Thị trường tuần này vẫn còn im ắng do các thành viên thị trường chưa hoàn toàn trở lại sau lễ tết, cộng với chênh lệch giá chào bán và chào mua lớn khiến cho hoạt động giao dịch diễn ra ở mức thấp. Tâm lý các nhà xuất khẩu Trung Quốc lúc này còn xáo trộn. Một phần họ lạc quan muốn tăng giá nhưng cũng e ngại các nhà máy khác có thể giảm giá để nhận đơn hàng nên còn chần chừ.
Giá tăng gần đây chủ yếu hưởng ứng theo giá quặng. Giá quặng sắt nhập khẩu đã tăng liên tục trong kỳ nghỉ lễ tết Nguyên đán (04-10/02) do lo ngại nguồn cung thiếu hụt từ sự cố vỡ đập hầm mỏ của Vale tại miền đông nam Braxin ngày 25/01. Vale đã tuyên bố trường hợp bất khả kháng tới khách hàng hợp đồng và giá quặng sắt trong ngày 08/02 tăng 7.2 USD/tấn so với đầu tháng lên 94.2 USD/tấn CFR. Theo đó, hợp đồng thép cây giao kỳ hạn tháng 5 đã tăng vọt lên mức cao 5 tháng trong ngày thứ hai nhưng dần hạ nhiệt từ giữa tuần. Trong ngày hôm qua (13/02), giá giảm xuống mức 3.702 NDT/tấn, giảm hơn 100 NDT/tấn so với ngày đầu tuần (11/02).
Thị trường kỳ hạn hạ nhiệt cũng kéo giá thép giao ngay giảm theo với giá HRC Q235 5.5mm giảm 45 NDT/tấn so với ngày trước đó xuống 3.750-3.800 NDT/tấn (555-562 USD/tấn) xuất xưởng có thuế trong ngày thứ tư. Tuy nhiên, giá thép cây có nhích nhẹ nhờ có vài đơn hàng nhỏ trên thị trường giao ngay, ở mức 3.980 NDT/tấn (587 USD/tấn), tăng 30 NDT/tấn so với ngày trước.
Giá trong nước mạnh, tồn kho ở mức thấp cũng hỗ trợ thị trường xuất khẩu. Song do người mua ngoài nước còn chần chừ nên trong ngày hôm qua, các nhà máy giữ giá chào ổn định ở mức 515-530 USD/tấn FOB giao tháng 4, tương đương 540-545 USD/tấn CFR Việt Nam cho HRC thương phẩm. Đối với mặt hàng HRC SAE, chào giá dưới 538 USD/tấn CFR Việt Nam giao tháng 3 và dưới 545 USD/tấn CFR Việt Nam giao tháng 4. Giá không đổi so với đầu tuần nhưng so với trước lễ, giá cả đã tăng 10-15 USD/tấn. Chênh lệch giá chào bán và chào mua lúc này tầm 5-10 USD/tấn.
Nhìn chung, giá thép ngắn hạn sẽ chịu sự chi phối chính từ giá quặng. Thị trường quặng sắt sẽ còn mở rộng đà tăng sau năm mới do khối lượng mất đi từ Vale tầm 40 triệu tấn sẽ tác động tới thị trường nguồn cung. Theo đó, giá thép dự báo cũng sẽ tăng trưởng theo. Ngoài ra, thời điểm sau tết cũng là lúc các nhà máy Trung Quốc thường tăng giá chào bán do tồn kho thị trường thấp, nhu cầu thu mua và dựa vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc giúp kích cầu. Để thúc đẩy tăng trưởng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã phát hành trái phiếu trị giá khoảng 418 tỷ NDT trong tháng 1/2019, gần gấp đôi số lượng phát hành trong khoảng thời gian từ tháng 1- tháng 3/ 2018.
Do đó, dự báo giá cả sẽ còn duy trì đà tăng trong ngắn hạn và có thể tăng rõ rệt hơn trong 2 tháng tới, dựa vào các hoạt động xây dựng rầm rộ. Tuy nhiên, thị trường cũng có biến động do các hoạt động đầu cơ chốt lời, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Do đó, dự báo giá sẽ tăng trưởng vào tầm 5-10 USD/tấn mỗi tháng trong 2 tháng tới.