Giá phế của Mỹ bán cho Đài Loan giảm 5 USD
Tuần này, Mỹ chào bán phế liệu HMS 80:20 (1&2) cho Đài Loan đã 5 USD/tấn xuống mức 438-443 USD/tấn C&F từ mức chào 443-448 USD/tấn C&F trước đó do ảnh hưởng bởi giá thép cây và giá phế yếu đi tại thị trường Đài Loan.
Tuy nhiên sau khi thỏa thuận Mỹ chấp nhận bán cho Đài Loan với giá 435 USD/tấn C&F.
Khả năng giá phế nhập khẩu của Đài Loan còn giảm nữa trong ngắn hạn do nhu cầu từ khách hàng nước này đang chậm lại.
Sản lượng thép thô Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 4
Sản lượng thép bình quân theo ngày của Trung Quốc trong 10 ngày cuối tháng 4 ước tính đạt 2,035 triệu tấn/ngày, tăng 1,49% so với mức 2.005 triệu tấn/ngày trong 10 ngày giữa tháng, theo số liệu từ Hiệp hội gang thép Trung Quốc cung cấp.
Một nhà quan sát thị trường nói rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chững lại, kèm theo hoạt động xây dựng suy yếu thì việc sản lượng thép tăng gây căng thẳng về sự dư thừa nguồn cung, qua đó sẽ tác động lên thị trường giao ngay trong ngắn hạn.
Baosteel gần đây cũng đưa ra dự báo rằng lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc vẫn tiếp tục bất ổn trong quý Hai, vì vậy nhu cầu thép cán phẳng được cho là sẽ yếu hơn nữa.
Tuy nhiên một chuyên gia phân tích ngành thép tại Thượng Hải thì nhận định ngược lại rằng, lý do các nhà sản xuất đẩy sản lượng tăng cho thấy doanh số bán hàng của họ thuận lợi, với nhu cầu trong nước đang trong giai đoạn phục hồi. Khả năng giá sẽ nhích lên trong một hay hai tháng tới.
Cũng theo ước tính của Hiệp hội gang thép Trung Quốc, tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 4 khả năng đạt tổng cộng 60,77 triệu tấn, với mức sản lượng bình quân theo ngày trong tháng 4 là 2.0258 triệu tấn, tăng 2% so với mức sản lượng theo ngày trong tháng 3.
Thị trường thép cây miền bắc Trung Quốc quá ế
Giá thép cây ở miền bắc Trung Quốc vẫn chưa chấm dứt được đà giảm kể từ tuần trước do nhu cầu tiêu thụ khá căng thẳng trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Tại Bắc Kinh, thép cây HRB400 18-25mm do Hebei Iron & Steel (Hegang) sản xuất được các thương nhân điều chỉnh giá chào bán giảm 10-30 NDT/tấn (2-5 USD/tấn) xuống còn 4.270-4.280 NDT/tấn (677-679 USD/tấn), còn thép cây HRB335 18-25mm cũng do Hegang sản xuất cũng giảm 10-20 NDT/tấn còn 4.220 NDT/tấn. Cả hai đã bao gồm VAT 17%.
Một thương nhân ở Bắc Kinh nói giá cả đi xuống kéo lượng giao dịch thị trường cũng thấp hơn. Người mua hầu hết đều đang chờ xem liệu giá còn giảm nữa không.
Một thương nhân khác cũng nói: Nhu cầu thật sự quá tệ, dù giá theo ngày giảm không nhiều, nhưng chẳng thể biết được tình trạng này còn kéo dài trong bao lâu nữa nếu sức mua không cải thiện.
Trên thị trường giao dịch kỳ hạn, giá thép giao tháng 10 tại Sàn Thượng Hải chốt phiên hôm qua đứng ở mức 4.213 NDT/tấn, giảm 0,85% so với ngày thứ Hai.
Giá thép không gỉ cán nguội của Hàn Quốc ổn định
Giá thép cuộn cán nguội không gỉ tại thị trường Hàn Quốc vẫn ổn định kể từ tuần qua.
Hiện CRC 304 2mm có giá bán lẻ dao động từ 3,2-3,3 triệu Won/tấn (2,800-2,887 USD/tấn) trong tuần này.
Posco, nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất của Hàn Quốc, hồi cuối tháng 4 dự báo thị trường thép không gỉ cán nguội của Hàn Quốc sẽ phục hồi trong tháng 5, hoặc chậm nhất là sang tháng 6 do nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng cải thiện.
