Giá tiếp tục suy yếu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trì trệ khi bước vào mùa mưa và tâm lý thị trường xáo trộn.
Thép cây và HRC giao ngay cùng giảm 10 NDT/tấn xuống 4.130 NDT/tấn (599 USD/tấn) và 4.000 NDT/tấn (579.88 USD/tấn) xuất xưởng có thuế. Trên thị trường kỳ hạn, hợp đồng thép cây giao tháng 10 chốt giảm 1.2% xuống 3.842 NDT/tấn.
Giá trong nước giảm cũng gây áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nguồn giá rẻ khác. Các nhà máy Trung Quốc tiếp tục chào bán trong khoảng 510-520 USD/tấn FOB cho HRC thương phẩm và thép cây giao tháng 7.
Nhìn chung, thị trường đang chịu sức ép chính từ tiêu thụ vào mùa thấp điểm trong khi nguồn cung tăng cao cũng như áp lực tâm lý từ chiến tranh thương mại. Tháng 5 – tháng 6 thường là thời điểm tiêu thụ thép chậm do mưa nhiều tại khu vực phía đông. Do đó, xu hướng giá được cho sẽ còn biến động trong ngắn hạn tới.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang sau khi Bộ Thương mại Mỹ tuần trước bổ sung công ty viễn thông khổng lồ Huawei Trung Quốc và 68 chi nhánh vào danh sách đen xuất khẩu, khiến công ty Trung Quốc này hầu như không thể mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ. Alphabet Inc's GOOGL.O Google được cho là đã đình chỉ một số hoạt động kinh doanh với Huaweai sau danh sách đen của Trump.
Tuy nhiên, tâm lý các nhà đầu tư cũng lạc quan về triển vọng tiêu thụ hạ nguồn từ lĩnh vực bất động sản. Nhà phân tích Hui Heng Tan thuộc Marex Spectron cho biết: “Nhu cầu thép từ lĩnh vực hạ nguồn (sản xuất và xây dựng) duy trì vững, số liệu xây dựng mới nhất phản ánh hoạt động xây dựng cải thiện”. Trong khi đó, thị trường cũng kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế của Chính phủ để bù đắp lại thiệt hại thuế quan. Giá quặng sắt tăng vọt lên mức kỷ lục trên 100 USD/tấn cũng là nhân tố trợ giá thép.
Do đó, Satthep.net dự báo giá sẽ tiếp tục biến động trong phạm vi hẹp, nhưng phục hồi nhẹ vào cuối tháng 6 trước khi giảm trở lại vào tháng 7, biên độ dao động tầm 20-30 USD/tấn. Giá tháng 7 được dự báo vào khoảng 520-540 USD/tấn FOB.