạp cộng với rủi ro thuế quan trước căng thẳng Trung-Mỹ leo thang đã làm thị trường thép im ắng và cả người mua cũng như người bán đều chuyển sang tâm lý chờ đợi mọi thứ sáng tỏ hơn.
Chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 3% trước thời hạn Mỹ áp thuế Trung Quốc ngày 06/7. Bắc Kinh dự báo sẽ trả đũa lại bằng thuế quan cho hàng nhập khẩu của Mỹ. Thêm vào đó là dữ liệu tăng trưởng ngành sản xuất chậm lại trong tháng 6 kéo giá thép giảm. Giá thép cây giao ngay tại Hàng Châu, thị trường phía đông Trung Quốc đã giảm 40 NDT/tấn (6 USD/tấn) do sức mua chậm chạp. Trong khi đó, giá HRC giao ngay Thượng Hải giảm 20 NDT/tấn xuống 4.230-4.250 NDT/tấn (639-642 USD/tấn) xuất xưởng có thuế trong ngày thứ hai. Giá trong nước giảm và người mua ngoài nước xa lánh trước bất ổn về cuộc chiến thương mại Trung Quốc-Mỹ buộc các nhà máy xuất khẩu phải giảm giá trong khi một số ngưng chào bán. Chào giá thép cây và HRC thương phẩm cùng giảm 10 USD/tấn xuống 540-550 USD/tấn FOB và 595-600 USD/tấn FOB.
Căng thẳng Trung Quốc-Mỹ vẫn đang leo thang sau các động thái trả đũa thương mại giữa hai nước bằng thuế quan. Nếu không có gì thay đổi thì Mỹ sẽ chính thức áp dụng thuế mới cho nhôm, thép và các mặt hàng khác của Trung Quốc vào thứ sáu tuần này ( 06/7), thổi bùng thêm ngọc lửa căng thẳng giữa 2 nước. Theo nhận định của chuyên gia phân tích Guiqiu Zhuo thuộc Jinrui Futures thì nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc có thể giảm trong một năm rưỡi tới và xuất khẩu không thể nào lạc quan trong cuộc chiến thương mại.
Trong khi đó, nguồn cung thép vẫn đang gia tăng. Bất chấp các kiểm soát môi trường cho Hội nghị thượng đỉnh thứ 18 trong tháng 6 cũng như mục tiêu làm sạch bầu không khí trong 3 năm thì sản lượng thép thô ẫn liên tục lập kỷ lục. Sản lượng thép thô của các thành viên CISA đạt trung bình 1.9802 tiệu tấn/ngày trong 10 ngày đầu tháng 6, tăng 1.3% so với cuối tháng 5 và 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy các nhà máy ngoài khu vực kiểm soát vẫn gia tăng công suất để kiếm lời do lợi nhuận cao. Số liệu chính thức cho thấy lợi nhuận các nhà máy tăng mạnh trong tháng 5, với HRC thu được khoảng 1.000 NDT/tấn.
Nhu cầu tiêu thụ trong tháng 7 dự kiến cũng chậm lại do dự án xây dựng trì trệ dựa vào thời tiết nắng nóng. Do đó, giá thép sẽ suy yếu trở lại trong tháng này. Tuy nhiên, giá sẽ còn biến động trong phạm vi hẹp và giảm nhẹ nhờ yếu tố tồn kho thép giảm và các chính sách kiểm soát môi trường hạn chế sự gia tăng nguồn cung. Dự báo giá HRC tháng 7 xuất khẩu giảm xuống mức 570-580 USD/tấn FOB còn thép cây khoảng 540-550 USD/tấn FOB, giảm từ 10-20 USD/tấn.
Nhu cầu tiêu thụ thép sẽ còn chậm chạp cho tới cuối tháng 8 do đang trong mùa thấp điểm cộng với áp lực thuế quan nên sẽ còn gây áp lực cho giá thép. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục các chính sách điều chỉnh để hỗ trợ ngành thép như cắt giảm dự trữ tiền, kiểm soát môi trường hạn chế nguồn cung nên giá cũng sẽ có những đợt phục hồi ngắn hạn theo tâm lý thị trường. Do đó, giá thép tháng 8 dự báo sẽ dao động vào tầm 560-570 USD/tấn FOB cho HRC và 540-545 USD/tấn FOB cho thép cây xuất khẩu, giảm thêm khoảng 10 USD/tấn so với giá tháng 7.