Đài Loan hạ giá xuất khẩu thép ống để tăng tính cạnh tranh
Các nhà sản xuất thép ống Đài Loan có ý định hạ giá xuất khẩu để tránh thua lỗ do đồng nội tệ (Đài tệ) tăng giá so với đồng USD.
Cho đến trưa nay, tỷ giá hoán đổi USD/NDT là 30,148 NDT, tăng 9% so với tháng 09.
Các nhà sản xuất thép ống cho biết China Steel Corp (CSC) của Đài Loan sẽ hạ giá thép cuộn cán nóng HRC xuống ít nhất là 60-70 USD/tấn nhằm hỗ trợ cho các nhà cung cấp giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh giá cả trên toàn cầu.
Feng Hsin duy trì giá thép cây và thép dầm hình H không đổi tuần này
Nhà sản xuất Đài Loan - Feng Hsin thông báo duy trì giá bán một số sản phẩm thép bản dài trong tuần này không đổi so với tuần trước.
Trong đó thép cây sẽ vẫn có giá ở mức 19.200 Đài tệ/tấn (637 USD/tấn), thép dầm hình H là 20.600-20.800 Đài tệ/tấn (683-690 USD/tấn). Đồng thời Feng Hsin sẽ duy trì giá thu mua phế liệu không đổi là 12.100-13.000 Đài tệ/tấn (401-431 USD/tấn).
Trong khi đó tại trường tự do, giá thép cây của Feng Hsin ở miền nam Đài Loan được bán với giá 18.700 Đài tệ/tấn (620 USD/tấn), dù thấp hơn giá xuất xưởng nhưng vẫn không được khách hàng chấp nhận. Vì vậy, một số nhà phân phối đã hạ giá xuống còn 18.550-18.600 Đài tệ/tấn (615-617 USD/tấn).
Còn phế liệu nhập khẩu, trong đó phế 80:20 nhập từ Mỹ có giá 395 USD/tấn C&F, thấp hơn 7-10 USD/tấn (200-300 Đài tệ/tấn) so với giá trong nước. Khả năng giá phế liệu trong nước sẽ hạ xuống.
Xuất khẩu quặng Brazil sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay
Banco Santander SA, Ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha cho biết xuất khẩu quặng sắt của Brazil sẽ đạt kỷ lục trong năm nay do các nhà cung cấp như Vale SA đẩy mạnh xuất khẩu đáp ứng nhu cầu từ các nhà sản xuất thép từ Trung Quốc.
Felipe Reis, chuyên gia phân tích của Santander nói rằng xuất khẩu quặng của Brazil sẽ vượt qua mức kỷ lục xuất khẩu 281,6 triệu tấn trong năm 2008.
Trong tháng 10 qua, xuất khẩu quặng của nước này đạt 30,2 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu ở Biển Đen tăng nhiệt nhờ nhu cầu từ Iran
Thị trường phôi và phế liệu ở khu vực Biển Đen vẫn giữ nhiệt do lực cầu ở Iran vẫn duy trì tốt.
“02 tháng trước, Iran đã mua phôi với số lượng lớn dẫn đến sự thiếu hụt phôi xuất khẩu tháng 11 và tháng 12,“ dẫn lời một thương nhân cho biết. Do vậy giá phôi tại Biển Đen đã được đẩy lên mức 550-560 USD/tấn fob, từ mức giá 530-550 USD/tấn của tuần trước đó.
Giới thương nhân và các chuyên gia phân tích cho rằng dù nhu cầu trên thế giới vẫn yếu yếu trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm chạp, tuy nhiên họ tin rằng nhu cầu tại Iran vẫn mạnh.
Hiện Iran cũng đang triển khai một số sự án thép trong nước để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng mạnh ở nước này.
Cuối tháng 08, Safarali Barati, giám đốc của Isfahan Steel Company thông báo sẽ sản xuất 03 triệu tấn các loại khác nhau, như thép dầm, thép thanh tròn tháng 03 năm sau.
