Thị trường gần như im ắng cuối tuần qua do còn ảnh hưởng nghỉ lễ. Thị trường thiếu vắng giao dịch với người mua chờ đợi sự trở lại của các chào bán từ Trung Quốc.
Trong tháng 4 vừa qua, giá thép xây dựng tháng 4 đã đánh dấu tháng tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 7/2018, với hy vọng rằng nhu cầu sẽ vẫn ổn định sau kỳ nghỉ lễ Lao động. Thép xây dựng đã tăng 11.3% trong tháng 4, tháng tốt nhất trong 9 tháng.
Tháng 5 được xem là thời điểm tiêu thụ thép chậm của ngành xây dựng Trung Quốc do nhiệt độ cao, mưa nhiều tại khu vực phía nam. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý 2 nhờ sự tăng tốc chi tiêu của Chính phủ trong Q1. Có khoảng 60% trái phiếu chính quyền địa phương mới phát hành trong Q1 là dành cho các dự án đang được xây dựng. Thép chủ yếu được tiêu thụ ở giai đoạn đầu xây dựng, nên điều đó có nghĩa là nhu cầu thép gia tăng từ cơ sở hạ tầng trong quý 2 sẽ không mạnh bằng sự phục hồi chung của cơ sở hạ tầng.
Trái phiếu chính quyền địa phương mới trong Q1, chủ yếu để tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đã tăng so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm khoảng 38% khối lượng hàng năm 2019 trong 3.08 nghìn tỷ NDT (460 tỷ USD).
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/5 cảnh báo sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào ngày 10/5, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc do các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington tiến triển "quá chậm". Tổng thống Trump ban đầu áp thuế 10% đối với cách hàng hóa này hồi tháng 9 năm ngoái và dự kiến tăng từ tháng 1 năm nay nhưng đã hoãn lại sau khi hai bên đạt được “thỏa thuận đình chiến”.
Trong khi đó, bị Trump dọa tăng thuế, Trung Quốc đang cân nhắc hủy chuyến đi Washington của phái đoàn đàm phán trong tuần này, từ bỏ thỏa thuận đình chiến thương mại với Mỹ có hiệu lực từ ngày 1/12/2018.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tổn thất hàng tỷ USD, gián đoạn các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính. Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống 6.2% trong năm nay .
Trong báo cáo công bố mới nhất, IMF nhận định rằng hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm từ 30-70% trong dài hạn nếu hai nước tăng thuế thêm 25% đối với tất cả hàng hóa trao đổi giữa hai nền kinh tế. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết, việc áp dụng mức thuế quan 25% sẽ khiến Mỹ mất đi 0.6% tăng trưởng kinh tế và mức thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ là 1.5%.
IMF cho biết, ảnh hưởng của việc áp thuế đối với Trung Quốc lớn hơn trên mọi mô hình giả định vì hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế Trung Quốc so với chiều ngược lại. Sản xuất hàng điện tử cùng các ngành chế tạo khác của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi ngành nông nghiệp của Mỹ cũng chứng kiến sự suy giảm đáng kể nếu tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang.
Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu sức ép từ căng thẳng thương mại gia tăng như hệ quả tất yếu, tuy nhiên, Chính phủ nước này cũng sẽ lại dùng các biện pháp kích thích kinh tế, tăng chi tiêu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Trong Q1, tăng trưởng GDP Trung Quốc đã đạt 6.4%, cao hơn mức mong đợi trước đó.
Về triển vọng giá 2 tháng cuối Q2, thị trường tiếp tục được hỗ trợ từ giá nguyên liệu thô cao, tăng trưởng cơ sở hạ tầng tốt, đòn bẩy từ các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, giá cũng gặp áp lực từ tiêu thụ có vể chậm lại do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sản lượng thép cao. Khả năng cao Mỹ sẽ chính thức tăng thuế lên 25% cho Trung Quốc cuối tuần này, đẩy căng thẳng thương mại gia tăng hơn nữa và làm niềm tin thị trường bất ổn, kéo giá giảm vào những ngày tới.
Tuy nhiên, giá sẽ tiếp tục biến động trong phạm vi hẹp chứ không thay đổi nhiều, và tiến gần về mức 550-560 USD/tấn FOB vào tháng 6.