Thị trường thép Trung Quốc tiếp tục đà tăng trưởng vào đầu tuần này nhờ tâm lý thị trường được kích thích bởi thông báo mô hình kinh tế tuần hoàn nội địa của Chính phủ và chỉ số PMI đạt mức cao 9 năm. Bên cạnh đó, Bắc Kinh nhắm tới hoàn thành phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương vào cuối tháng 10/2020, điều này được coi là kích thích các dự án cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc thiết lập hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương ở mức 3.75 nghìn tỉ CNY (536.06 tỉ USD) trong năm nay. Bộ Tài chính trao cho chính quyền địa phương quyền tự chủ để sử dụng số tiền thu được, nếu thiếu các dự án cơ sở hạ tầng. Kích thích này đã thúc đẩy thị trường kỳ hạn tăng trưởng, hỗ trợ giá giao ngay trong bối cảnh tiêu thụ chậm lại trước bất ổn căng thẳng thương mại với Mỹ và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chỉ số PMI Caixin Trung Quốc đạt 52.8 điểm, mức cao 9 năm. Chính phủ cũng đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn nội địa nhằm tạo ra các vòng tuần hoàn nhỏ trong mỗi khâu khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. Điều này kích thích tâm lý thị trường, hỗ trợ giá kỳ hạn và giao ngay tăng.
Tại thị trường giao ngay, giá thép cây tăng 25 NDT/tấn lên 3.815 NDT/tấn (545 USD/tấn) trong khi HRC tăng 60 NDT/tấn lên 4.055 NDT/tấn (580.62 USD/tấn) xuất xưởng có thuế. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, chào giá thép cây tăng 15 USD/tấn lên 485 USD/tấn FOB trọng lượng lý thuyết trong khi chào giá HRC thương phẩm ổn định mức 485-500 USD/tấn và có vẻ sẽ tiếp tục tăng giá trong tuần này dựa vào thị trường nội địa mạnh.
Nhìn chung, thị trường sắp tới sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các yếu tố hỗ trợ lẫn áp lực. Những nhân tố hỗ trợ có thể kể đến là tâm lý thị trường mạnh, các cắt giảm sản xuất, chính sách kích thích của Chính phủ nửa cuối năm, giá nguyên liệu thô cao và nhu cầu tiêu thụ tăng khi hoạt động kinh tế được phục hồi dần sau khi kết thúc mùa mưa. Mưa lớn và lũ lụt đang giảm dần sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép, đẩy giá tiếp tục tăng. Nửa cuối năm nay cũng sẽ chứng kiến sự phục hồi do cầu tiêu thụ thép bị dồn nén lâu nay và Chính phủ đang dồn hết mọi nỗ lực để hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Vệc nới lỏng tín dụng của Trung Quốc cho các doanh nghiệp cũng giúp tăng thanh khoản tại các nhà máy, cộng với giá nguyên liệu thô cao và cắt giảm sản xuất trong nước sẽ ngăn việc cắt giảm giá.
Song, giá cũng sẽ chịu áp lực từ nguồn cung thép ghi mức kỷ lục vào tháng 5, tháng 6, dấy lên lo ngại dư cung trên thị trường. Căng thẳng Trung Quốc và Mỹ lại lần nữa leo thang trong bối cảnh dịch covid 19 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và thế giới. Mặc dù thành công trước đó trong việc chống lại coronavirus, Trung Quốc ngày 27/7 đã báo cáo số ca mắc bệnh lớn nhất, 61, trong hơn bốn tháng ở khu vực Tân Cương và Liêu Ninh ở phía bắc của đất nước, một yếu tố khác có thể làm giảm tâm lý thị trường.
Các khu vực dọc theo sông Dương Tử và sông Hoài như Hồ Bắc, An Huy, Giang Tây và Giang Tô tiếp tục chiến đấu với lũ lụt nghiêm trọng không có hồi kết, đe dọa sẽ làm gián đoạn sự nối lại hoạt động các công trình xây dựng sau mùa mưa và đỉnh điểm vào tháng 9.
"Tốc độ mà các thương nhân đã dỡ hàng hóa từ các nhà máy dường như đã chậm lại trong tháng 7 so với tháng 6", một nguồn tin của nhà máy miền đông Trung Quốc cho biết, thêm rằng mưa theo mùa đã kéo dài và mạnh hơn so với những năm trước, có thể ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu thép cây trong nước. Một số thương nhân có trụ sở tại Thượng Hải cũng nói rằng họ đang phải đối mặt với mức tồn kho thép cây cao.
Do đó, dự báo xu hướng giá sẽ biến động song tăng trưởng về cuối Q3, đạt mức 500-530 USD/tấn vào tháng 9.