Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bản tin thế giới ngày 04/10/2010

WSA – Nhu cầu thép thế giới sẽ chậm hơn vào năm tới

Hiệp hội thép thế giới (WSA) dự báo nhu cầu thép thế giới có khả năng sẽ giảm 5,3% vào năm tới do lực bán tại Trung Quốc chậm lại. Còn trong năm nay, nhu cầu được dự báo tăng 13,1%.

Trung Quốc, quốc gia chiếm một nửa sản lượng thép thô thế giới, phải đối mặt với nhu cầu chậm hơn trong năm tới do các biện pháp kích thích kinh tế của nước này hết hiệu lực, đồng thời thị trường bất động sản cũng bị suy yếu, dẫn đến 40% nhà máy của Trung Quốc tạm ngưng sản xuất hoặc ở trong giai đoạn bảo trì. Theo WSA, nhu cầu thép Trung Quốc trong năm nay giảm 6,7% và trong năm tới tiếp tục giảm 3,5%.

“Thay lại đó là các nước có nền kinh tế mới nổi như Brazil và Ấn Độ sẽ đứng đầu về nhu cầu,” Yoku Ihara, chuyên viên tư vấn của Retela Crea Securities Co ở Tokyo đã nhận định. Năm 2010, lượng tiêu thụ thép của Ấn Độ tăng khoảng 8,2% và năm tới là 13,6%. Còn nhu cầu từ Brazil được dự báo tăng 34,6% trong năm nay. Các khu vực vùng Trung và Nam Mỹ sẽ tăng 9,1% và sẽ đạt kỷ lục 47,6 triệu tấn vào năm tới.

Nhu cầu thép ở Nhật Bản, nhà sản xuất thép thô lớn thứ hai sau Trung Quốc, có khả năng sẽ giảm 1,4% trong năm tới sau khi đã phục hồi 19,1% trong năm nay do chính sách thắt chặt tài chính và đồng yên mạnh hơn.

Trong khi nhu cầu thép của Mỹ sẽ tăng 32,9% trong năm 2010 và năm tới có thể tăng thêm 9,4%. Còn Liên minh châu Âu sẽ tăng 18,9% trong năm nay và sẽ tăng thêm 5,7% trong năm tới.

 

Khả năng giá nickel sẽ tăng lên mức 24.000 USD/tấn

Khả năng giá nickel tại Sàn giao dịch Kim loại London sẽ tăng lên mức 24.000 USD/tấn, nên nhiều dealer tin rằng sự phục hồi của nickel sẽ hỗ trợ tốt cho xu hướng thị trường thép không gỉ.

Nickel tăng giá đồng nghĩ với chi phí sản xuất đầu vào cũng cao hơn, một số nhà sản xuất thép không gỉ của Đài Loan như Yieh United Steel Corp (Yusco) và Tang Eng Iron Works Co đã nâng giá bán trong tháng 10 sản phẩm không gỉ 300 series thêm 3.000 đài tệ/tấn (96,7 USD/tấn).

Đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Sáu cuối tuần (01/10/2010), giá nickel giao kỳ hạn ba tháng tại Sàn giao dịch kim loại London chốt ở mức 23.845 USD/tấn, còn giá giao ngay đứng ở mức 23.849 USD/tấn.

 

TATA Stee nâng giá các sản phẩm thép 1.500 Rs/tấn

Nhà sản xuất TATA Steel của Ấn Độ ngày hôm qua đã nâng giá các sản phẩm thép thêm 1.500 Rs/tấn chủ yếu do nhu cầu trong nước tăng lên.

Việc nâng giá 3% đã theo sau quyết định nâng giá của các nhà sản xuất khác như SAIL, JSW và Essar Steel hồi tuần rồi. Trong đó, SAIL nâng giá 1.000 Rs/tấn, còn JSW Steel và Essar Steel đã nâng giá 1.500 Rs/tấn tùy từng loại sản phẩm.

 

Thép cây chào bán vào Đông Nam Á giảm giá tuần qua

Theo SBB, thị trường nhập khẩu thép cây ở Đông Nam Á đã giảm nhẹ trong tuần qua do giá chào bán thấp.

Giá chào bán mới của Thổ Nhĩ Kỳ sang Singapore nằm trong khoảng 600-610 USD/tấn cfr, giảm từ 630-635 USD/tấn cfr vào tuần trước.

