Hoạt động thị trường trầm lắng do chênh lệch giá chào mua-chào bán cao dẫn tới tồn kho thép gia tăng những ngày gần đây, gây áp lực cho giá. Tuy nhiên, thông tin tiếp tục siết chặt sản lượng cuối tháng 7 tại Đường Sơn có thể hỗ trợ giá trong những ngày tới.
Ngoài lệnh trước đây của Đường Sơn về việc cắt giảm sản lượng 20% -50% tại các nhà máy thiêu kết, lò cao và bộ chuyển đổi từ ngày 23/ 6 -31/7, thông báo mới nhất đã yêu cầu 29 trong tổng số 35 nhà máy thép tăng cường cắt giảm sản lượng tại các nhà máy thiêu kết xuống 50% -70% trong thời gian 21-25/ 7 và 29-31/7. Hơn nữa, 29 nhà máy thép này sẽ phải tạm ngừng sản xuất tại tất cả các nhà máy thiêu kết và lò cao của họ vào ngày 26-28 / 7. 29 nhà máy thép có công suất gang kết hợp là 107 triệu tấn / năm. Có vẻ như việc thực hiện cắt giảm sản lượng trước đây của Đường Sơn đã được nới lỏng từ đầu tháng 7 do báo cáo sản lượng hàng ngày gia tăng đã gây thêm áp lực lên thị trường giao ngay trong mùa nhu cầu thấp.
Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 10 giảm lại 53 NDT/tấn xuống 3.948 NDT/tấn (574 USD/tấn). Trong khi đó, thép cây giao ngay gia tăng 20-30 NDT/tấn ở vài khu vực nhưng không đủ thể hiện được tác động tích cực từ chính sách trên. Tại thị trường HRC giao ngay, giá giảm thêm 10 NDT/tấn xuống 3.880 NDT/tấn (563.84 USD/tấn) xuất xưởng có thuế.
Trong khi đó, các nhà máy xuất khẩu giữ chắc chào bán dựa vào chi phí đầu vào cao và quan điểm lạc quan về triển vọng thị trường. Chào giá HRC thương phẩm vào tầm 515-520 USD/tấn FOB giao tháng 9 trong khi tấm cắt tầm 527-528 USD/tấn CFR Việt Nam. Họ không chấp nhận bán dưới 510 USD/tấn FOB nhưng có một nhà máy còn tồn nhiều hàng được nghe giảm giá chào xuống 505 USD/tấn FOB. Không có chào giá HRC cán lại nào được nghe trong ngày.
Về triển vọng giá ngắn hạn tới, có thể thấy giá chịu ảnh hưởng những yếu tố sau:
Yếu tố có lợi:
_Cắt giảm nguồn cung tiếp tục trợ giá.
_Tiêu thụ cải thiện sau hè.
_Chi phí đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá quặng đã lên mức kỷ lục, gấp đôi giá trị so với đầu năm. Do đó, các nhà máy sẽ cố gắng giữ giá ở mức cao để duy trì lợi nhuận.
_Các chính sách kích thích kinh tế được dự kiến công bố rộng rãi thời gian tới, hỗ trợ ngành xây dựng.
_Hoạt động đầu cơ đẩy giá tăng trước khả năng cắt giảm sản xuất vào mùa đông.
Yếu tố bất lợi:
_Áp lực nguồn cung khi nước này liên tục lập kỷ lục mới về sản lượng. Dữ liệu chính thức công bố hôm 15/7 cho biết sản lượng thép hàng ngày của Trung Quốc đã đạt mức cao kỉ lục trong tháng 6, theo tính toán của Reuters, ngay cả khi nỗ lực hạn chế sản xuất bảo vệ môi trường đẩy sản lượng cả tháng giảm nhẹ.
_Giá tăng dẫn tới các động thái chốt lời cũng như thanh lý hàng tồn, khiến giá thép biến động.
_Căng thẳng thương mại Trung-Mỹ dai dẳng và khó đạt được thỏa thuận sớm.
_Tăng trưởng kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, suy yếu.
Tháng 8-tháng 9 thường là thời điểm tiêu thụ thép phục hồi sau hè cộng với các khả năng đồn đoán về cắt giảm mùa đông, tạo cơ hội cho sự đầu cơ đẩy giá tăng. Tuy nhiên, đà tăng giá sẽ chưa thể bền vững mà còn biến động trong phạm vi hẹp và bị hạn chế từ nguồn cung tăng cao, do đó mức phục hồi chung vào tầm 20-30 USD/tấn cho thép cây và thép cuộn, lên khoảng 540-550 USD/tấn FOB.