Thị trường thép trở lại trầm lắng do giá giao kỳ hạn sụt giảm khiến tâm lý thị trường hoang mang.
Tại thị trường nội địa, giá thép cây giao ngay giảm lại 65 NDT/tấn xuống 3.745-3.755 NDT/tấn trong khi HRC giảm 25 NDT/tấn xuống 3.920-3.940 NDT/tấn xuất xưởng có thuế. Thị trường trong nước suy yếu tiếp tục gây áp lực cho thị trường xuất khẩu do người mua ngoài nước hoang mang và chọn cách chờ đợi. Tuy nhiên, do có lợi nhuận và tự tin về triển vọng tiêu thụ sắp tới nên các nhà máy vẫn giữ nguyên giá chào, với giá chào thép cây và HRC lần lượt là 530-550 USD/tấn FOB và 580-590 USD/tấn FOB giao tháng 5 và 6.
Tồn kho thép cây tuần qua tiếp tục giảm cho thấy sức mua đang cải thiện. Điều này hỗ trợ tâm lý thị trường thép giúp họ lạc quan hơn. Trong khi đó, tháng 4-tháng 5 vốn là mùa tiêu thụ cao điểm của ngành xây dựng nhờ điều kiện thời tiết tốt, nên các nhà thầu sẽ bắt đầu tăng tốc để kịp hoàn thành các dự án, dẫn đến thu mua thép mạnh nên giúp giá thép phục hồi trong tháng và nhất là thép cây.
Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện cắt giảm sản xuất thép xuống 30 triệu tấn trong năm nay nên cung-cầu cũng cân bằng, củng cố niềm tin thị trường. Tuy nhiên, dù Trung Quốc liên tục cắt giảm sản lượng và có thể sớm hoàn thành mục tiêu cắt giảm trong năm nay song sản lượng thép vẫn ở mức cao dựa vào yếu tố lợi nhuận cao.
Căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ hạ nhiệt sau công bố Mỹ muốn tái gia nhập TPP, song chính sách thuế quan Mỹ sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường Châu Á do không xuất khẩu được tới Mỹ. Do đó, dự báo giá trong xu hướng tăng nhưng không mạnh và có biến động. Giá nằm trong phạm vi 600-610 USD/tấn FOB trước khi suy yếu trở lại vào giai đoạn cuối tháng 5- tháng 6 khi dần bước vào mùa tiêu thụ thấp điểm.
Nhu cầu tiêu thụ thấp vào hè do điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều và áp lực sản lượng cao trong mùa xuân dựa vào việc các nhà máy gia tăng công suất kiếm lời sẽ kéo giá giảm trở lại về 570-580 USD/tấn FOB cuối Q2.