Giá thép nội địa Trung Quốc tăng trưởng trở lại vào hôm qua nhờ niềm tin thị trường lạc quan song các nhà máy xuất khẩu tiếp tục bình ổn giá để chờ đơn hàng.
Thị trường đang được hỗ trợ bởi niềm tin nguồn cung thắt chặt trước các chính sách cắt giảm sản xuất để bảo vệ môi trường của Chính phủ, dẫn tới giá giao kỳ hạn tăng mạnh và hỗ trợ giá giao ngay. Bắc Kinh đã ban hành hành động chống ô nhiễm 3 năm và dự thảo quy định xóa bỏ khói bụi tại 28 thành phố phía bắc của nước này trong mùa đông tới. Trong khi đó, một số nhà máy thép tại Hà Bắc – tỉnh sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc – đã ra lệnh hạn chế sản xuất do thiếu hụt điện trong khu vực này. Theo một số nguồn tin công nghiệp cho biết, có khoảng 30% công suất sản xuất bị ảnh hưởng bởi thiếu điện, trong đó yêu cầu các nhà máy chỉ hoạt động trong giờ thấp điểm vào buổi tối.
Ngoài ra, tồn kho thép cũng giảm liên tục. Theo số liệu theo dõi bởi công ty tư vấn Shanghai Steelhome, tồn kho thép cây của các thương nhân Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 là 4.09 triệu tấn vào tuần cuối tháng 7, giúp tâm lý các nhà đầu tư lạc quan.
Hợp đồng thép cây giao kỳ hạn tháng 10 trên sàn SHFE ngày 7/8/ đã đạt mức cao nhất trong hơn 6 năm là 4.244 NDT/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012. Theo đó, giá thép cây giao ngay tăng 20 NDT/tấn lên 4.290 NDT/tấn (627 USD/tấn) xuất xưởng trong khi HRC tăng 30 NDT/tấn lên 4.320-4.330 NDT/tấn (631-633 USD/tấn) xuất xưởng có thuế.
Giá trong nước tăng trưởng liên tục nhưng giá xuất khẩu vẫn ổn định trong 2 tháng nay do phần nào chịu áp lực từ căng thẳng thương mại Mỹ -Trung. Mới đây, Trump lại tuyên bố tăng thuế từ 10% lên mức 25% cho hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ dolla từ Trung Quốc do nước này từ chối đáp ứng nhu cầu của Mỹ và có hành động trả đũa. Để đáp trả, Trung Quốc ngày 3/8 cũng tuyên bố sẽ áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, từ khí hóa lỏng (LNG) tới một số sản phẩm máy bay. Căng thẳng thương mại hai nước khiến tâm lý thị trường bất ổn và người mua ngoài nước xa lánh. Dù vậy, giá không giảm nhờ chính sách của Chính phủ về giảm sản xuất và tiền tệ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu trong cuộc họp điều hành của hội đồng nhà nước vào ngày 23/7 rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính sách tài chính "tích cực " và "linh hoạt" hơn, có thể giúp hỗ trợ giá thép trong thời gian còn lại của năm nay.
Ngoài ra, đồng NDT mất giá, chênh lệch giá chào bán và chào mua cao và cạnh tranh từ các nguồn khác cũng gây áp lực cho các nhà máy xuất khẩu Trung Quốc dẫn tới một số ngưng chào bán. Chào giá HRC thương phẩm tiếp tục mức 580-590 USD/tấn FOB giao tháng 9 và thép cây tầm 555-560 USD/tấn FOB. Giá từ Trung Quốc cao đã khiến người mua chuyển sang tìm kiếm các nguồn khác giá rẻ hơn như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhìn chung, giá đang được hỗ trợ từ cán cân cung-cầu cân bằng nhờ vào chính sách cắt giảm sản xuất của Chính phủ mà sắp tới sẽ là chính sách cắt giảm sản xuất mùa đông như năm ngoái nên giá thép nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng và giữ ở mức cao, có biến động nhưng không nhiều. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu lại là câu chuyện khác do đồng NDT mất giá trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ và người mua đã hầu như có đủ lượng thép dự trữ. Do đó, giá xuất khẩu sẽ ổn định ngắn hạn và có thể giảm nhẹ lại 5-10 USD/tấn về cuối tháng do áp lực tiêu thụ. Giá thép cây dự báo dao động vào tầm 540-545 USD/tấn FOB còn HRC thương phẩm tầm 570-580 USD/tấn FOB.
Sau đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi trở lại vào tháng 9-tháng 10 nhờ tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi chiến dịch cắt giảm sản xuất trong mùa đông của Chính phủ như năm ngoái, cộng với sức mua dần khởi sắc giúp giá gia tăng trở lại nhưng sẽ tiếp tục biến động và mức gia tăng không lớn, vào tầm 10-15 USD/tấn. Giá chào sẽ trở về mức 560 USD/tấn cho thép cây và 580-590 USD/tấn cho HRC.