GSF – Sản lượng thép thô của Đức sẽ đạt 44 triệu tấn trong 2010
Hiệp hội Thép Đức (German Steel Federation - GSF) đã nâng dự báo sản lượng thép thô trong năm 2010 do nhu cầu ngày càng mạnh và các nhà máy mở rộng công suất.
Chủ tịch GSF cho biết, sản lượng thép thô của Đức có thể tăng lên mức 44 triệu tấn trong năm nay thay vì 43 triệu tấn như dự báo trước đó.
Trong năm 2009, sản lượng thép thô của nước này đã giảm 30% xuống còn 32,7 triệu tấn, chạm mức thấp nhất kể từ năm 1963 do công suất hoạt động của các hãng chế tạo ô tô và các nhà thầu xây dựng giảm mạnh.
Trong khi đó, công suất suất của các công ty thép Đức được dự báo tăng 83%. Tổng sản lượng thép thô trong 09 tháng đầu năm đạt 33 triệu tấn. Còn trong tháng 10 này sản lượng thép của Đức đạt 3,8 triệu tấn.
AK Steel nâng giá thép
AK Steel thông báo nâng giá một số sản phẩm thép cacbon cho các đơn đặt hàng mới.
Trong đó, các sản phẩm thép cán nóng và cán nguội sẽ được nâng 30 USD/tấn, còn các sản phẩm mạ kẽm được được nâng 40 USD/tấn.
AK steel cho biết quyết định nâng giá bán của công ty là để tương ứng với giá nguyên vật liệu thô tăng cao. Giá mới sẽ được áp dụng ngay đối với đơn đặt hàng mới.
Nhập khẩu quặng của Trung Quốc sẽ đạt 700 triệu tấn trong năm 2011
Một quan chức cấp cao của Braemar Shipping (BRMS.L) cho hay, nhập khẩu quặng của Trung Quốc trong năm 2011 được dự báo sẽ tăng lên gần mức 700 triệu tấn từ mức trên 600 triệu tấn trong năm nay.
Ông James Kidwell, giám đốc tài chính của Braemar, một trong 05 nhà môi giới tàu biển hàng đầu thế giới cho biết, nhu cầu nguyên liệu thô từ nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên tại Trung Quốc trong 05 năm tới, và đến năm 2015 nhu cầu có thể chạm đỉnh cao 1 tỷ tấn.
Thị trường phế liệu thế giới nóng lên
Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 này, giới thương nhân Mỹ đã tiến hành nâng giá phế xuất khẩu sang thị trường các nước. Khả năng giá phế nội địa của Mỹ sẽ tăng nhẹ trong tháng 11 này do các nhà sản xuất bắt đầu gom phế dự trữ cho mùa đông sắp cận kề. Tại thị trường các nước EU, tuy giá phế chưa đổi chiều tăng lên nhưng không còn giảm xuống thêm nữa.
Giá đã điều chỉnh tăng trong mấy ngày gần đây tại thị trường đông Á do giới thu mua từ Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và các nước ASEAN đã đồng loạt tham gia dao dịch khiến thị trường ngày một nóng lên. Các nhà xuất khẩu đã nâng giá phế HMS № 1 qua mức 400 USD/tấn cfr. Gía phế từ container cũng được nâng lên 380-400 USD/tấn cfr. Phế H2 xuất sang Trung Quốc và Hàn Quốc cũng được các nhà cung cấp Nhật Bản điều chỉnh tăng giá lên mức 380-390 USD/tấn mặc dù giá phế tại thị trường nước này vẫn tiếp tục đà giảm.
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã thu mua phế với số lượng lớn trong tháng 10 nay vẫn tiếp tục gom hàng và giá vẫn tăng. Cuối tháng 10 vừa qua, giá phế HMS № 1&2 (80:20) của Mỹ và Châu Âu cũng được nhập sang nước này với giá 375-380 USD/tấn cfr. Nhưng trong tháng 11 này, giá phế đạt 385 USD/tấn thậm chí cao hơn.
Giá thép tại Iran sẽ giảm trong tương lai
Ông Hasan Pelarak - CEO của Tổ chức Cải tạo- Phát triển Ngành mỏ và Khai khoáng Iran (IMIDRO), cho biết giá thép tại quốc gia dầu mỏ lớn thứ hai tại Trung Đông sẽ giảm trong tương lai.
