Như kỳ vọng thị trường, giá thép Trung Quốc tăng mạnh sau lễ do nhu cầu tái dự trữ và việc cắt giảm sản lượng nhiều hơn khiến nguồn cung thép của Trung Quốc bị thắt chặt.
Thành phố Đường Sơn Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy cán lại độc lập tại địa phương tạm dừng sản xuất từ ngày 07/10 và chưa đưa ra ngày kết thúc, sau khi một số nhà máy vừa tiếp tục sản xuất trong kỳ nghỉ lễ. Dữ liệu hàng tuần cho thấy tồn kho thép của Trung Quốc tăng một lượng khiêm tốn và việc khởi động lại sản xuất của các nhà máy chậm hơn dự kiến.
Giá thép cây HRB400 giao ngay Thượng Hải tăng 80 NDT/tấn lên 5,900 NDT/tấn. Giá thép cây giao sau tháng 1 tăng 1.79% lên 5,750 NDT/tấn. Một số nhà giao dịch đã nâng giá chào bán thép cây lên 5,910 NDT/tấn trong bối cảnh thị trường tăng giá.
HRC giao ngay tại Thượng Hải tăng 110 NDT/tấn lên 5,860 NDT/tấn, nhưng hoạt động thương mại bị hạn chế ở một mức độ nào đó do giá tăng mạnh. HRC kỳ hạn tháng 1 tăng 1.89% lên 5,813 NDT/tấn.
Thị trường đường biển của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn khởi động trở lại với một số người vẫn nghỉ lễ. Chỉ có một nhà máy ở phía đông Trung Quốc giữ nguyên giá chào 945 USD/tấn fob Trung Quốc cho HRC SS400, cao hơn nhiều so với mức chấp nhận được của người mua Việt Nam dưới 870 USD/tấn cfr Việt Nam. Một nhà máy ở miền Bắc Trung Quốc miễn cưỡng nhận đơn đặt hàng dưới 980 USD/tấn fob Trung Quốc, nhưng không có người mua đường biển nào quan tâm.
Nhìn chung, nhu cầu ngoài nước đối với thép của Trung Quốc gần đây giảm mạnh do giá cao hơn và giá cước tăng, với giá chào của Nga thấp hơn 800 USD/tấn fob. Giá cước vận chuyển tiếp tục tăng, vượt trên 200 USD/tấn giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh, và trên 100 USD/tấn từ Thượng Hải đến Trung Đông.
Nhìn chung, triển vọng giá thép những tháng cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố sau:
Yếu tố hỗ trợ:
_Chính sách trung hòa carbon tăng cường, làm giảm sản xuất thép.
_Chính sách cắt giảm sản xuất mùa đông, làm giảm nguồn cung thép.
_Thiếu điện làm giảm sản xuất thép.
_Giá than đá duy trì ở mức cao, hỗ trợ giá thép.
_Nhu cầu phục hồi dần tại các thị trường Châu Á sau dịch.
_Nhu cầu thép Trung Quốc mạnh trong mùa cao điểm tháng 10.
Yếu tố cản trở:
_ Cắt giảm sản xuất thép về lâu dài kéo giá nguyên liệu thô giảm, tác động lại giá thép.
_ Bong bóng bất động sản từ vụ Evergrande, làm giảm đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cuối năm.
_ Cú đấm hạ nhiệt giá hàng hóa của Chính phủ bằng việc giải phóng hàng dự trữ.
_Thiếu điện làm giảm sản xuất công nghiệp, gây áp lực lên tiêu thụ thép dẹt.
_Áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trên thị trường xuất khầu.
Việc cắt giảm sản xuất sẽ tiếp tục tăng cường ở những tháng cuối năm, kết hợp nhu cầu xây dựng tăng tiếp tục hỗ trợ giá thép cây duy trì đà tăng trong tháng 10, tiến gần mức kỷ lục trên 6,000 NDT/tấn hồi tháng 5. Thép dẹt cũng được hỗ trợ tăng trưởng nhưng sẽ thấp hơn.
Trong khi đó, giá xuất khẩu vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn các đối thủ với giá nội địa tăng mạnh, phân bổ xuất khẩu hạn chế. Tuy nhiên, giá quá cao khó thu hút người mua nên có thể giảm nhẹ 10-20 USD/tấn trong tháng. Mặc dù Việt Nam đã mở cửa trở lại từ ngày 01/10 nhưng vẫn sẽ có những biện pháp hạn chế để ngăn ngừa covid-19, nên nhu cầu không có sự đột biến, cộng với cạnh tranh giá thấp hơn từ các đối thủ Ấn Độ, Nga.
Trong 2 tháng cuối năm, yếu tố trợ giá chính vẫn là giảm sản xuất. Tuy nhiên, các nhà máy đã hoàn thành việc cắt giảm có thể tăng sản xuất trở lại, cộng với nhu cầu các lĩnh vực xây dựng và sản xuất duy trì ổn định. Do đó, giá xuất khẩu HRC SAE dự kiến sẽ phục hồi nhẹ về khoảng 960-980 USD/tấn cfr Việt Nam.