Đầu tháng 07, một dự án thép lớn đã đi vào hoạt động ở thành phố Bonab thuộc tỉnh East Azarbaijan ở phía đông bắc Iran và giai đoạn 03 của một nhà máy liên hợp lớn sản xuất thép được khánh thành hôm 28/06 ở thành phố Natanz thuộc tỉnh Isfahan của Iran.
Theo Hiệp Hội Thép Thế Giới cho biết Iran là nhà sản xuất thép đứng thứ 02 khu vực Trung Đông. Trong 06 tháng đầu năm 2010 sản xuất thép của quốc gia này tăng 2,7% lên mức 5,9 triệu tấn.
Trung Quốc đầu tư 4,5 tỉ USD vào thăm dò khoáng sản
Trung Quốc sẽ chi 30 tỉ NDT (4,5 tỉ USD) để tìm kiếm các mỏ khoáng sản mới trong nước trong vòng 05 năm tới trong nỗ lực làm giảm sự lệ thuộc của khoáng sản nhập khẩu từ nước ngoài.
Tân Hoa Xã dẫn lời phó Bộ trưởng Bộ tài nguyên và đất đai cho biết, chính phủ tiến hành thăm dò các dự án khoáng sản ở 21 tỉnh thành. Trong 12 năm qua, các nhà khoa học Trung Quốc đã khám phá được rất nhiều mỏ khoáng sản từ hơn 900 địa điểm khác nhau.
Trong đó có 05 địa điểm ở 03 khu vực khác nhau có nguồn dự trữ quặng sắt lên đến 5 tỉ tấn và 38,5 triệu tấn quặng đồng.
Trong 05 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu ít hơn 75% lượng tiêu thụ đồng và ít hơn 50% lượng tiêu thụ quặng, theo khảo sát của Chen Renyi thuộc Trung tâm khảo sát địa lý China Geological Survey.
Tiêu thụ nickel ở Trung Quốc sẽ tăng 4-5% vào năm tới
Theo giới trong ngành, tiêu thụ nickel của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng vào năm tới do nhu cầu từ các nhà sản xuất thép không gỉ nâng sản lượng.
Xu Aidong, trưởng bộ phận phân tích của công ty cố vấn kim loại nhà nước - Beijing Antaike nói rằng, mặc dù nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ nickel lớn nhất thế giới vẫn tăng trong năm 2011, nhưng tốc độ có thể sẽ chậm hơn so với 2010, tức chỉ tăng khoảng 4-5% từ mức 505.000 tấn trong năm nay.
Trong đó việc mở rộng công suất của ngành sản xuất thép không gỉ là yếu tố chủ chốt lèo lái nhu cầu nickel. Trong năm tới, sản lượng thép không gỉ của Trung Quốc dự báo sẽ tăng hơn 20 triệu tấn từ mức ước tính 11 triệu tấn trong năm nay.
Còn nhu cầu nickel sử dụng trong ngành sản xuất ô tô và điện tử dân dụng cũng sẽ tăng ổn định. Theo dự báo trong vài tuần gần đây, nhu cầu ô tô của Trung Quốc có thể đạt mức 20 triệu chiếc vào năm tới, từ mức 18 triệu chiếc dự kiến trong năm nay.
Ông Xu nói thêm là giá nickel vẫn cao, dù giá các nguyên vật liệu thô rẻ hơn, và đây sẽ là một hạn chế đối với nhu cầu các sản phểm thép không gỉ.
Các nhà sản xuất thép hình châu Âu gặp khó khăn trong việc nâng giá
Theo nguồn tin từ SBB, nhiều nhà sản xuất Châu Âu bắt đầu thông báo nâng giá thép hình thêm 20-30 EUR/tấn. Tuy nhiên, các nhà dự trữ hàng cho biết mức giá này khó có thể đạt được vì thị trường, nhất là người tiêu dùng trực tiếp sẽ không chấp nhận.
Hơn 02 tuần trước, giá thép hình giảm xuống còn 520-540 EUR/tấn (732-760 USD/tấn), bao gồm phí vận chuyển, nhưng chi phí sản xuất trong tháng này có thể tăng 15-20 EUR/tấn do giá phế quay đầu tăng cao hơn, khiến sản xuất của chúng tôi gặp phải áp lực, một nhà sản xuất phàn nàn.
Trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp thấp, cộng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà dự trữ luôn có sự điều chỉnh giá để thu hút người tiêu dùng trực tiếp. Do đó, giá bán lẻ chỉ đắt hơn khoảng 20-30 EUR/tấn so với giá xuất xưởng và đó là cái khó cho chúng tôi để nâng giá bán, một nhà sản xuất khác nói.
Các nhà dự trữ than phiền họ đang phải chịu lỗ và một trong số họ cho biết doanh số bán hàng trong năm nay chỉ đạt 60% so với năm 2008. Một nhà dự trữ khác cũng nói ông đang xem xét việc cắt giảm nhân công để giảm thiểu chi phí đầu vào cho đến khi thị trường phục hồi trở lại.
Một nhà sản xuất lớn khẳng định sẽ giữ giá ổn định nếu có thể nhận đủ số lượng đơn đặt hàng vào cuối năm này. Thậm chí một số các nhà dự trữ cho rằng giá có thể giảm thêm 10 EUR/tấn trước khi tăng trở lại vào tháng 01/2011. Tuy nhiên hầu hết các nhà sản xuất và nhà trữ đều cho là giá sẽ vẫn duy trì ở mức khá ổn định.
Giá nickel tăng 1.200 USD/tấn trong một tuần
Hôm thứ Sáu vừa qua, giá nickel tại sàn giao dịch Kim loại London có giá giao ngay chốt ở mức 24.450 USD/tấn, tăng 1.200 USD/tấn so với tuần trước.
Theo một chuyên gia phân tích, giá nickel đang chinh phục dần về các mức cao của tháng 04 là do các nhà sản xuất thép không gỉ tăng gấp đôi lượng đặt hàng để tránh khả năng giá còn lên nữa.
Nhưng một chuyên gia phân tích khác cho rằng giá nickel tăng do được dẫn dắt bởi những kim loại khác như đồng, nhưng chủ yếu vẫn do đồng USD suy yếu.
Gần đây, đồng nội tệ Mỹ đã có chuỗi ngày giảm giá khá dài kể từ sau khi có tin Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ bơm thêm tiền để kích thích tăng trưởng nền kinh tế, dẫn đến sự quan ngại nguồn tiền dồi dào trên thị trường sẽ đẩy lạm phát phi mã.
Chính vì vậy, giới đầu tư đã nhanh chân tìm đến hàng hóa, trong đó có nickel để tìm chốn trú ẩn an toàn phòng chống rủi ro lạm phát. Hơn nữa, nguồn cung nickel trên thế giới cũng đang căng thẳng, nhất là Trung Quốc do nước này đang thực hiện cắt giảm khai thác để tiết kiệm năng lượng.
Thổ Nhĩ Kỳ nâng giá chào cuộn trơn trong nước
Theo nguồn tin từ SBB, chào bán xuất xưởng thép cuộn trơn tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đang có giá dao động từ 610-625 USD/tấn, nâng lên từ giá giao dịch xuất xưởng 580 USD/tấn trước đó.
So với nhu cầu thép cây, nhu cầu thép cuộn trơn được báo cáo là thấp hơn, nhưng giá cả kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh do được lèo lái bởi giá nguyên vật liệu thô tăng cao.
Tại thị trường trong nước, thép cây xuất xưởng hiện vào khoảng 605 USD/tấn.
Còn về xuất khẩu, Iran vẫn là thị trường tiêu thụ tiềm năng thép cuộn trơn của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo dự báo nhu cầu tiếp tục gia tăng sau lễ ăn mặn của người hồi giáo từ ngày 10-13/11/2010.
HRC ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng thêm 15-30 USD/tấn cuối tháng 11
Sau khi giá phế liệu nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức 400 USD/tấn cfr, các sản phẩm thép cuộn ở nước này cũng rục rịch điều chỉnh theo trong tuần qua. Trong đó, cuộn cán nguội và cuộn mạ kẽm nhúng nóng tăng 20 USD/tấn, còn cuộn cán nóng được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng cho đến hết tháng này.