Nhu cầu thép cây ở Singapore tiếp tục yếu do ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Các công trình xây dựng đang ngưng trệ vì mưa nhiều. Hơn nữa, các nhà chức trách Singapore cũng đang bổ sung một số giải pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Thép cây Hàn Quốc được chào bán với giá 610-620 USD/tấn cfr. Giữa tháng 09, sản phẩm này được xuất sang Singapore với giá 610 USD/tấn cfr.

 

Dự trữ thép cuộn của Nhật tăng 4,1% trong tháng 08

Dự trữ thép cuộn cán nóng HRC, cán nguội CRC và mạ kẽm HDG của các nhà sản xuất, các nhà phân phối của Nhật tính đến cuối tháng 08 đạt 3,84 triệu tấn, tăng 4,1% (153.000 tấn) so với cuối tháng 07.

Thông thường, dự trữ các sản phẩm thép của Nhật có sự điều chỉnh tăng trong tháng 08 do đây là khoảng thời gian rơi vào dịp hè, nhưng mức dự trữ thường dao động từ 3,5 triệu tấn trở xuống. Tuy nhiên dự trữ đến cuối tháng 08 đã cao hơn so với mọi năm, phản ánh tình hình xuất khẩu đã chậm lại do sự bất lợi của đồng yên tăng giá, cũng như nhu cầu trong nước yếu hơn do hoạt động xây dựng tiếp tục đình trệ và sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành ô tô cũng đã khép lại.

Đó cũng là lý do Bộ Thương mại-Công nghiệp-Kinh tế Nhật Bản dự báo sản lượng thép thô của nước này trong quý Tư năm nay sẽ giảm 1,5% so với quý Ba xuống còn 26,98 triệu tấn.

Còn tổng dự trữ các sản phẩm thép thường khác đạt 5,03 triệu tấn vào cuối tháng 08, tăng 2,4% (119.000 tấn) so với cuối tháng 07, theo báo cáo của Hiệp hội Gang-Thép Nhật Bản cho hay, đây là tháng tăng đầu tiên trên mức 5 triệu tấn trong 17 tháng qua.

 

Nhu cầu thép trong xây dựng hạ tầng Trung Quốc sẽ giảm vào 2011

Ian Roper, chuyên gia phân tích của CLSA ở Thượng Hải dự báo nhu cầu thép sử dụng trong xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sẽ giảm vào năm tới do gói kích cầu 4 nghìn tỉ Nhân dân tệ (NDT) bắt đầu hết hiệu lực.

Trong năm 2009, khối lượng thép sử dụng trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của nước này đạt 90 triệu tấn, tăng từ mức 60 triệu tấn trong năm 2008 do chính phủ tăng cường cho vay ngân sách đến các tỉnh để đẩy mạnh hoạt động xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng theo kế hoạch 05 năm.

Phát biểu trong hội nghị World Steel Raw Materials Conference, ông Roper khẳng định các dự án xây dựng của Trung Quốc sẽ chậm lại và quay trở lại mức độ như trước thời kỳ chưa có gói kích cầu. Hơn nữa, Trung Quốc đang thắt chặt cho vay tín dụng ngân hàng, cũng như tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản trong năm nay.

Ông Roper dự báo sản lượng thép trong năm tới sẽ chỉ tăng 4%, giá quặng cũng bớt căng thẳng hơn và sẽ diễn biến theo xu hướng giảm. Trong năm 2011, giá quặng sẽ còn 90 USD/tấn.

Tokyo Steel giảm giá thu mua phế liệu hai lần trong tuần qua

Nhà sản xuất thép Tokyo Steel Manufacturing đã hạ giá thu mua phế liệu xuống 500-1.500 yên/tấn (6-18 USD/tấn) cho tất cả các loại phế liệu tại tất cả các chi nhánh, hiệu lực từ ngày 02/10, đây là lần hạ giá thứ hai trong tuần của nhà sản xuất này.

Một nhà kinh doanh phế liệu ở Tokyo nói với SBB rằng Tokyo Steel đang có kế hoạch tạm ngưng các hoạt động sản xuất ở Okayama trong tuần thứ hai của tháng 10, và việc vận chuyển phế liệu tới khu sản xuất này đang bị ngưng lại hoặc chuyển hướng do bãi phế liệu của Okayama đã đầy.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tokyo Steel lại bác bỏ tin đồn, mà khẳng định sản lượng Okayama chỉ được điều chỉnh thấp hơn một chút để phù hợp với mức độ nhu cầu thực tế.

