Giá thép nội địa Trung Quốc tiếp tục suy yếu nhẹ do doanh số chậm lại vì người mua cần có thời gian để thích nghi với giá mới sau xu hướng tăng trưởng gần đây đã đẩy giá giao ngay lên mức cao nhất tính từ gần cuối 2018.Tuy nhiên, giá nguyên liệu thô và chi phí mua cao sẽ tiếp tục hỗ trợ giá trong ngắn hạn.
Tại thị trường giao ngay, giá HRC và thép cây cùng giảm 15 NDT/tấn xuống 4.080 NDT/tấn (590 USD/tấn) và 3.800 NDT/tấn (549 USD/tấn) xuất xưởng có thuế. Trong khi đó, tại thị trường xuất khẩu, các nhà máy HRC thương phẩm tiếp tục chào bán mức 515-525 USD/tấn FOB giao tháng 10 dù người mua vẫn kháng cự. Các nhà máy không vội xuất khẩu vì giá trong nước cao.
Nhìn chung, thị trường sắp tới sẽ tiếp tục bị chi phối bởi các yếu tố hỗ trợ lẫn áp lực. Những nhân tố hỗ trợ có thể kể đến là tâm lý thị trường mạnh, chính sách kích thích của Chính phủ nửa cuối năm, giá quặng sắt cao và nhu cầu tiêu thụ tăng khi hoạt động kinh tế được phục hồi dần sau khi kết thúc mùa mưa. Nửa cuối năm nay cũng sẽ chứng kiến sự phục hồi do cầu tiêu thụ thép bị dồn nén lâu nay và Chính phủ đang dồn hết mọi nỗ lực để hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Vệc nới lỏng tín dụng của Trung Quốc cho các doanh nghiệp cũng giúp tăng thanh khoản tại các nhà máy, cộng với giá nguyên liệu thô cao và cắt giảm sản xuất trong nước sẽ ngăn việc cắt giảm giá.
Song, giá cũng sẽ chịu áp lực từ nguồn cung thép ghi nhận ở mức kỷ lục vào tháng 7 dấy lên lo ngại dư cung trên thị trường. Căng thẳng Trung Quốc và Mỹ tiếp tục trong bối cảnh dịch covid 19 đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh vẫn đang gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, tác động tới nhiều mặt và làm suy yếu thị trường.
Do đó, dự báo xu hướng giá sẽ biến động song chung là tăng trưởng tới tháng 10, đạt mức 520-530 USD/tấn FOB.