Tuy nhiên các nhà bán lẻ lại đang rất lo lắng giá khó có thể đi lên. “Chúng tôi chỉ mong giá ổn định là mừng lắm rồi vì gần đây giá nickel đang xuống”, một thương nhân cho hay.
Hơn nữa, nếu có giảm giá cũng sẽ chẳng thúc đẩy được doanh số bán hàng vì vấn đề bây giờ chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu chứ không phải vấn đề giá cả.
Để hạn chế bớt sự chênh lệch về giá giữa giao ngay và xuất xưởng, Posco nói họ sẽ chiết khấu cho khách hàng tùy vào các điều kiện thị trường. Giá xuất xưởng CRC 304 của Posco vẫn trên mức giá giao ngay, và hiện đang ở mức 3,87 triệu Won/tấn.
Trong tháng 3, tổng sản lượng thép cuộn không gỉ cán nguội của Hàn Quốc đạt 108.500 tấn, tăng 6% so với tháng 2. Cũng trong tháng 3, xuất khẩu chiếm 44.100 tấn, tăng 8%.
Giá phôi miền bắc Trung Quốc vẫn giảm
Giá phôi tại miền bắc Trung Quốc trong ngày thứ Ba hôm qua tiếp tục diễn biến tiêu cực do tác động bởi nhu cầu yếu kém từ thị trường thép thành phẩm, và giá cũng giảm.
Tại thành phố Đường Sơn (Hà Bắc), phôi Q235 150x150mm do các nhà máy lớn sản xuất có giá xuất xưởng tiếp tục mất 10 NDT/tấn (2 USD/tấn) như ngày thứ Hai, còn 3.670 NDT/tấn (582 USD/tấn), đã bao gồm 17% VAT và thanh toán bằng tiền mặt.
Đại diện một nhà máy ở Đường Sơn cho hay: “Nhu cầu thị trường thép thành phẩm đã tác động xấu lên phôi, nhưng dù phải đối mặt với khó khăn về lợi nhuận, chúng tôi cũng sẽ không cắt giảm sản lượng, trừ phi giá giảm quá mạnh. Từ đây đến hết tháng dù dự báo giá còn giảm nữa, nhưng chắc sẽ không nhiều vì hiện nay giá nguyên liệu thô, trong đó có giá quặng ổn định”.
Một đại diện khác của một nhà máy khác ở Đường Sơn cũng chia sẻ quan điểm về giá phôi trong ngắn hạn vẫn tiếp tục xuống trong tháng này, nhưng hạn chế, còn triển vọng trong tháng 6 thì không thể nói trước được điều gì.
Đàm phán giá thép đóng tàu tại Hàn Quốc vẫn bế tắc
Các cuộc đàm phán giữa các nhà sản xuất thép Hàn Quốc như Posco và Dongkuk Steel Mill với các nhà thầu đóng tàu ở nước này về giá thép đóng tàu giao trong quý Hai cho tới thời điểm này vẫn trong vòng bế tắc. Trong khi các nhà thầu đóng tàu một mực yêu cầu các nhà sản xuất hạ giá bán 50.000 Won/tấn (44 USD/tấn) so với quý Một, nhưng các nhà sản xuất nhất quyết không chấp nhận.
Đại diện của một nhà sản xuất nói: “Chúng tôi đã hạ giảm giá nhiều cho các nhà thầu đóng tầu trong quý Một rồi đấy chứ, nhưng trong quý Hai chúng tôi không thể hạ thêm nữa. Lợi nhuận của họ thậm chí còn cao hơn chúng tôi là đằng khác”.
Theo ước tính của đại diện này, trong quý Một vừa qua, lợi nhuận biên của ba nhà đóng tàu như Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering tăng bình quân 6-7%, trong khi lợi nhuận của các nhà sản xuất Dongkuk và Hyundai Steel chỉ tăng 3-4%.
Các nhà sản xuất thép chúng tôi cũng đứng ngồi không yên vì lo nguồn cung thép tấm dư thừa sau khi mở rộng công suất sản xuất thêm 5,5 triệu tấn trong mấy năm qua. Đó chưa kể là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản về nữa.
Chỉ riêng trong năm 2011, nhập khẩu thép tấm của Hàn Quốc đã là 4,1 triệu tấn, tăng 5% so với 2010, theo số liệu từ Hiệp hội Gang thép Hàn Quốc cho hay.