Hiện CRC sản xuất trong nước có giá 760-800 USD/tấn, trong khi hồi cuối tháng 10 giá là 740-780 USD/tấn. Còn giá HRC tăng nhẹ và đang trên 600 USD/tấn. Giới thương nhân cho rằng giá HRC sẽ sớm tăng thêm từ 15-30 USD/tấn do giá phế liệu nhập khẩu đã chạm mức 400 USD/tấn cfr
Nhu cầu và giá phế tại Trung Quốc tăng giá
Theo giới thương nhân tại tỉnh Giang Tô cho biết, giá phế liệu Trung Quốc tại tỉnh phía đông này bắt đầu tăng lên nhờ sự phục hồi của giá thép, và nhu cầu gia tăng có thể khiến cho nguồn cung eo hẹp.
Hôm 05/11, Xingcheng Special Steel (Xingcheng), nhà sản xuất có trụ sở tại thành phố Jiangyin, đã nâng gía thu mua phế HMS thêm 70 NDT/tấn (11 USD/tấn). Như vậy, hiện phế HMS (độ dày >6mm) có giá thu mua là 3.130 NDT/tấn (470 USD/tấn), bao gồm phí vận chuyển tới nhà máy và 17% VAT. Một thương nhân tại Giang Tô phát biểu trên SBB rằng, Xingcheng đã nâng giá thu mua phế liệu nhằm nỗ lực gom thêm phế dự trữ dùng để sản xuất trong mùa đông này.
Hiện loại phế như trên tại thị trường các tỉnh phía đông Trung Quốc có giá khoảng 3.030-3.130 NDT/tấn, bao gồm 17% VAT, đắt hơn 50 NDT/tấn so với giá của 1 tuần trước.
Các nguồn thị trường cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đợt tăng giá phế liệu lần này là do sự phục hồi trở lại của giá thép. Hiện giới thương nhân vẫn giữ thái độ chờ xem, và kỳ vọng thêm nhiều nhà máy nữa sẽ nối gót Xingcheng nâng giá thu mua phế liệu lên. “Thái độ này có thể khiến nguồn cung tại thị trường phế trong nước eo hẹp và sẽ đẩy giá phế còn tăng trong vài tuần tới,” dẫn lời một thương nhân cho biết.
Tấm không gỉ châu Á xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong tháng này
Tuần rồi, giá thép tấm không gỉ cán nguội của Đông Nam Á giao từ một đến hai tháng vào Trung Quốc vẫn không có gì thay đổi ở mức 3.250-3.350 USD/tấn cfr. Tuy nhiên, giới thương nhân nói rằng họ đang gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với khách hàng ở mức giá 3.350 USD/tấn.
Đài Loan vẫn duy trì giá chào bán vào Trung Quốc là 3.300-3.400 USD/tấn tuần qua, thậm chí một số đã điều chỉnh giá thấp hơn chút đỉnh sau khi giá nickel hạ nhiệt hồi cuối tháng 10. Các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc cũng không thay đổi giá chào 3.250-3.350 USD/tấn. Theo một số nguồn tin, Nhật sẽ có chào giá mới vào Trung Quốc tuần này là 3.400-3.500 USD/tấn như hồi giữa tháng 10.
Theo SBB, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang lui về thế phòng thủ và nghe ngóng vì sức khỏe nền kinh tế toàn cầu vẫn trong tình trạng bất ổn, vì vậy giá thép tấm không gỉ sẽ chịu nhiều áp lực trong tháng này.
Một thương nhân ở miền nam Trung Quốc nói, thường các nhà nhập khẩu thép rất hạn chế đặt hàng trong tháng 11 vì thời hạn giao hàng sẽ diễn ra vào tháng 02 năm sau, mà đây là khoảng thời gian rơi vào nghỉ tết nguyên đán của người châu Á.
