Trung Quốc cam kết duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ, kinh tế Trung Quốc có thể vượt kinh tế Nhật để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á trong năm sau…
Theo tuyên bố mới nhất từ chính phủ Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục duy trì việc nới lỏng chính sách tiền tệ và hạn chế một số dự án đầu tư mới. Kế hoạch 586 tỷ USD đã giúp tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới phục hồi.
Thông tin trên được đưa ra Tân Hoa Xã trích lời chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại hội nghị kinh tế thường niên.
Kế hoạch kích cầu của chính phủ Trung Quốc và việc tín dụng tăng trưởng nong đã giúp đầu tư vào tài sản cố định tăng, tăng trưởng kinh tế hồi phục từ thời kỳ tệ nhất trong hơn 1 thập kỷ. Dù vậy, tín dụng tăng trưởng bùng nổ ảnh hưởng xấu đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, cơ quan nghiên cứu của chính phủ cho thấy năng lực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc có thể đã thừa thãi quá mức.
Đồng nhân dân tệ và đồng đôla Úc sẽ tăng giá trong năm sau
Ông Chew Soon Gek, chuyên gia quản lý quỹ tại Clariden với tổng tài sản lên tới 101 tỷ USD, cho rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng đô la Úc sẽ tăng giá trong năm sau khi Trung Quốc vượt qua Nhật để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á và Ngân hàng Trung ương cả hai nước này nâng lãi suất cơ bản.
Trong bài phỏng vấn mới đây, ông Chew nói: “Trung Quốc hiện nay đang trong quá trình cân bằng lại nền kinh tế và tỷ giá hối đoái sẽ là một phần trong sự điều chỉnh đó. Đồng nhân dân tệ mạnh là điều đang được tính đến tuy nhiên không ai có thể nói trước thời điểm chính xác.”
Trung Quốc đã duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ/USD ở mức 6,83 nhân dân tệ/USD từ tháng 7/2008. 3 năm trước đó, Trung Quốc để đồng nhân dân tệ tăng giá 21%.
Số lượng đơn đặt hàng tại Đức bất ngờ giảm
Số lượng đơn đặt hàng tại Đức tháng 10/2009 bất ngờ giảm lần đầu tiên trong 8 tháng, nguyên nhân chính là bởi xuất khẩu giảm.
Bộ Kinh tế Đức công bố số lượng đơn đặt hàng, sau khi điều chỉnh với yếu tố mùa và lạm phát, giảm 2,1% trong so với tháng 9/2009. Số lượng đơn đặt hàng tại Đức tháng 9/2009 tăng 1,3%.
Mức giảm này ngược hoàn toàn với dự báo của giới chuyên gia, các chuyên gia đã dự đoán số lượng đơn đặt hàng tăng 0,8%.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm 3,5% trong tháng 10/2009, doanh số bán lẻ tại thị trường nội địa giảm 0,5%. Doanh số bán các mặt hàng lớn thấp hơn mức trung bình, số lượng đơn đặt hàng ô tô giảm sâu.
Kinh tế Iceland suy giảm kỷ lục
Kinh tế Iceland trong quý 3/2009 suy giảm kỷ lục, nguyên nhân chính là bởi ngành ngân hàng khu vực này sụp đổ, người dân địa phương trở nên nghèo hơn, các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư.
Cơ quan thống kê Iceland công bố GDP quý 3/2009 suy giảm 7,2% sau khi suy giảm 6,2% trong quý 2/2009.
Ngành ngân hàng của Iceland sụp đổ trong năm ngoái, Iceland rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất từ sau khi giành độc lập từ Đan Mạch vào năm 1944. Chính phủ Iceland buộc phải tìm đến hỗ trợ từ quốc tế để ngăn khả năng vỡ nợ.
3 ngân hàng lớn nhất của Iceland hiện có tổng số nợ tương đương 10 lần tổng GDP của Iceland. Chính phủ đã buộc phải can thiệp để thỏa thuận với các chủ nợ, hàn gắn các mối quan hệ quốc tế và khôi phục niềm tin nhà đầu tư.
CafeF