Giá thép biến động do tiêu thụ suy yếu trong khi thị trường lo ngại về nguồn cung thắt chặt dựa vào việc Đường Sơn bắt đầu cắt giảm sản lượng nhiều hơn 6 tuần, từ ngày 20/7 đến ngày 31/8. Chính phủ đã không yêu cầu các nhà máy cắt giảm sản lượng nhất định, nhưng hai nhà máy thép cho hay họ đã đóng cửa 50% công suất nung kết quặng và 30% công suất tại lò cao.
Theo đó, giá tuy giảm trở lại song chỉ ở mức nhỏ, với HRC giao ngay mất 10 NDT/tấn xuống 4.240-4.260 NDT/tấn (625-627 USD/tấn) xuất xưởng trong khi thép cây tăng 5 NDT/tấn lên 4.160 NDT/tấn (613 USD/tấn). Hợp đồng thép cây giao kỳ hạn đã giảm lại 28 NDT/tấn, chấm dứt đà tăng 3 phiên liên tiếp trước đó.
Chào giá thép cây và HRC xuất khẩu vẫn ổn định lần lượt ở mức 545-550 USD/tấn FOB và 580-585 USD/tấn FOB giao tháng 9. Có nhà máy sẵn sàng bán mức 575 USD/tấn FOB nhưng không thu hút người mua. Các khách hàng Hàn Quốc không quan tâm tới thép nhập khẩu Trung Quốc nữa do họ bị hạn chế xuất khẩu thép thành phẩm vào Mỹ sau chính sách 232 trong khi các khách hàng Pakistan lo ngại rủi ro chống bán phá giá còn thị trường Việt Nam đang trong mùa mưa nên tiêu thụ rất thấp. Do đó, chào giá từ Trung Quốc không thu hút được các thị trường người mua.
Giá hiện vẫn ở mức cao và liên tục biến động trong phạm vi hẹp nhờ được hỗ trợ bởi chính sách cắt giám sản xuất ở Đường Sơn và chiến dịch làm sạch bầu trởi của Chính phủ, giữ tồn kho ở mức thấp.
Tuy nhiên, áp lực vẫn hiện hữu từ sản lượng thép thô ở mức cao cho thấy các nhà máy ngoài khu vực kiểm soát cũng gia tăng công suất để kiếm lời do lợi nhuận cao. Sản lượng tháng 6 vừa qua đạt 80.2 triệu tấn, tuy giảm 1.1% so với tháng 5 song mức bình quân hàng ngày lập kỷ lục mới bất chấp hàng loạt yêu cầu thanh tra môi trường tại các nhà máy thép của chính phủ.
Đơn hàng trong nước chậm lại với tồn kho gia tăng gây áp lực cho các nhà máy xuất khẩu, buộc họ phải tăng cường bán ra ngoài nước, thể hiện ở số liệu xuất khẩu gia tăng. Theo Mysteel cho biết, dự trữ sản phẩm thép tuần tăng 29.500 tấn lên gần 10 triệu tấn tính đến ngày thứ sáu (20/7/2018) so với tuần trước đó. “Nhu cầu thị trường nội địa Trung Quốc đối với kim loại bao gồm thép và nhôm sẽ suy giảm trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019, do các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng với sự hỗ trợ tài chính của chính phủ suy giảm”, BMI Research cho biết.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại leo thang giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh cũng là áp lực dài hạn cho ngành thép nước này. Trump đã xác nhận áp thuế quan đối với lô hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỉ USD và có thể bổ sung thêm thuế quan đối với lô hàng hóa có trị giá hơn 200 tỉ USD. Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó cũng tuyên bố rằng Trung Quốc bị buộc phản công lại để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi và lợi ích của người dân. Căng thẳng thương mại sẽ khiến tình hình thị trường bất ổn và ảnh hưởng xấu đến các công ty thép.
Do đó, dự báo giá sẽ tiếp tục biến động trong phạm vi hẹp nhờ đang được hỗ trợ từ tồn kho thép thấp và các chính sách thắt chặt kiểm soát môi trường, cắt giảm nguồn cung thép của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, áp lực tiêu thụ thấp sẽ kéo giảm nhẹ trong tháng 8. Do đó, giá thép tháng 8 dự báo sẽ dao động vào tầm 560-570 USD/tấn FOB cho HRC và 540-545 USD/tấn FOB cho thép cây xuất khẩu, giảm thêm khoảng 10 USD/tấn so với giá tháng 7.
Sau đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi khoảng từ cuối tháng 8 nhờ tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi chiến dịch cắt giảm sản xuất trong mùa đông của Chính phủ như năm ngoái, cộng với sức mua dần khởi sắc giúp giá gia tăng trở lại nhưng sẽ tiếp tục biến động và mức gia tăng không lớn, vào tầm 10-15 USD/tấn.