Giá nickel giao kỳ hạn ba tháng tại sàn gia dịch Kim loại London đóng cửa phiên giao dịch hôm ngày 03/11 ở mức 23.705/10 USD/tấn, tăng 800 USD/tấn so với tuần trước.
Nhà cán lại Indonesia và Việt Nam quay lại dùng phôi trong nước
Các nhà cán lại ở Indonesia và Việt Nam đang đang chuyển qua dùng phôi sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu.
Đại diện một nhà cán lại của Indonesia nói rằng phôi trong nước nếu tính luôn chi phí vận chuyển có giá tương đương 570 USD/tấn, còn phôi nhập khẩu khoảng 550-560 USD/tấn cfr. Đầu tuần trước, Nhật Bản chào bán phôi vào Indonesia với giá 575 USD/tấn cfr và chào giá từ Đài Loan là 590 USD/tấn cfr.
Trong khi tại Việt Nam, phôi sản xuất trong nước có giá 12,1-12,2 triệu đồng/tấn (590-595 USD/tấn), bao gồm VAT, dù giá này cao hơn so với mức 11,2-11,3 triệu tấn (546-551 USD/tấn) cách đây ba tuần do lèo lái bởi giá phế nhập khẩu tăng, nhưng cũng gần tương đương với giá nhập từ các nước châu Á là 600 USD/tấn cfr, đó chưa kể thuế nhập khẩu 7%.
Giám đốc điều hành của một nhà cán lại ở Việt Nam nói, đồng nội tệ trong nước yếu trở lại so với USD là nguyên nhân các nhà sản xuất và cán lại Việt Nam quay trở lại dùng phôi sản xuất trong nước.
Vì vậy mà thị trường phôi nhập khẩu tuần qua im hơi lặng tiếng hơn, giá nào thấp thì sẽ được ưa chuộng, một thương nhân chia sẻ.
Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng nhập khẩu phế liệu
Giá phế liệu trên thị trường thế giới tiếp tục điều chỉnh tăng trong tuần qua do các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua thêm một số lô hàng từ nước ngoài.
Theo xác nhận đặt hàng mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập 15.000 tấn phế liệu vụn và 26.000 tấn phế liệu A3 từ vùng Baltic với giá 392 USD/tấn cfr.
Tuần qua, Mỹ đã nâng giá chào bán phế liệu vụn và HMS 1&2 80:20 vào Thổ Nhĩ Kỳ 2 USD/tấn lần lượt tại các mức 400 USD/tấn cfr và 395 USD/tấn cfr. Trong khi các nhà xuất khẩu thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ nguyên chào giá HMS 1&2 80:20 ở mức 390 USD/tấn.
Chào giá phế A3 từ các nước khối CIS sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng ổn định từ 385-390 USD/tấn cfr. Khối lượng chào của Nga giảm do nhu cầu trong nước rất mạnh.
Giá và nhu cầu phôi tại Trung Quốc đều tăng
Phôi thép tại thành phố Đường Sơn Trung Quốc đã tăng mạnh trong tuần qua nhờ sự hỗ trợ từ cả nhu cầu lẫn giá thép thành phẩm đều tăng.
Hôm thứ Sáu tuần rồi, các nhà sản xuất phôi lớn địa phương đã nâng giá xuất xưởng phôi Q235 150x150mm khoảng 150-170 NDT/tấn (23-26 USD/tấn) lên mức 4.080-4.100 NDT/tấn (612-615 USD/tấn), đã bao gồm thuế VAT 17% và các chi phí cơ bản bằng tiền mặt khác.
Việc kiểm soát nguồn cung cấp điện của chính quyền địa phương đáp ứng mục tiêu tiết kiệm điện dẫn đến giảm sản lượng và tồn kho. Trong khi đó, nhiều nhà cán lại đã tái khởi động sản xuất kể từ cuối tháng 10 sau khi kết thúc chương trình cắt giảm và đẩy mạnh sản xuất sau khi giá cả diễn biến tích cực hơn.
Hơn nữa, giá nguyên vật liệu thô bắt đầu tịnh tiến lên, dẫn đến chi phí xuất cao hơn, qua đó hỗ trợ cho giá phôi.