Tiêu thụ thép thành phẩm Ấn Độ không triển vọng
Tiêu thụ thép thành phẩm của Ấn Độ trong tháng 4 vừa qua đạt 5,61 triệu tấn, tăng 3,5% so với tháng 4/2012, theo số liệu cung cấp của Ủy ban Nhà máy Liên doanh thuộc Bộ thép Ấn Độ cho hay.
Như vậy, tiêu thụ thép trong tháng 4 đã thấp hơn mức tiêu thụ bình quân trong ba tháng đầu năm ở mức 6,5 triệu tấn/tháng. Nguyên nhân vẫn là do yếu tố theo mùa vì nhu cầu thường tăng mạnh trong dịp kết thúc năm tài khóa cuối tháng 3 và sau đó giảm trở lại vào đầu năm mới.
Một nhà phân tích ở Mumbai cho rằng tiêu thụ thép Ấn Độ sẽ vẫn yên ắng trong năm nay, nhưng sẽ vẫn đạt được mức tăng trưởng hàng năm từ 4-5%.
Tuy nhiên các nhà tham gia thị trường thì không lạc quan lắm vì hiện cung đang vượt cầu và thị trường cũng đang bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ các nước, trong khi xuất khẩu lại quá ế ẩm.
Năm tài khóa vừa qua, Ấn Độ xuất khẩu được 5,3 triệu tấn thép thành phẩm, trong khi nhập khẩu đến 7,9 triệu tấn.
Sản lượng thép thô TQ lập kỷ lục mới
Sản lượng thép thô bình quân theo ngày của Trung Quốc lại lập kỷ lục mới trong trong 10 ngày cuối tháng 10 với 2,1287 triệu tấn/ngày, vượt mức kỷ lục cũ 2,124 triệu tấn/ngày trong 10 ngày đầu tháng 4, theo số liệu từ Hiệp hội gang thép ước tính.
Như vậy sản lượng 10 ngày cuối tháng 4 đã tăng 0,6% so với giữa tháng, tương đương mức sản lượng hàng năm là 777 triệu tấn. Cả tháng 4, sản lượng bình quân theo ngày là 2.1229 triệu tấn/ngày, tăng 2,4% so với mức 2.0734 tấn/ngày trong tháng 3.
Trong đó, sản lượng bình quân theo ngày cuối tháng 4 của các thành viên thuộc Hiệp hội gang thép chiếm 1,7021 triệu tấn/ngày, tăng 0,8% so với giữa tháng 4. Lượng tồn thép thành phẩm của các thành viên tính đến ngày 30/4 giảm 6% so với ngày 20/4 xuống còn 12,87 triệu tấn, nhưng so với thời điểm cuối tháng 12 vẫn cao hơn 36%.
Sản lượng tăng phần lớn là do các nhà sản xuất tư nhân từ chối cắt giảm, bởi họ cần phải duy trì dòng tiền bằng cách duy trì sản xuất. Hơn nữa, các nhà máy cũng sợ việc giảm sản lượng sẽ đồng nghĩa đánh mất thị phần.
Vấn đề cung vượt cầu đang tác động tiêu cực lên thị trường thép Trung Quốc, giá giao ngay khó có thể ngóc đầu lên được. Theo các nguồn tin, tồn kho HRC tại 33 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng gần 30.000 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 3/5 lên 4,8 triệu tấn.
Trong ngày thứ Tư hôm qua, thép cuộn cán nóng HRC Q235 5.5mm có giá 3.640-3.670 NDT/tấn (593-597 USD/tấn) đã bao gồm 17% VAT tại Thượng Hải, giảm 5 USD/tấn so với ngày thứ Ba trước đó.
TQ-Giá cuộn trơn trong nước tăng, xuất khẩu giảm
Giá cuộn trơn tại miền đông Trung Quốc đang tăng nhẹ dần trở lại kể từ cuối tháng 4, nhưng giá xuất khẩu thì vẫn tiếp tục giảm kể từ đó cho đến nay vì khách hàng nước ngoài quan ngại về nguồn cung dư thừa quá mức sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với giá thép.
Tại Thượng Hải, thép cuộn trơn Q195 6.5mm do Jiujiang Iron & Steel sản xuất có giá bán trong ngày thứ Tư hôm qua (08/05/2013) đứng ở mức 3.460-3.470 NDT/tấn (563-565 USD/tấn), tăng 40 NDT/tấn (7 USD/tấn) so với thời điểm cuối tháng 4 và đã bao gồm VAT 17%.
Tuy nhiên các nhà tham gia thị trường ở Thượng Hải nói rằng việc gá tăng gần đây cũng chưa đủ lực để có thể khuyến khích được người mua đặt mua mạnh. Giá cũng khó duy trì được xu hướng này về lâu về dài khi, nhất là khi giá thép ở miền bắc Trung Quốc đã bắt đầu xuống trở lại. Giá phôi tại Đường Sơn (Hà Bắc) cũng giảm 30 NDT/tấn trong ngày thứ Ba tuần này.
Trong khi đó về xuất khẩu, tình hình vẫn dậm chân tại chỗ, lèo tèo vài ba hợp đồng được chốt. Người mua nước ngoài đang rất thận trọng đặt hàng do quan ngại nguồn cung dồi dào tại thị trường Trung Quốc sẽ còn kéo giá xuất khẩu của họ giảm trong thời gian tới.
Hiện cuộn trơn SAE1008B 6.5mm của các nhà máy lớn Trung Quốc có giá chào bán vào khoảng 530-535 USD/tấn fob, giảm từ mức 540 USD/tấn trong tháng rồi.
Một thương nhân ở miền bắc Trung Quốc cho rằng giá chốt có thể dưới 535 USD/tấn fob, thậm chí là 525 USD/tấn fob. Ở những nhà máy nhỏ giá phổ biến hiện nay đã là 520 USD/tấn fob.