Chính sách kiểm soát giá của chính phủ là nguyên nhân khiến giá thép hạ nhiệt, chứ không phải do ảnh hưởng chung của thị trường thép thế giới. Chính phủ kiểm soát bằng cách hạn chế lượng phôi nhập khẩu chỉ từ 5-7 triệu tấn.
Theo dự báo của IMIDRO, sản lượng thép của Iran được kỳ vọng sẽ tăng ít nhất 5% trong năm tài khóa hiện tại kết thúc vào ngày 20/03/2011 do các nhà sản xuất hoạt động 100% công suất, đồng thời một sản xuất khác như Hormozgan Steel nâng sản lượng.
Sản lượng thép tại Iran đã tăng gấp đôi trong bốn năm qua và hiện đang ở mức 17,5 triệu tấn. Khả năng trong bốn tháng tới, sản lượng sẽ đạt mức 20 triệu tấn. Theo mục tiêu của Iran, sản lượng thép của nước này đến cuối kế hoạch phát triển lần 05 sẽ nâng lên 40 triệu tấn/năm.
Xuất khẩu thép không gỉ Nhật Bản gặp khó khăn vì Yên tăng giá
Các nhà sản xuất thép Nhật Bản đã gặp khó khăn trong việc thiết lập mức giá xuất khẩu mới đối với thép tấm không gỉ cán nguội cho các khách hàng châu Á do đồng Yên của nước này tăng giá so với USD.
Do vậy, mọi thương lượng về giá giao tháng 12 vẫn đang diễn ra, không biết mức 3.200 USD/tấn fob có được các khách hàng chấp nhận hay không.
Trong khi hầu hết các nhà sản xuất thép không gỉ khác ở đông Á tăng giảm khác nhau. Yieh United Steel Corp (Yusco) của Đài Loan đã hạ giá thép tấm không gỉ trong nước 2.000 Đài tệ/tấn (65 USD/tấn) tháng này xuống 107.000 Đài tệ/tấn (3.450 USD/tấn).
Posco của Hàn Quốc thì lại nâng giá bán trong nước 100.000 Won/tấn (87 USD/tấn) trong tháng 11 lên 4.070.000 Won/tấn (3.650 USD/tấn). Đây là tháng thứ ba nâng giá liên tiếp của nhà sản xuất lớn nhất Hàn Quốc, nâng tổng cộng 450.000 Won/tấn (391 USD/tấn).
Còn Taiyuan Iron & Steel Group Co (Tisco) của Trung Quốc thì không thay đổi giá bán trong tuần đầu tiên trong tháng 11 ở mức 24.620 NDT/tấn (3.727 USD/tấn) sau thuế.
Các nhà sản xuất thép tấm không gỉ của Nhật Bản hy vọng giá xuất khẩu đến các nước châu Á thỏa thuận ở mức 3.400 USD/tấn fob, nhưng họ thừa nhận rất khó để đạt được giá trên khi đồng Yên tiếp tục mạnh lên so với USD.
China Steel yêu cầu điều tra thép tấm nhập từ Hàn Quốc
Tập đoàn China Steel Corporation của Đài Loan đã đề nghị điều tra chống bán phá giá thép tấm của các nhà sản xuất Hàn Quốc như POSCO, Dongkuk Steel và Hyundai Steel.
Các nhà máy Hàn Quốc đã xuất khẩu thép tấm sang Đài Loan với giá 650-670 USD/tấn cfr, thấp hơn nhiều so với giá thép tấm 800 USD/tấn tại thị trường Hàn Quốc và rẻ hơn giá thép tấm nội địa của CSC là 100 USD/tấn.
China Steel Corporation cho biết trong năm này, tổng sản lượng thép tấm bình quân hàng năm của 03 nhà máy trên đã tăng khoảng 05 triệu tấn và tháng này đã xuất khẩu sang Đài Loan hơn 20.000 tấn.
Sự phục hồi thị trường thép kéo dài bao lâu?
Tuần qua, giá thép trong nước tăng lên tại thị trường Trung Quốc, tuy nhiên giới thương nhân nhận định mức tăng này có thể chỉ duy trì đến hết tuần này khi người mua quay trở lại thị trường.
Giá thép đã tăng kể tư đầu tuần trước, nhưng giới thương nhân phát biểu trên SBB rằng sự tăng giá là do phản ứng lại việc chính phủ tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm sản xuất nhằm đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng chứ không phải do nhu cầu tăng lên.
