Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bản tin thế giới ngày 11/5/2010

 Giá phế liệu của Pakistan giảm mạnh do thiếu lực cầu

 

Giá phế liệu của Pakistan từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh do tình trạng thiếu ổn định trong sản xuất.

 

Tại thị trường nội địa, phế liệu có thể cán lại hiện được chào bán với giá 44.000 – 45.000 PKR/tấn (525 – 537 USD/tấn), giảm 5.000 – 9.000 PKR/tấn (95 – 107 USD/tấn) so với tháng trước. Phế liệu loại HMS 1&2 80:20 hiện cũng đang được bán với giá 33.000 – 34.000 PKR/tấn, thấp hơn từ 4.500 – 5.500 PKR/tấn so với tháng rồi.

 

Các thương nhân cũng như các nhà cung cấp cho biết thị trường phế liệu hiện đang hướng theo xu hướng giảm giá, nguyên nhân chính là do giá phế liệu trên thị trường thế giới giảm, cũng như thị trường địa phương còn nhiều bất ổn và thiếu điện sản xuất.

 

Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng từ các đầu mối tiêu thụ khá ảm đạm vì hầu hết mọi người vẫn cố chờ thêm diễn biến giá cả rõ ràng hơn. Theo đánh giá của một một thương nhân, triển vọng thị trường trong tương lai gần chưa có gì sáng sủa, thay vào đó vẫn chịu nhiều áp lực giảm giá.

 

 

Sản lượng thép không gỉ của Trung Quốc tăng mạnh

 

Trong quý Một vừa qua, sản lượng thép thô không gỉ của Trung Quốc đạt 2,44 triệu tấn, tăng 38% so với quý Một năm 2009, theo Hiệp hội các nhà sản xuất thép chuyên biệt Trung Quốc cho biết.

 

Thép không gỉ austenitic Chrome/nickel trong quý Một đạt 1,24 triệu tấn, mặc dù chỉ tăng 0,2% so với quý Tư năm 2009 nhưng đã tăng 51% so với cùng kỳ quý Một năm 2009.

 

Trong đó sản lượng thép không gỉ mạ crom loại 400-series tăng 25% so với quý Tư năm ngoái và cũng tăng 33% so với cùng kỳ quý Một năm 2009, đạt 801.000 tấn. Còn sản lượng thép không gỉ chrome-manganese loại 200-series trong quý Một năm nay đạt 393.200 tấn, tăng 10% so với quý Tư năm 2009 và cũng tăng 16% so với cùng kỳ quý Một năm ngoái.

 

Tổng sản lượng nhập khẩu thép không gỉ trong quý Một được báo cáo tăng 13%, đạt 35.800 tấn, trong khi xuất khẩu mặt hàng này đạt 280.100 tấn từ mức 177.100 tấn của quý Một năm 2009.

 

Các công ty sản xuất thép không gỉ cho biết nhờ nhu cầu tăng mạnh từ các ngành công nghiệp ứng dụng điện, xây dựng và ô tô. Ngoài ra, nhu cầu các sản phẩm thép không gỉ tăng cao còn do người mua e ngại giá nickel sẽ chưa ngừng lên giá, nên đẩy mua hàng vào.   

 

SBB cũng cho biết sản lượng thép không gỉ của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục còn tăng trong quý Hai năm nay do các nhà máy thực hiện sản xuất 100% công suất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.

 

Giá thép ống và thép tuýp của UAE ổn định kể từ giữa tháng 04

 

Theo nguồn tin từ Steel Business Briefing, thị trường thép ống và thép tuýp của các nước Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất EAE trong tuần này vẫn khá yên ắng, nhưng giá cả vẫn duy trì ổn định từ giữa tháng 04.

 

Thép ống hàn cán nóng đường kính từ 0,5 – 4 inch và bề dày từ 2,5 – 3,8 mm hiên đang được bán với giá 2.900 – 2.950 AED/tấn (788 – 802 USD/tấn). Còn đối với thép ống bản dày từ 1,2 – 2 mm có cùng đường kính như trên có giá bán dao động từ 3.250 – 3.450 AED/tấn.

 

Ống thép rỗng cũng có giá duy trì ổn định kể từ giữa tháng 04. Cụ thế, loại thép ống rỗng 50x100mm, bản dày từ 2,5 – 3,8 mm có giá là 2.950 – 3.000 AED/tấn. Loại có bản dày từ 1,2 – 2 mm nhưng có cùng đường kính như trên có giá bán là 3.250 – 3.500 AED/tấn.

