Thị trường thép Trung Quốc bình ổn trở lại vào hôm thứ tư trong bối cảnh giá giao kỳ hạn vẫn đang trên đà tăng trưởng còn sức mua im ắng.
Giá thép cây và HRC giao ngay ổn định lần lượt tại mức 4.390 NDT/tấn (639 USD/tấn) và 4.310-4.320 NDT/tấn (627-629 USD/tấn) xuất xưởng có thuế, không đổi so với giá hôm thứ ba. Tương tự, các nhà máy xuất khẩu cũng giữ giá chào ổn định trong khi vài nhà máy ngưng chào bán để chờ đợi. Chào giá thép cây xuất khẩu tầm 550-560 USD/tấn FOB còn HRC thương phẩm tầm 580-585 USD/tấn FOB. Tuy nhiên, giá này quá cao so với mức thị trường có thể chấp nhận trong khi người mua đang hạn chế lượng mua vào trong mùa tiêu thụ thấp điểm nên vài nhà máy chấp nhận bán HRC thương phẩm mức 570-575 USD/tấn FOB để kích cầu, dù vậy vẫn không ai quan tâm.
Giá trong nước đang ở mức cao nhất từ đầu năm tới nay với nguồn lợi nhuận cao, tới hơn 1.000 NDT/tấn cho HRC nên các nhà máy xuất khẩu vẫn kiên quyết giữ giá chào bán ở mức cao. Sở dĩ giá nội địa liên tục tăng dù trong mùa thấp điểm nhờ niềm tin thị trường mạnh mẽ về nguồn cung thắt chặt dựa vào các chính sách cắt giảm sản xuất để bảo vệ môi trường của Chính phủ. Bắt đầu từ 1/10/2018 đến 31/3/2019, các thành phố thép chủ yếu như Anyang, Tianjin, Shijiazhuang, Tangshan, Handan và Xingtai sẽ được yêu cầu bởi chính quyền để hạn chế 50% công suất thép của họ.
Các thành phố khác sẽ được yêu cầu để cắt giảm không ít hơn 30%. Các nhà máy thép, các nhà sản xuất than cốc, luyện kim và các nhà máy công nghiệp khác sẽ buộc phải hạn chế sản lượng để kiểm soát ô nhiễm môi trường. Quận Phong Nam của thành phố Đường Sơn cũng vừa ban hành nghị định cho các nhà máy thép trong nước tăng cường cắt giảm sản lượng tại lò cao đến 50% từ ngày 12/8, từ mức 20% -37.1% ban đầu.
Ngoài ra, tồn kho thép cũng giảm liên tục nhờ cắt giảm sản xuất và tiêu thụ nội địa mạnh. Theo số liệu theo dõi bởi công ty tư vấn Shanghai Steelhome, tồn kho thép cây của các thương nhân Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 là 4.09 triệu tấn vào tuần cuối tháng 7. Điều này đã đẩy giá thép cây giao kỳ hạn tăng, đạt mức cao nhất vào ngày 13/8/2018 kể từ năm 2012, hỗ trợ thị trường giao ngay và xuất khẩu.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu cũng đang vấp phải sức ép đồng NDT mất giá, chênh lệch giá chào bán-chào mua cao và áp lực cạnh tranh gia tăng từ các nguồn giá rẻ khác đang gây sức ép mạnh cho các nhà máy, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ tăng nhiệt.Các khách hàng Việt Nam đang chờ đợi thông báo giá từ Formosa Hà Tĩnh dự kiến là vào ngày thứ năm, trong bối cảnh tiêu thụ nội địa đang suy yếu do thời tiết mưa lũ tại phía bắc. Do đó, giá không thể bắt kịp đà tăng nội địa trong ngắn hạn.
Nhìn chung, giá thép nội địa vẫn tiếp tục được hỗ trợ từ cán cân cung-cầu cân bằng nhờ vào chính sách cắt giảm sản xuất của Chính phủ cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng từ các hạn chế sản lượng nên giá thép nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng và giữ ở mức ca trong các tháng tới. Tuy nhiên, sản lượng thép cũng vẫn sẽ cao do nhà máy hợp pháp gia tăng công suất kiếm lời trước khi có lệnh hạn chế mới mùa đông, cản trở đà tăng khiến giá biến động trong phạm vi hẹp.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lại là câu chuyện khác. Do đồng NDT mất giá trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ và người mua đã hầu như có đủ lượng thép dự trữ nên giá xuất khẩu sẽ ổn định ngắn hạn và có thể giảm nhẹ lại 5-10 USD/tấn về cuối tháng này. Giá thép cây dự báo dao động vào tầm 540-545 USD/tấn FOB còn HRC thương phẩm tầm 570-580 USD/tấn FOB.
Sau đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi trở lại vào tháng 9-tháng 10 nhờ tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi chiến dịch cắt giảm sản xuất trong mùa đông của Chính phủ như năm ngoái, cộng với sức mua dần khởi sắc giúp giá gia tăng trở lại nhưng cũng biến động và mức gia tăng không lớn, vào tầm 10-15 USD/tấn. Giá chào sẽ trở về mức 560 USD/tấn cho thép cây và 580-590 USD/tấn FOB cho HRC thương phẩm.