Tuy nhiên, cuối tuần trước, xu hướng này đã thay đổi khi các nguồn thị trường cho rằng nguyên nhân chính lèo lái giá thép xây dựng đi lên là do các nhà tiêu dùng trực tiếp bắt đầu tái dự trữ hàng trong mùa đông này.
Tại Thượng Hải, hoạt động xây dựng bị tạm ngưng được dự báo sẽ khởi động trở lại ngay khi kết thúc hội chợ thế giới Shanghai Epo hôm 31/10. Trong khi đó, một khảo sát gần đây của các nhà quản lý thu mua Trung Quốc cho biết các hoạt động sản xuất trong tháng 09 đạt tốc độ tăng trưởng khá mạnh mẽ.
Các hợp đồng giao kỳ hạn và các giá giao dịch tại sàn cũng tăng so với tuần trước, đã hỗ trợ cho gia thép HRC đi lên.
Đối với mặt hàng nguyên liệu thô, giá than cốc nội địa Trung Quốc tăng nhờ các nhà sản xuất thép đang tìm cách nâng nguồn dự trữ. Tuy nhiên các giao dịch quặng nhập khẩu của Ấn Độ vào Trung Quốc trong tuần rồi không mấy cải thiện do nhu cầu từ Trung Quốc đã cân bằng với nguồn cung quặng hạn chế của Ấn Độ.
Nhu cầu trữ quặng nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc cũng đã giảm. Bất chấp các giá chào bán đang tiến đến mức cao hơn, nhu cầu yếu ớt cho thấy các giao dịch cuối cùng rồi cũng phải được thiết lập ở mức giá thấp.
ArcelorMittal dự báo sản lượng thép thế giới tăng 7% năm 2010
ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Luxembourg, dự báo về sản lượng thép trên toàn thế giới trong 2010 sẽ đạt mức 1,4 tỉ tấm, tăng 7% so với 2008. Còn sản lượng thép thô sẽ tăng 21% lên 1,7 tỉ tấn.
Trong đó, Trung Quốc và những nền kinh tế mới nổi đóng góp chủ yếu vào mức tăng kỷ lục của sản lượng thép thế giới, bên cạnh sự hỗ trợ của các nền kinh tế phát triển.
Trung Quốc tiến hành hợp nhất các công ty khai khoáng lần hai
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc ngày hôm qua (08/11) cho biết, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch hoàn tất việc hợp nhất 1.528 công ty khai khoáng ở nước này trong năm nay để nâng cao hiệu quả phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản.
Vòng hợp nhất đầu tiên diễn ra vào 2009, làm giảm số công ty khai khoáng ở nước này 7,9% so với năm 2006, nhưng bù lại sản lượng khoáng sản lại tăng 17,2%. Vì vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai vòng hợp nhất lần hai để cải thiện tình hình khai thác.
Thép xây dựng Trung Quốc tiếp tục tăng
Hoạt động giao dịch thép cây tại Trung Quốc đã cải thiện kể từ tuần trước do niềm tin trên thị trường được củng cố, kèm theo giá cả cũng tăng ổn định.
Tại Thượng Hải, thép cây HRB335 15-25mm do các nhà máy tuyến hai sản xuất được giới thương nhân chào bán ở mức 4.390-4.440 NDT/tấn (660-667 USD/tấn), đã bao gồm VAT, tăng từ mức 4.280-4.300 NDT/tấn so với thứ Năm tuần trước. Trong khi thép cuộn trơn Q235 6.5mm cũng có mức tăng tương tự kể từ đầu tháng 11 tới nay và hiện đang có giá 4.530-4.550 NDT/tấn.
Một thương nhân ở Hàng Châu nói, các thương nhân đã có một tuần bán hàng rất chạy, nên nguồn cung hàng trong kho không còn nhiều. Nhưng hoạt động giao dịch có thể sẽ chậm lại từ thứ ba tuần này vì giá đã bị đẩy lên quá cao rồi. Nếu giá còn tăng nữa, cũng chỉ giữ mức độ tăng nhẹ trước khi các nhà sản xuất hàng đầu như Shagang thông báo chính sách giá mới vào thứ Năm tới đây.
Hồi đầu tháng 11, Shagang đã không thay đổi giá thép cây HRB335 ở mức 4.350 NDT/tấn, nhưng tại thị trường giao ngay ở Hangzhou, sản phẩm của nhà sản xuất này đã tăng lên 4,650 NDT/tấn kể từ ngày 01/11. Thị trường kỳ vọng Shagang sẽ nâng giá xuất xưởng để phù hợp với đà tăng của giá thép giao ngay.
