Tâm lý thị trường thép tiếp tục được hỗ trợ bởi thông tin khu vực Hà Bắc cắt giảm sản xuất kể từ ngày 31/10 cũng như tồn kho thép giao ngay giảm, giúp giá phục hồi nhẹ kể từ ngày thứ tư, tuy nhiên, xu hướng này được cho là còn rất mong manh và chỉ tạm thời.
Tại thị trường nội địa, thép cây giao ngay tăng thêm 20 NDT/tấn lên 3.760 NDT/tấn (533 USD/tấn) còn HRC tăng 10 NDT/tấn lên 3.530 NDT/tấn (501.33 USD/tấn) xuất xưởng có thuế.
Thị trường xuất khẩu cũng được hỗ trợ bởi giá tăng trong nước với các nhà máy kiên quyết giữ giá hơn. Chào giá HRC thương phẩm ổn định mức 440-455 USD/tấn FOB. Các nguồn cạnh tranh giá rẻ khác như Nga, Ấn Độ được nghe cũng đã tăng nhẹ giá chào bán so với những ngày trước. Giá thép xuất khẩu Trung Quốc hiện thấp hơn nhiều so với giá trong nước, vào tầm 40-50 USD/tấn song so với các nước xuất khẩu khác thì vẫn cao nên không thu hút, ghi nhận Trung Quốc là nhà nhập khẩu HRC thương phẩm gần đây.
Nhìn chung, giá thép vẫn đang áp lực do cung cao – cầu thấp, và sẽ tiếp diễn trong thời gian còn lại của năm. Mỹ-Trung đã đạt được thỏa thuận một phần song chỉ là trên nguyên tắc. Cuộc chiến dai dẳng này khó có thể đạt được thỏa thuận chính thức sớm nên tâm lý thị trường sẽ còn xáo trộn cuối năm.
Trong khi đó, Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung vào mùa đông, điều này sẽ hỗ trợ giá phần nào. Tuy nhiên, chính sách cắt giảm lần này nới lỏng hơn so với mọi năm khiến tâm lý thị trường lo ngại nguồn cung vẫn sẽ cao trong khi nhu cầu tiêu thụ đáng ngại vì là vào mùa tiêu thụ thấp điểm và các hoạt động xây dựng giảm sút, dẫn đến giá sẽ chịu áp lực nhiều hơn là hỗ trợ.
Do đó, dự báo giá sẽ còn áp lực thời gian tới. Dao động giá vào tầm 440-450 USD/tấn FOB về cuối năm.