Đại diện của một nhà sản xuất khác cũng bày tỏ: “Chúng tôi đã nâng sản lượng thép tấm với mục tiêu đáp ứng theo yêu cầu của các nhà thầu, nhưng giờ đây họ lại yêu cầu chúng tôi phải liên tục hạ giá bán trong khi vẫn tiếp tục đặt mua hàng từ nước ngoài”.
Thép tấm nhập khẩu chiếm 35% tổng tiêu thụ của thị trường trong 3 năm qua.
Còn một nhà thầu đóng tàu phân bua rằng: “Chúng tôi thừa nhận là đã yêu cầu các nhà sản xuất nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của chúng tôi mà trước đó dự báo tăng, nhưng đâu phải vì thế mà quy kết trách nhiệm 100% cho chúng tôi được, bản thân họ cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi làm điều này mà. Hơn nữa, giá của họ quá cao, vượt quá khả năng của chúng tôi. Nói qua nói lại thì họ cũng đang kinh doanh tốt đấy thôi”.
Nhập khẩu thép tấm đóng tàu của Singapore yên ắng
Nhập khẩu thép tấm đóng tàu của Singapore đã chậm lại trong hai tuần qua do nhu cầu tại thị trường trong nước quá yếu.
Các nhà máy Trung Quốc đang chào bán vào nước này với giá 700-705 USD/tấn cfr, thấp hơn so với mục tiêu hồi đầu tháng 4 sẽ nâng giá xuất khẩu lên 710-720 USD/tấn.
“Các nhà nhập khẩu đã có đủ nguồn hàng, vì vậy họ không có nhu cầu nhập thêm nhiều hàng về nước”, một thương nhân Singapore cho hay.
Cách đây hai tuần, Singapore cũng đã nhập thép tấm đóng tàu từ Trung Quốc với giá 690-700 USD/tấn cfr, nhưng bây giờ họ chỉ muốn mua ở mức 670-680 USD/tấn cfr mà thôi.
Cũng vào cuối tháng 4, Singapore cũng đặt mua tấm đóng tàu của Indonesia và Ukraine với giá 720-725 USD/tấn cfr. Hiện Indonesia vẫn duy trì giá chào bán ổn định ở mức này, nhưng nếu muốn hàng được giao cấp tốc thì các nhà nhập khẩu phải thêm khoản phí nữa là 5-10 USD/tấn. Indonesia cũng chấp nhận giao hàng với khối lượng thấp.
JFE Steel của Nhật nâng giá thép xây dựng tháng 5
Nhà sản xuất JFE Steel của Nhật đã gửi thông báo đến các nhà phân phối, các nhà kinh doanh và cả các khách hàng hợp đồng dài hạn rằng họ sẽ nâng giá các sản phẩm thép xây dựng bình quân thêm 5.000 Yên/tấn (63 USD/tấn) trong tháng này.
Đại diện của nhà sản xuất này cho hay đây là lần nâng giá đầu tiên đối với mặt hàng thép xây dựng trong vòng bốn năm qua. Bên cạnh đó, JFE Steel cũng điều chỉnh tăng đối với các mặt hàng thép khác như thép dầm hình H, ống hàn, thép tấm tiêu chuẩn hàng hóa, tấm cọc và cột thép.
“Chúng tôi đã không nâng giá tất cả các sản phẩm này kể từ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ vào năm 2008, thời điểm mà cả người dân, các nhà sản xuất, nhà phân phối và các trung tâm bán hàng đều bơi trong khó khăn. Tuy nhiên nhu cầu thép xây dựng giờ đây đang cải thiện là thời điểm thích hợp để công ty chúng tôi điều chỉnh giá bán”.
JFE Steel đã đồng hành cùng nhà sản xuất đối thủ Nippon Steel mà hồi đầu tháng trước cũng đã nâng giá bán thép dầm hình H trong tháng 4 thêm 2.000 Yên/tấn sau khi nâng giá 3.000 Yên/tấn trong tháng 3.
Trên thị trường giao ngay ở Tokyo, thép dầm hình H khổ lớn vẫn duy trì mức giá bán không thay đổi như trong tháng qua quanh mức 72.000-73.000 Yên/tấn (889-901 USD/tấn).
Trong khi đó, nhà sản xuất thép xây dựng số một Nhật Bản - Tokyo Steel Manufacturing thì chọn duy trì giá bán tháng 5 ổn định như trong tháng 4, họ cho rằng mọi nỗ lực nâng giá thời điểm này cũng không được thị trường chấp nhận.