Nhật Bản hướng đến kỷ lục xuất khẩu thép trong năm nay
Trong năm nay, xuất khẩu thép của Nhật Bản có thể đạt kỷ lục 40 triệu tấn bất chấp sự mạnh lên của đồng Yên làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo dữ liệu của Hiệp Hội Gang Thép Nhật Bản (JISF) công bố tuần trước cho thấy tổng sản lượng xuất khẩu thép của nước này trong 09 tháng đầu năm 2010 đạt 32,7 triệu tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý Hai và quý Ba đã thiết lập kỷ lục nữa năm cao chưa từng thấy-21,6 triệu tấn.
Dựa trên số liệu xuất khẩu từ tháng 01 đến tháng 09, cho thấy khả năng tổng xuất khẩu thép của Nhật có thể đạt 39,2 triệu tấn từ con số 34,4 triệu tấn của năm 2009. Trong đó bao gồm cả 3,8 triệu tấn bán thành phẩm có giá trị thấp như phôi tấm và phôi thép. Trong đó, xuất khẩu phôi thép mạnh nhất sang thị trường Hàn Quốc.
Đáng chú ý hơn, dữ liệu xuất khẩu thép cuả Nhật Bản còn cho thấy xuất khẩu thép chuyên biệt và thép không gỉ đạt giá trị cao đột biến. Trong 09 tháng đầu năm, tổng sản lượng xuất khẩu hai loại trên đạt mức 5,85 triệu tấn, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2009.
Tuy nhiên đồng USD yếu hơn đồng Yên đã ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các nhà sản xuất Nhật Bản do xuất khẩu chủ yếu được trả bằng USD.
Đầu tháng này, Bộ kinh tế, công nghiệp và thương mại trong một dự báo về sản sản lượng thép trong quý Bốn, đã ước tính xuất khẩu thép của Nhật trong quý hiện tại sẽ đạt 6,8 triệu tấn, tăng 1,4 % so với quý Ba nhưng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái do bất lợi về tỉ giá.
Thị trường thép cuộn Ai Cập uể oải trước thềm lễ ăn mặn
Thời điểm lễ ăn mặn ở quốc gia đạo hồi Ai Cập đang đến gần, khiến nhu cầu thép cuộn ở nước này rất thấp.
Hiện thép cuộn cán nóng HRC của nhà sản xuất lớn nhất Ezz Steel có giá bán trong nước khoảng 650 USD/tấn. Theo một số nguồn tin, Ai hiện chính phủ có nhiều dự án xây dựng, nên nhu cầu thép khả năng sẽ tăng sau lễ ăn mặn.
Còn về nhập khẩu, các thương nhân Ai Cập không mấy mặn mà dù giá rẻ hơn vì thị trường hầu như sẽ ngừng giao dịch cho đến cuối tháng 11.
Hiện chào giá HRC của CIS vào Ai cập chỉ 600-620 USD/tấn cfr.
Thép cuộn tại Mỹ hướng đến chiều hướng tăng giá
Giá thép cuộn của Mỹ đã ổn định do khả năng Several sẽ nâng giá bán.
Tuần rồi, Several cho hay hoặc giảm giá hoặc sẽ nâng giá từ 30-40 USD/tấn short, nhưng theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, xác xuất nâng giá bán của nhà sản xuất này là cao hơn cả.
Trên thị trường giao ngay, giá HRC dao động từ 550-570 USD/tấn short, CRC có giá 650-680 USD/tấn short và HDG là 710-740 USD/tấn short.
Một khách hàng ở vùng trung tây nói rằng, tôi thấy đà giảm đã chấm dứt và hướng đến sự ổn định, tôi khẳng định giá sẽ tăng trong tuần tới, bởi chẳng có yếu tố nào có thể đẩy giá giảm trở lại khi mà giá phế tăng, xuất khẩu ưu tiên vì đồng USD đang yếu.
Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất ở Mỹ gần đây tạm ngưng sản xuất, dẫn đến nguồn cung có thể eo hẹp hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ không màng đến thép cuộn nhập khẩu
Thị trường thép cuộn tại Thổ Nhĩ Kỳ được đảm bảo nguồn cung bởi các nhà sản xuất trong nước mà giá lại phải chăng hơn, nên các nhà nhập khẩu nước này không màng đến hàng ngoại nhập.