Angang hạ giá xuất khẩu HRC cho Nhật Bản
Anshan Iron & Steel (Angang) của Trung Quốc đã hạ giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng giao tháng 7 sang Nhật Bản 40 USD/tấn xuống còn 620 USD/tấn cfr đối với loại HRC SS400 3.2-12mm, nâng tổng giá trị hạ giá lên 80 USD/tấn trong hai tháng qua.
Đại diện của Angang ở Osaka xác nhận giá thép tháng 7 sẽ thấp hơn nhưng từ chối lý do giảm giá là gì. Tuy nhiên theo nhận định của một thương nhân ở miền tây Nhật Bản, việc hạ giá lần này của Angang phản ánh tình hình tiêu thụ yếu kém của thị trường, cũng như giá thép cán nóng tại Trung Quốc đang diễn biến theo chiều đi xuống từ mấy tháng nay, nhưng dù vậy giá bán của nhà máy tại thị trường Nhật vẫn rất cao. Angang cũng cho biết họ cũng sẽ không tập trung nhiều vào thị trường Nhật Bản.
Với giá bán giao tháng 7 của Angang ở mức 620 USD/tấn cfr tương đương với 61.307 Yên/tấn, trong khi Tokyo Steel Manufacturing niêm yết giá sản phẩm HRC SPHC 1.7-22mm trong tháng 5 là 62.000 Yên/tấn, nhưng giá bán thật sự họ 60.000 Yên/tấn.
Trong tháng 4, các nhà sản xuất Nhật Bản chào bán HRC SPHC 2mm với giá 57.000-58.000 Yên/tấn, dù giá đã được nâng thêm 5.000-6.000 Yên/tấn so với tháng 3, tuy nhiên thời điểm này giá của Angang lại khá cao nên không cạnh tranh được với hàng của các nhà sản xuất Nhật Bản, nhưng điều này cũng không khiến Angang bận tâm để hạ giá bán do đồng Yên mất giá.
Trong ba tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã nhập 13.905 tấn HRC từ Trung Quốc, giảm 31% so với ba tháng đầu năm ngoái. Riêng trong tháng 3, Nhật chỉ nhập có 2 tấn, theo số liệu từ Liên đoàn gang thép Nhật Bản cho hay.
Xuất khẩu thép thành phẩm TQ tăng mạnh tháng 4
Xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đạt 5,55 triệu tấn, tăng 5,1% so với tháng 3, theo số liệu thống kê từ Cục hải quan cho hay. Đây cũng là mức xuất khẩu lớn nhất kể từ tháng 7/2010.
Như vậy, xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 19,98 triệu tấn, tăng 19% so với 4 tháng đầu năm ngoái. Đặc biệt trong hai tháng 3 và 4 xuất khẩu tăng mạnh nhờ đơn đặt hàng từ nước ngoài khá nhiều thời điểm trước tết Nguyên đán. Trong tháng 3, xuất khẩu là 5,28 triệu tấn.
Nhiều người nghĩ rằng triển vọng thị trường thép Trung Quốc sau tết Nguyên đán sẽ sáng sủa hơn rất nhiều, chắc chắn thị trường thép thế giới cũng được thơm lây nên thương nhân các nước ồ ạt đặt hàng trước tết. Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, giá thép của Trung Quốc đã trượt dài sau tết và các nhà nhập khẩu đã tuột mất sự hăng hái, không dám liều lĩnh đặt hàng như trước nữa. Do đó, xuất khẩu của Trung Quốc được cho là sẽ giảm mạnh trong tháng 5 và 6 tới đây.
Mặc dù các nhà sản xuất Trung Quốc liên tục điều chỉnh giá xuất khẩu xuống thấp, nhưng cũng không thể mồi chài được khách hàng nước ngoài tăng đặt hàng trở lại, mà ngược lại càng khiến họ bỏ chạy.
Về nhập khẩu, trong tháng 4 vừa qua Trung Quốc nhập được 1,26 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 2,4% so với tháng 3. Tổng nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt 4,49 triệu tấn, giảm 0,9% so với 4 tháng đầu năm ngoái.
Thị trường thép tấm nhập khẩu Đông Á bất động
Thị trường thép tấm nhập khẩu của khu vực Đông Á tuần này vẫn không có gì chuyển biến so với tuần rồi do các nhà nhập khẩu tiếp tục đứng ngoài lề thị trường để theo dõi giá còn giảm đến đâu.
Chào giá từ Trung Quốc đối với thép tấm tiêu chuẩn thương mại 6mm vào khoảng 550-560 USD/tấn cfr cho Đài Loan và khoảng 560-580 USD/tấn cfr sang Đông Nam Á. Ngoài ra, Đài Loan cũng nhận được chào bán từ Ukraina với giá 550-560 USD/tấn cfr và của Ấn Độ là 510 USD/tấn fob.
Sức mua ở Đông Á đã chậm lại bởi người mua trong khu vực muốn chờ giá ổn định hơn trước khi tham gia giao dịch trở lại. Hoặc nếu có nhu cầu thì các nhà nhập khẩu cũng chào mua với giá thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Một thương nhân Đài Loan nói hiện giá chào mua từ các nhà nhập khẩu khoảng dưới 540 USD/tấn cfr, giảm nhiều so với hàng về trong tháng 3 và 4 là 660-670 USD/tấn cfr. Trong khi hàng sản xuất trong nước có giá tương đương với hàng nhập khẩu là 700 USD/tấn cfr hoặc cao hơn.
China Steel Corp, nhà sản xuất của Đài Loan trong tháng rồi thông báo sẽ cân nhắc các biện pháp để chống lại hàng nhập khẩu giá rẻ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào.