Feng Hsin (Đài Loan) hạ giá xuất xưởng thép cây
Feng Hsin, một trong những nhà sản xuất thép dài Đài Loan, tiếp tục giảm giá xuất xưởng thép cây trong tuần này thêm 300 Đài tệ/tấn xuống còn 9.700 Đài tệ/tấn trong một thông báo cuối tuần qua.
Bên cạnh đó, Feng Hsin cũng đã hạ giá thu mua phế 300 Đài tệ/tấn sau khi hạ giá 200 Đài tệ/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 29/09 theo xu hướng giảm của giá phế tại thị trường Nhật Bản, cũng như nhu cầu thép tại Đài Loan vẫn yếu.
Giới trong ngành dự báo rằng khả năng giá thép cây, thép hình trên thị trường giao ngay sẽ bị ảnh hưởng và diễn biến theo chiều giảm sau quyết định giảm giá thu mua phế của Feng Hsin.
Tokyo Steel gia tăng sức ép cho thị trường phế Nhật Bản
Nhà sản xuất Tokyo Steel Manufacturing tiếp tục gia tăng thêm sức ép cho thị trường phế của Nhật sau khi hạ giá thu mua thêm 500 Yên/tấn (6 USD/tấn) một lần nữa vào hôm thứ Sáu cuối tuần. Hiện giá phế H2 tại các chi nhánh sản xuất của Tokyo Steel bao gồm Tahara và Utsunomiya đều đã xuống 23.500 Yên/tấn (297 USD/tấn).
Thị trường phế xuất khẩu của Nhật cũng yên ắng hơn trong tuần qua sau khi một số quốc gia tiêu thụ chính như Hàn Quốc và Trung Quốc nghỉ tết Trung thu. Hơn nữa, các nhà máy ở hai nước trên cũng đã dự trữ đủ nguồn cung từ trước lễ nên cũng không mặn mà đối với nhập khẩu.
Vào hôm thứ Năm trong tuần, Hàn Quốc đã giao dịch trở lại, các nhà máy chào mua phế của Nhật ở mức 23.500 Yên/tấn fob, tức thấp hơn 1.000 Yên/tấn so với thời điểm trước lễ.
Đông Á-Giá phế nhập khẩu còn giảm
Giá phế nhập khẩu vào Đông Á đã suy yếu trong tuần qua, trong đó Mỹ hạ giá chào bán phế HMS 1&2 80:20 xuống 353-354 USD/tấn cfr sang Đài Loan vào cuối tuần, giảm từ mức 358 USD/tấn cfr đầu tuần và từ mức 363 USD/tấn trong tuần trước đó. Tuy nhiên không có ai đặt mua ở mức này vì các nhà máy Đài Loan cho rằng xu hướng xuống chưa kết thúc.
Trong khi ở khu vực Đông Nam Á, phế 80:20 được các nhà cung cấp nước ngoài chào bán với giá 370-380 USD/tấn cfr. Một nhà máy của Việt Nam gần đây đặt mua 30.000 tấn giao cuối tháng 11 từ Australia ở mức 375 USD/tấn cfr và Malaysia đặt mua khoảng vài lô từ Mỹ với giá 375-378 USD/tấn cfr.
Triển vọng giá phế nhập khẩu được kỳ vọng còn xuống nữa nên các nhà sản xuất trong khu vực chờ thêm, nhất là các nhà máy nhỏ.
Giá quặng 62% Fe ổn định tuần qua
Giá quặng trên thị trường giao ngay trong tuần rồi nhìn chung ổn định do thiếu sự tham gia giao dịch của Trung Quốc (đang trong kỳ nghỉ lễ Trung thu).
Theo đó, quặng 62% Fe theo giá tham chiếu của The Steel Index vẫn giữ nguyên ở mức 104,20 USD/tấn khô cfr tại Thiên Tân, còn theo giá tham chiếu IODEX ở mức 106,50 USD/tấn cfr ở miền bắc Trung Quốc. Giao dịch rất kém, các nhà máy chỉ mua với khối lượng nhỏ vì hiện tại nguồn tiền mặt bị thắt chặt, hơn nữa triển vọng thị trường thép khá bấp bênh.
Trong khi đó, giá phôi tăng nhẹ do nguồn cung thắt chặt. Vào hôm thứ Tư trong tuần, phôi vuông tại thành phố Đường Sơn tăng thêm 80 NDT/tấn lên 3.220 NDT/tấn.
Thị trường CRC không gỉ Hàn Quốc khả năng chạm đáy
Giá thép cuộn cán nguội không gỉ giao ngay tại thị trường nội địa Hàn Quốc đã kéo dài đà tăng hai tuần qua nhờ sự hậu thuẫn từ sự phục hồi của giá nickel.
Hiện CRC 304 2mm có giá bán lẻ dao động từ 3,3-3,4 triệu Won/tấn (2.953-3.043 triệu Won/tấn), tăng 200.000 Won/tấn (179 USD/tấn) so với thời điểm giữa tháng 9.
Nhiều người cho rằng giá CRC không gỉ trong nước đã chạm đáy sau khi giá nickel liên tục dội lên hơn ba tuần qua, một thương nhân cho hay.
Mặt khác, giá thép CRC không gỉ tại thị trường nội địa ấm lên cũng nhờ vào việc nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất nước này Posco nâng giá bán xuất xưởng tháng 10 các sản phẩm HRC, CRC không gỉ austenitic thêm 200.000 Won/tấn.
Chốt phiên giao dịch vào ngày 4/10, giá nickel giao ngay tại Sàn LME (London) đóng cửa ở mức 18.640/50 USD/tấn, tăng hơn 2.500 USD/tấn kể từ đầu tháng 9.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đang bất ổn, vì vậy chưa thể khẳng định được giá thép không gỉ sẽ giữ được đà tăng ổn định hay không. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng của các ngành tiêu thụ thép không gỉ cũng chưa có dấu hiệu phục hồi từ đây đến hết năm.
Đông Nam Á chờ giá phôi giảm thêm
Giá phôi chào bán vào khu vực Đông Nam Á trong suốt tuần qua đã trượt về mức 555-570 USD/tấn cfr sau khi giá phế liệu có sự điều chỉnh giảm.
Các nhà nhập khẩu Philipines đang chờ Đài Loan hạ giá chào xuống mức 550 USD/tấn cfr, tương đương 530 USD/tấn fob, tức thấp hơn 30 USD/tấn so với mức niêm yết của Philipines là 560 USD/tấn fob.
Tuần rồi, CIS tiếp tục hạn chế chào bán phôi vào Đông Nam Á, nhưng có thông tin giá chào bán ở mức 555-560 USD/tấn cfr, giảm 5-10 USD/tấn so với tuần trước đó. Một thương nhân ở Manila nói Philippines chỉ có thể chấp nhận mua phôi của Nga với giá 545 USD/tấn cfr, hoặc thấp hơn nữa.
Còn phôi của Hàn Quốc chào bán cho Philippines tuần qua vẫn chưa có gì thay đổi so ở mức 570 USD/tấn cfr như trong tháng trước. Còn chào bán của Nhật Bản là 560-565 USD/tấn cfr nhưng hầu như không có đơn hàng nào được chốt ở mức này.
Thương nhân Thái Lan tuyên bố họ sẽ không nhập khẩu phôi với giá 550 USD/tấn cfr trở lên vì hiện nay giá thép cây tại thị trường nội địa đang xuống.