 

Các nhà sản xuất cho biết, kể từ đầu tháng 05 đến nay, hoạt động giao dịch tồi tệ hơn vì vắng bóng các khách hàng lớn trên thị trường, thậm chí nhiều thương nhân không đả động đến việc gom thêm hàng dù dự trữ trong kho đã cạn vì tất cả họ đang chờ đợi xu hướng giá.

 

Theo một nhà sản xuất thép ống cho biết, tình hình tiêu thụ thép chậm như hiện nay, nhiều nhà máy sẵn sàng đưa ra các mức chào bán mới thấp hơn.

 

Xuất khẩu phôi thép của Thô Nhĩ Kỳ đã tăng mạnh trong tháng 04.

 

Theo nguồn tin khai thác của Steel Business Briefing từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu thép Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu phôi thép của nước này trong tháng 04 đạt 300.000 tấn, tăng so với mức 260.000 tấn trong tháng 03 và tăng mạnh so với mức 66.000 tấn trong tháng 04 năm 2009.

 

Tổng cộng trong bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu phôi thép của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 954.000 tấn, gần gấp 3 lần so với mức 365.000 tấn xuất khẩu bốn tháng đầu năm ngoái.

 

Thị trường xuất khẩu phôi thép chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 04 phải kể đến Ai Cập với khối lượng 68.198 tấn, Libya là 49.429 tấn, Ả Rập Saudi là 55.000 tấn, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất UAE 42.599 tấn và Thái Lan là 38.105 tấn.

 

Giá fob xuất khẩu bình quân của Thổ Nhĩ kỳ trong tháng 04 là 527 USD/tấn.

 

Nhập khẩu thép cán phẳng của ý tăng 42% trong tháng 04

 

Theo nguồn tin từ Steel Business Briefing, nhập khẩu các sản phẩm thép cán phẳng của Italia trong tháng 04 đã tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 255.000 tấn.

 

Trong đó, nhập khẩu thép cuộn cán nóng trong tháng 04 tăng 51,7% so với tháng 04/2009, đạt 170.000 tấn. Nhập khẩu thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng cũng tăng mạnh 138,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 31.000 tấn. Còn nhập khẩu các sản phẩm mạ hữu cơ cũng tăng 38,5% lên 18.000 tấn.

 

Tuy nhiên, nhập khẩu thép cuộn cán nguội lại giảm 6,9%, đạt 27.000 tấn và tôn cũng giảm 25% xuống còn 9.000 tấn.

 

Nga và Trung Quốc vẫn là hai thị trường nhập khẩu các sản phẩm thép cán phẳng của Italia, trong đó nhập khẩu từ Nga tăng 46%, đạt 58.000 tấn và nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 39%, đạt 51.000 tấn.

 

 

Các nhà sản xuất thép của Mỹ tăng sản lượng và công suất hoạt động

 

Theo số liệu của Viện Sắt – Thép Mỹ (AISI), công suất hoạt động của các nhà sản xuất thép trong nước trong tuần kết thúc vào ngày 08/05 đạt tỉ lệ 73,4% với sản lượng 1,78 triệu short tấn, tăng 1,3% so với tuần trước đó.

 

Sản lượng của 05 trong 08 khu vực thuộc AISI vẫn duy trì đà tăng, trong đó các khu vực ở miền nam tuần qua tăng mạnh nhất là 33.000 short/tấn, trong khi ở những vùng khác như Indiana/Chicago lại giảm mạnh nhất là 22.000 short tấn.

 

Như vậy kể từ đầu năm đến ngày 08/05, sản lượng đã tăng hơn 30,6 triệu short tấn và công xuất hoạt động bình quân của các nhà máy là 69,2%. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, sản lượng chỉ đạt 18,5 triệu short tấn và công suất bình quân đạt 42,5%, theo  AISI.

 

 

 

 

Erdemir tăng giá bán thêm 20 – 50 USD/tấn trong tháng 05

 

Erdemir, nhà sản xuất thép lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đã tăng giá bán đối với các sản phẩm thép thêm 50 USD/tấn và có hiệu lực kể từ ngày 10/05.  

 

Giá thép cuộn cán nóng HRC cơ bản trước đó là 720 USD/tấn, nhưng bảng giá mới sẽ được công bố khác nhau tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm và địa phương nơi sản xuất.