”Việc hạ giá thu mua cũng sẽ tác động đến quyết định thu mua của nhà máy nhỏ khác, do vậy họ sẽ theo dõi và hạ giá thu mua xuống,”. “nhưng vốn dĩ giá quặng đã thấp sẵn nên giá chắc sẽ không giảm quá nhanh”

Trong đó, giá thu mua tại chi nhánh Okayama của Tokyo Steel đối với phế liệu H2 thấp hơn 1.500 yên/tấn so với tuần trước đó, còn 31.000 yên/tấn, các chi nhánh khác như Kyushu và Utsunomiya mua với giá thấp hơn 1.000 yên/tấn là 32.000 yên/tấn, Takamatsu và Tahara giảm giá mua 1.000 yên/tấn xuống lần lượt là 30.500 yên/tấn và 31.500 yên/tấn.

 

Metinvest – Quặng sẽ giảm giá trong trung hạn

Konstantin Golovko, người đứng đầu ban Hoạch định chiến lược của Metinvest International (nhà cung cấp quặng chính cho Ukraina) dư báo giá quặng trong trung hạn sẽ giảm xuống 80-100 USD/tấn sau khi giá chạm mức đỉnh điểm trong năm 2010-2011.

Theo ông Golovko, vào năm tới, quặng nhập khẩu tại Trung Quốc sẽ có giá đỉnh điểm là 150 USD/tấn CIF.

Tuy nhiên đến năm 2020, với các nguồn cung mới dồi dào hơn từ Nam Mỹ và Australia, cộng với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc với các nhà sản xuất thép trong nước sẽ kéo giá quặng nhập khẩu tại Trung Quốc xuống dưới mức 100 USD/tấn CIF. Còn về triển vọng dài hạn, giá quặng được kỳ vọng sẽ ổn định hơn.

 

Anh hủy bỏ nâng giá thép thanh thương phẩm tháng 10

Các nhà sản xuất thép thanh thương phẩm của Anh đã hủy bỏ việc nâng giá 20 GBP/tấn như đã thông báo hồi tháng 08.

Hai nhà sản xuất Caparo Merchant Bar và Celsa đã thông báo đến khách hàng sẽ điều chỉnh giá thép thanh thương phẩm trong tháng 10 trở lại mức 480-495 GBP/tấn (553-570 EUR/tấn) sau khi nhu cầu vẫn chậm chạp trong tháng 09.

Đại diện của một nhà sản xuất đã nói: “Chúng tôi đã trải qua một quý không có gì cải thiện hơn so với quý trước. Chừng nào giá cả cả nguyên vật liệu thô còn giảm, thì thị trường thép thành phẩm sẽ chưa thể phục hồi”.

Theo tiết lộ từ một khách hàng, một số stockist đang giảm giá bán lẻ trên thị trường thêm 15 GBP/tấn để thúc đẩy doanh số bán.

 

Thổ Nhĩ Kỳ tránh dự trữ thép cuộn ở mức cao

Thị trường thép dẹt của Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần rồi không có nhiều biến động, hoạt động giao dịch thấp do người mua thận trọng, tránh dự trữ ở mức cao. Nhiều nhà sản xuất nâng giá bán, nhưng đã không được thị trường chấp nhận.

Hiện thép cuộn cán nóng HRC có giá 615-630 USD/tấn. Ở một số nơi miền nam, giá xuất xưởng của các nhà sản xuất cao hơn là 630-650 USD/tấn.

Các nhà kinh doanh nói rằng giá cả trong tháng 10 sẽ không giảm, nhưng cũng sẽ không tăng. Nhưng tháng 11 tới, khả năng giá sẽ điều chỉnh giảm nhẹ do rơi vào thời điểm nhu cầu thấp theo mùa.

 

Thị trường phế liệu nhập khẩu Đông Á mất xu hướng

Tuần rồi, thị trường phế liệu nhập khẩu của khu vực Đông Á vẫn duy trì bầu không khí tẻ nhạt như tuần trước đó với hoạt động giao dịch thấp.

Trong đó, phế liệu thùng container 80/20 HMS 1&2 của Mỹ nhập vào Đài Loan với giá 370 USD/tấn cfr. Các nhà nhập khẩu đang nỗ lực hạ giá chào mua xuống 360 USD/tấn cfr do nhiều nhà sản xuất đang hạ giá thu mua trong nước.

Trong đó Feng Hsin Steel đã hạ giá thu mua phế liệu trong nước 300 đài tệ/tấn (10 USD/tấn) vào cuối tuần rồi (tức ngày 01/10), khả năng sẽ tiếp tục hạ giá thu mua nữa do doanh số bán thép cây chậm.

