Thị trường thép Trung Quốc hầu như chững lại trong ngày thứ sáu, do các thành viên thị trường đang xem xét xu hướng giá sau các chính sách cắt giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành sản xuất của Chính Phủ cũng như những chính sách khác được công bố từ cuộc họp Hội đồng nhân dân cấp cao (05/3-15/3). Tuy nhiên, thị trường lạc quan về tiêu thụ ngắn hạn do vào mùa cao điểm ngành xây dựng.
Giá thép cây giao ngay tiếp tục ổn định mức 3.965 NDT/tấn (592 USD/tấn) xuất xưởng có thuế trong khi HRC tăng nhẹ 25 NDT/tấn lên 3.835 NDT/tấn (571 USD/tấn). Các nhà máy xuất khẩu cũng giữ chào giá ổn định vì người mua do dự. Chào giá thép cây vào tầm 525 USD/tấn FOB trong khi HRC thương phẩm là 535-545 USD/tấn FOB giao tháng 4.
Thủ tướng Lý Khắc Cường trong ngày 15/3 đã công bố giảm thuế VAT cho ngành sản xuất từ 16% xuống 13% trong các nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước này. Đồng thời đó, thị trường cũng đặt ra nghi vấn về việc khả năng Chính phủ sẽ giảm thuế xuất khẩu cho hàng hóa từ mức 10% hiện tại. Tiêu thụ thép nội địa đã sôi nổi hơn kể từ giữa tháng giúp tồn kho thép giảm và các nguồn tin cũng lạc quan về triển vọng ngắn hạn. Tuy nhiên, việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng đồng nghĩa với chi phí đầu vào giảm nên khả năng sẽ kìm hãm mức tăng giá thành phẩm.
Nhìn chung, thị trường đang nhận được hỗ trợ từ:
_ Sức mua bắt đầu cải thiện do vào mùa cao điểm xây dựng.
_ Các số liệu báo cáo chỉ số tâm lý ngành thép, thị trường nhà ở tăng trưởng.
_ Cuộc họp thường niên của Chính phủ (05-15/3) kết thúc với nhiều chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế như giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành sản xuất, thực hiện chính sách tài khóa mạnh mẽ…
_Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn biến tích cực.
_Giá quặng sắt tăng do thiếu cung sau sự cố vỡ đập Vale.
_Các khu vực trọng điểm tiếp tục thực hiện cắt giảm công suất ngắn hạn do báo động ô nhiễm môi trường như Đường Sơn, Hàm Đan…
Tuy nhiên, thị trường vẫn phải tiếp tục đối mặt với các áp lực từ nguồn cung tăng, bất ổn căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa chấm dứt hẳn và tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc.
Lên tiếng cảnh báo về "một cuộc chiến kinh tế đầy khó khăn ở phía trước", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo về đợt cắt giảm thuế với tổng giá trị 2 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 298 tỉ USD) trong năm 2019. "Trung Quốc sẽ đối mặt với môi trường đáng báo động và phức tạp hơn cũng như rủi ro và thách thức sẽ lớn hơn cả về số lượng lẫn quy mô. Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn sàng hoàn toàn cho một giai đoạn khó khăn và chật vật".
Hay theo như Iris Pang, kinh tế gia của Trung Quốc tại ngân hàng ING Wholesale Banking cho hay, nếu bạn không bị ốm, bạn sẽ không uống nhiều loại thuốc như vậy cùng một lúc. Nó có nghĩa là thách thức vẫn chưa hết, chúng vẫn ở đó.
Trong khi đó, bàn về đàm phán thương mại Trung-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 05/3 rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ từ chối kí kết thỏa thuận nếu các điều khoản thương mại của Trung Quốc không phù hợp nhưng Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán.
Mặc dù có một số dấu hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, thị trường giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn không bớt căng thẳng, theo ông Darren Toh, chuyên gia phân tích dữ liệu tại công ty Tivlon Technologies có trụ sở tại Singapore.
Do đó, dự báo xu hướng chung của thị trường Trung Quốc là tăng trưởng song còn biến động trong phạm vi hẹp trong tháng 3-tháng 4. Mức tăng được cho là hạn chế với giá thép xây dựng tăng mạnh hơn thép cuộn dựa vào nhu cầu từ ngành xây dựng tăng trưởng hơn trong mùa xuân. Satthep.net dự báo tới tháng 4, thép dài sẽ tăng tầm 20 USD/tấn còn thép cuộn tầm 10-15 USD/tấn, dao động khoảng 550-560 USD/tấn FOB trong tháng 4.