 

Còn giá thép cuộn cán nguội CRC trước đó có giá 800 USD/tấn và hiện được nâng lên 850 USD/tấn. Thép cuộn cứng cán nguội CRF có giá mới là 830 USD/tấn, tăng từ mức 780 USD/tấn. Thép cuộn HDG cũng được nâng lên mức 870 USD/tấn từ mức giá cũ 820 USD/tấn.

 

Tôn thiếc dạng cuộn có giá mới là 1.200 USD/tấn và dạng tấm là 1.240 USD/tấn. Thép tấm cán nóng là 850 USD/tấn, tất cả đều tăng 50 USD/tấn so với giá bán trước.

 

Các thương nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Erdemir sẽ còn nâng giá bán lên từ 30 -40 USD/tấn nữa do mức giá hiện tại thấp hơn so với giá bán thế giới. Hiện nhu cầu thị trường vẫn yếu nên sự thay đổi giá này không tác động nhiều đến thị trường, theo các nhà giao dịch.

  

Nhu cầu thép cuộn cán nóng HRC ở Trung quốc yếu đi

 

Do bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt nhà ở của chính phủ, nên nhu cầu thép cuộn cán nóng HRC tại thị trường nội địa Trung Quốc đã yếu dần kể từ giữa tháng 04. Nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài đối với mặt hàng này từ Trung Quốc cũng giảm đáng kể từ cuối tháng 04.

 

Một số người sợ rằng nguồn hàng HRC tại thị trường trong nước sẽ dư thừa quá mức nếu như nhu cầu trong nước và cả nước ngoài chưa có dấu hiệu cải thiện trong thời gian tới.

 

Cũng theo nguồn tin của Steel Business Briefing, hầu hết các thương nhân đang có xu hướng giảm đáng kể các đơn đặt hàng từ các nhà máy trong tháng 05 này, nhằm nỗ lực hạn chế tối thiểu mức độ rủi ro của thị trường khi giá cả đang bất ổn như hiện nay.

 

Bù lại việc giảm đơn hàng từ các thương nhân, các nhà máy lại đang tích cực vận chuyển hàng cho các đại lý, một nỗ lực để duy trì khối lượng đơn đặt hàng từ giới thương nhân. Trong đó, Anshan Iron & Steel đã quyết định tăng khối lượng vận chuyển hàng đến các đại lý trong tháng 05 lên mức 60% thay vì khoảng 40 – 50% như trong tháng 03 và 04.

 

Mặc dù giá chào bán thép cuộn cán nóng HRC đến các thị trường nước ngoài vẫn duy trì ở mức 660 – 680 USD/tấn fob, nhưng đơn đặt hàng lại thấp hơn so với tháng 03 và đầu tháng 04 do các đầu mối tiêu thụ đã trữ đủ hàng từ trước đó.

 

Giới quan sát thị trường cho biết, tình hình thị trường HCR tại Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của khác hàng nước ngoài.

  

Steel Index - Thép cuộn CR ở châu Âu tăng trong khi Mỹ ổn định

 

Theo bảng báo giá mới nhất từ Steel Index, giá thép cuộn CR ở một số nơi trên thế giới tuần này tăng mạnh, trong khi những nơi khác không có nhiều biến động so với tuần trước.

 

Tại Bắc Âu, thép cuộn cán nguội CRC tuần này có giá xuất xưởng tăng 4,8% lên 660 EUR/tấn (854 USD/tấn), trong khi thép cuộn HRC và HDG cả hai không có gì thay đổi nhiều so với giá bán tuần trước. Thời hạn giao hàng HRC không thay đổi là 8 tuần, nhưng thời hạn giao hàng CRC và HDG ngắn hơn so với tuần trước.

 

Tại Nam Âu, giá CRC cũng tăng khoảng 20 EUR/tấn so với tuần trước. HDG cũng có giá bán tăng nhẹ và hiện ở mức 679 EUR/tấn (879 USD/tấn). Thời hạn giao hàng CRC được kéo dài hơn, HRC và HDG, thời gian giao hàng rút ngắn xuống lần lượt là 4,1 và 5,3 tuần.

 

Còn HRC của Mỹ theo báo giá của nhà máy FOB Midwest hiện ở mức 695 USD/short tấn (766 USD/tấn), giá bán CRC và HDG vẫn duy trì ổn định. Thời hạn giao hàng bình quân đối với HDG được rút ngắn so với tuần trước, còn thời hạn giao hàng HRC là 5,7 tuần và CRC là 7,3 tuần.