Một thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ nói, thép cuộn sản xuất trong nước đang chiếm lĩnh thị trường, còn hàng ngoại sẽ được nhập trở lại khi nào đủ sức cạnh tranh về giá và các nhà sản xuất trong nước ưu tiên cho xuất khẩu.
Chi nhánh Galati của ArcelorMittal ở Romania thông báo đóng cửa một lò đốt ít nhất trong hai tháng do thiếu nhu cầu từ thị trường, nhất là khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện, các nước khối CIS đang chào bán HRC vào Thổ Nhĩ Kỳ với giá 630-635 USD/tấn cfr, trong khi giá xuất xưởng của các nhà sản xuất trong nước thấp hơn là 620-630 USD/tấn.
Phôi nhập khẩu vào Đông Nam Á tăng giá
Một thương nhân Thái Lan cho biết, hiện giá phôi nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á đã tăng kể từ tuần trước, và đơn chào mới có giá thấp nhất cũng đã là 585-590 USD/tấn cfr.
Tuần rồi, Philippines đã nhập khôi từ Hàn Quốc với giá 580 USD/tấn cfr, cao hơn 20 USD/tấn so với giá nhập cách đây hai tuần. Một thương nhân địa phương nói rằng nếu như khách hàng Philippines vẫn giữ ổn định lực mua, các nhà cung cấp Hàn Quốc sẽ nâng giá lên 565 USD/tấn cfr. Khả năng Philippines đã nhập khoảng 20.000 tấn phôi.
Cũng trong tuần qua, Thái Lan đã đặt mua 40.000 tấn phôi giao vào tháng 12, trong đó gồm 10.000 tấn phôi từ Biển Đen với giá 575 USD/tấn cfr. Còn hiện, rất nhiều nhà nhập khẩu ở nước này đang cố gắng thương lượng với các nhà cung cấp về giá giao dịch ở mức 555-560 USD/tấn cfr. Cách đây ba tuần, Thái Lan nhập khẩu phôi của Nga với giá 540-550 USD/tấn cfr và nhập khẩu từ Philippines là 555 USD/tấn cfr.
Tuần rồi, Việt Nam cũng đã tái xuất khẩu phôi nhập từ Hàn Quốc với giá 580-585 USD/tấn cfr sang các nước Đông Nam Á, tuy nhiên vẫn chưa có nơi nào chào mua vì cao hơn từ 20-25 USD/tấn so với giá nhập khẩu gốc từ Hàn Quốc.
Trong cuộc họp tuần rồi, Hiệp hội Ngành Thép Thái Lan đã quyết định nâng giá thép cây trong nước. Trong đó, thép cây có trọng lượng lý thuyết có giá xuất xưởng mới được nâng lên 20,5 baht/kg, tương đương với 691 USD/tấn, chưa thuế, tăng từ mức 20 baht/kg trước đó. Còn thép cây trọng lượng thực tế, giá sẽ được lên 19,3 baht/kg mức 18,8-19 baht/kg trước đó.
Theo thương nhân nước này, việc nâng giá là do chi phí sản xuất đầu vào hơn hơn, trong đó phôi và phế liệu đều tăng.
Các nhà xuất khẩu muốn nâng giá xuất khẩu thép cây vào Singapore
Các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm đến việc nâng giá xuất khẩu thép cây vào Singapore lên 630 USD/tấn cfr từ mức 600-610 USD/tấn cfr cuối tháng 10 sau khi giá phế liệu tăng và USD giảm.
Mặc dù Hàn Quốc hiện chưa đưa ra giá chào, nhưng giới thương nhân Singapore nói khả năng các nhà sản xuất của nước này cũng sẽ nâng giá bán lên 630 USD/tấn cfr vào cuối tháng này. Tháng trước, các đơn nhập thép cây từ Hàn Quốc có giá dưới 600 USD/tấn cfr.
Một thương nhân địa phương đã nói, hiện vẫn chưa có đơn đặt hàng nhập khẩu mới nào được báo cáo, nhưng tôi tin nếu có đơn đặt hàng thì giá cũng vào khoảng 625 USD/tấn cfr do nhu cầu tăng cường dự trữ cho tháng 01 và 02 năm tới tăng.
Một thương nhân khác cho hay, giá thép cây tại Singapore đã tăng nhanh trong 10 ngày qua và hiện đang ở mức 653-661 USD/tấn dù nhu cầu vẫn yếu.