Như kỳ vọng thì giá thép Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ trong ngày thứ tư sau khi Chính phủ công bố các số liệu kinh tế suy yếu trong tháng 8, khiến triển vọng thị trường bị ảnh hưởng và kéo giá giảm.
Hôm qua, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết sản lượng công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc tăng 5.3% so với năm ngoái, tụt lại so với mức tăng 6.4% của tháng 7.
Sản lượng sản xuất tăng 5.5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự tăng trưởng của khu vực công nghiệp, trong khi sản lượng khai thác khoáng sản bị tụt lại với mức tăng 2.5%.
Bất động sản tăng trưởng so với cả năm 2020 và 2019 nhưng tăng trưởng hàng năm chậm hơn so với tháng 7. Dự án mới bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8 theo khu vực đã giảm 3.2% so với năm ngoái, với tháng 8 giảm 16.8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thép cây HRB400 tại Thượng Hải giảm 20 NDT/tấn xuống còn 5,460 NDT/tấn. Giá xuất xưởng Q235 tại Thượng Hải giảm 30 NDT/tấn xuống 5,740 NDT/tấn vào buổi sáng và tăng 10 NDT/tấn vào buổi chiều lên 5,750 NDT/tấn. Giao dịch giao ngay diễn ra chậm và người mua giữ thái độ chờ đợi khi tồn kho thép đang tăng ở miền đông Trung Quốc. “Tại một nhà kho lớn ở tỉnh Giang Tô, các kho dự trữ HRC gần như đã đầy”, một thương nhân có trụ sở tại Thương Hải cho biết.
Trên thị trường xuất khẩu, các nhà máy lớn của Trung Quốc giữ im lặng trước các chào bán nhưng sẵn sàng thương lượng giá hơn khi giá bán nội địa của Trung Quốc giảm 120 NDT/tấn trong tuần này. Tuy nhiên, không có chào mua.
Người mua Hàn Quốc chuyển sang mua trong nước hoặc từ các nhà máy Nhật Bản vì giá của họ cạnh tranh và họ có thể vận chuyển nhanh hơn so với các nhà máy Trung Quốc. Người mua Nam Mỹ cũng im lặng. Nhu cầu từ Đông Nam Á vẫn đang bị kìm hãm bởi các đợt đóng cửa nghiêm ngặt.
Nhìn chung, yếu tố cơ bản hỗ trợ giá thép Trung Quốc tới cuối năm là cắt giảm sản xuất. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu sản lượng 2021 bằng hoặc thấp hơn mức năm 2020 trong khi sản lượng nửa đầu năm đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nên sẽ tăng cường cắt giảm sản lượng nửa cuối năm. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trước những ảnh hưởng từ dịch covid-19, tạo tâm lý tốt cho thị trường thép. Nhu cầu tiêu thụ cũng thường tăng vào nửa cuối năm vì ngành xây dựng tốt. Những yếu tố trên sẽ giúp giá duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, thị trường thép nội địa Trung Quốc cũng áp lực từ các chỉ số kinh tế vĩ mô giảm, nguồn cung tăng nội địa bù đắp việc cắt giảm sản xuất do sự hạn chế xuất khẩu, trong khi thị trường xuất khẩu chậm do dịch bệnh covid 19 vẫn phức tạp tại các thị trường Châu Á. Chính phủ đang tập trung vào giảm nợ và hạ nhiệt giá hàng hóa nên sẽ không có sự tăng trưởng mạnh nào về giá thép.
Giá cả trong nước ngắn hạn tới đầu tháng 10 sẽ biến động song tăng trưởng, do người mua sẽ tăng cường đặt hàng trước các kì nghỉ lễ dài ngày sắp tới là Trung Thu (20-21/9) và Quốc khánh (1-7/10) sau khi vấn đề hậu cần tại cảng được khắc phục trong tuần này do ảnh hưởng bão Chanthu. Giá thép cây và HRC giao ngay dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 300 NDT/tấn.
Trong khi đó, chào giá xuất khẩu cũng sẽ tăng về lại tháng 10-tháng 11 với sự hỗ trợ từ than cốc tăng mạnh, phí vận tải đường biển tăng, lượng phân bổ xuất khẩu hạn chế, nhu cầu vào mùa cao điểm trong nước nên các nhà máy không cần phải hạ giá trong khi thị trường Đông Nam Á cũng dần mở cửa trở lại để giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Do đó, dự kiến giá chào xuất khẩu thép cuộn Trung Quốc về Việt Nam sẽ tăng trong tháng 10-tháng 11, lên khoảng 1,000-1,100 USD/tấn CFR Việt Nam.