 

Tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, giá HRC xuất xưởng cũng tăng 3 USD/tấn so với tuần trước, hiện ở mức 731 USD/tấn. Thép cuộn CRC không thay đổi. Thời hạn giao hàng đối với HRC và HDG dài hơn là 3,3 và 4 tuần.

 

 

Giá phế liệu nhập khẩu của Ấn Độ giảm trong tuần qua

 

Do lực mua yếu, nên giá nhập khẩu phế liệu vào Ấn Độ đã giảm trong tuần qua.

 

Phế liệu HMS1&2 (80:20) nhập khẩu từ Mỹ và Anh tuần rồi có giá dao động từ 390 – 400 USD/tấn cfr, giảm so với mức dao động 400 – 410 USD/tấn của tuần cuối cùng trong tháng 04. Phế liệu vụn tùy vào chất lượng, số lượng, nguồn gốc và cảng đến mà có giá dao động từ 390 – 440 USD/tấn, giảm từ mức dao động 430 – 450 USD/tấn cfr vào cuối tháng 04.

 

Theo nguồn tin từ Steel Business Briefing, 500 tấn phế liệu HMS1&2 80:20 xuất xứ từ Dubai được bán cho các thương nhân Ấn Độ với giá 390 USD/tấn cfr vào ngày hôm qua. Các thương nhân kỳ vọng rằng, số phế liệu họ nhập này sẽ bán lại cho các nơi tiêu thụ cuối cùng trong nước sẽ có giá khoảng 400 – 405 USD/tấn cfr.

 

Cũng theo nguồn tin khác của SBB, khoảng 2.000 tấn phế liệu 80:20 nhập khẩu từ Mỹ đến các công ty sản xuất thép có giá là 360 USD/tấn. Đại diện của một công ty sản xuất thép Ấn Độ phát biểu với SBB rằng, do lượng dự trữ phế liệu của các thương lái quốc tế quá cao, nên họ nhanh chóng muốn đẩy hàng đi với giá rẻ hơn như vậy.

 

Bình quân, các đơn hàng nhập khẩu phế liệu 80:20 ở Ấn Độ có giá dao động từ 370 – 390 USD/tấn cfr, còn hàng phế liệu vụn thường có giá từ 390 – 410 USD/tấn.

 

SBB cũng cho biết, gần đây công ty Ispat Industries của Ấn đã từ chối nhập khẩu phế liệu vụn có nguồn gốc từ Dubai vì giá chào bán quá cao từ 427 – 430 USD/tấn cfr.

  

Shagang ngừng nhập khẩu quặng sắt do giá tăng cao

 

Shagang, nhà sản xuất thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã ngừng nhập khẩu quặng sắt do giá leo thang lên mức quá cao.

 

Shen Wenrong, Chủ tịch điều hành của tập đoàn Shagang Steel Group phát biểu với các hãng tin địa phương rằng giá quặng sắt nhập khẩu đã leo thang quá mức, không thể chấp nhận được, vì vậy công ty buộc phải ngưng nhập khẩu để chờ thêm thời gian nữa.

 

Ông Shen cũng nói thêm, Shagang sẽ không nhập hàng nếu giá vượt khỏi mức 170 USD/tấn cfr. Theo nguồn tin từ SBB, giá quặng hàm lượng sắt 62% tại cảng Thiên Tân nhập từ Ấn Độ trong tuần trước có giá 175 USD/tấn cfr.

 

Cũng theo xác nhận của một quan chức thuộc công ty giao dịch Shagang International Trading Ltd, Shagang dù không hề nhập thêm quặng sắt trong thời gian gần đây, nhưng không có chuyện Shagang giảm sản lượng, mà trái lại sản lượng thép của công ty này vẫn duy trì ổn định nhờ dự trữ quặng vẫn còn trong kho, cũng như thu gom nguồn hàng quặng trong nước.

 

Tuy nhiên, một thương nhân ở Thưởng Hải cho biết, Shagang chỉ là trường hợp ngoại lệ, còn hầu hết các công ty khác lại không có đủ nguồn quặng để duy trì sản xuất, nên phải nhập khẩu dù biết trước sẽ phải chịu lỗ. Theo dự báo, giá quặng nhập khẩu sẽ vẫn còn tăng trong thời gian tới vì nhu cầu từ Trung Quốc vẫn mạnh, nhiều khả năng Shagang cũng sẽ sớm nâng giá bán lên.