Hiện Mỹ cũng đang chào bán loại phế liệu 80/20 HMS vào một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore và Malaysia phổ biến ở mức giá 385-395 USD/tấn cfr. Còn giá chào 370 USD/tấn cfr hồi tuần rồi rất ít.

Trong khi đó, giá phế liệu hỗn hợp HMS 80:20 và vụn chào bán vào Đông Á với giá 405-415 USD/tấn cfr, tuy nhiên thị trường dường như đóng băng do các nhà nhập khẩu đã mất phương hướng phán đoán về xu hướng do Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vẫn chưa quay lại để khuấy động thị trường và Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Tuy nhiên các nhà nhập khẩu lớn này sẽ trở lại vào tháng 11 để tái bổ sung dự trữ cho sản xuất mùa đông và trước thời điểm năm mới.

 

Trung Quốc “chê” thép không gỉ của các nước châu Á đắt

Giá thép không gỉ đã tăng giá trên thị trường châu Á ần đây, sau khi giá nickel phục hồi mạnh và duy trì ổn định trên mức 23.000 USD/tấn. Cùng chiều với đó, một số nước đã nâng giá chào bán thép không gỉ vào Trung Quốc, nhưng đáp lại là sự từ chối của khách hàng lớn nhất thế giới này.

Tuần rồi, Đài Loan đã nâng giá chào bán thép không gỉ sang Trung Quốc lên mức 3.200-3.330 USD/tấn cfr từ mức giá chào của tuần trước đó là 3.100-3.250 USD/tấn cfr.

Một thương nhân Đài Loan cho biết ông đã chào bán sang các nước với giá 3.200-3.250 USD/tấn cfr thì đều chấp nhận, nhưng với riêng Trung Quốc lại không. Trung Quốc cho rằng giá này quá cao và muốn chờ xem tình hình.

Giới thương nhân Đài Loan cho biết sự mất giá của đồng USD, trong khi đồng đài tệ lại tăng khiến thép cuộn xuất khẩu của Đài Loan gặp nhiều bất lợi.

Hàn Quốc và Nhật Bản tuần rồi không chào giá xuất khẩu vào Trung Quốc. Hồi giữa Trung thu, giá chào bán của hai nước này là 3.300-3.400 USD/tấn cfr và 3.100-3.100 USD/tấn. Còn thép tấm cán nguội không gỉ 304 của Đông Nam Á giao kỳ hạn từ một đến hai tháng vào Trung Quốc có giá 3.050-3.200 USD/tấn cfr hồi giữa tháng 09.

Việc Trung Quốc “chê” giá đắt là do thép không gỉ của nước này bán tại Hồng Kông chỉ có 2.900 USD/tấn fob.

Giá nickel giao kỳ hạn ba tháng tại sàn giao dịch kỳ hạn London đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/09 chốt ở mức 23.300 USD/tấn, không thay đổi so với cách đó hai tuần.

 

  

Ấn Độ nâng giá thép cuộn trong tháng 10

Các nhà sản xuất của Ấn Độ lên kế hoạch nâng giá các sản phẩm thép cuộn khoảng 1.000-1.500 Rs/tấn (22,5-33,6 USD/tấn) trong tháng 10 do nhu cầu trong nước vẫn mạnh, cũng như sức ép từ thép nhập khẩu giá rẻ cũng bắt đầu lắng dịu kể từ hai tháng qua.

Trong đó, JSW Steel cho biết sẽ nâng giá 3-4% so với tháng 09. Tức sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC 2mm loại thương phẩm sẽ có giá mới trong tháng này là 33.900-34.300 Rs/tấn và thép cuộn cán nguội CRC 1mm loại D sẽ có giá bán xuất xưởng là 38.600-39.500 Rs/tấn.

Nhà sản xuất Bhushan Steel thì đã nâng giá 1.000 Rs/tấn và hiện giá chào bán xuất xưởng HRC thương phẩm là 31.000 Rs/tấn. Steel Authority of India Ltd thì đang cân nhắc việc nâng giá cơ bản tất cả các sản phẩm thép dẹt 1.000-1.500 Rs/tấn và Tata Steel cũng được kỳ vọng cũng sẽ nâng giá.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất khác, trong đó có nhà sản xuất thép dẹt hàng đầu ở miền tây Ấn Độ được kỳ vọng là sẽ không thay đổi giá xuất xưởng HRC thương phẩm ở mức 29.500-31.000 Rs/tấn trong tháng 10. Đại diện nhà sản xuất này nói: “Chúng tôi sẽ không nâng giá bán vì sợ giá thép nhập khẩu sẽ thu hút khách trong nước nhiều hơn”.