Giá HDG xuất khẩu TQ tiếp tục giảm tuần qua
Giá thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng xuất khẩu của Trung Quốc đã đi xuống trở lại trong tuần qua do sức mua từ nước ngoài chậm hơn.
Theo đó, giá HDG 1mm giao dịch trong tuần rồi chỉ còn 680-685 USD/tấn fob cuối tuần giao cuối tháng 5 và tháng 6, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước đó.
“Chúng tôi cũng chiết khấu để đẩy mạnh doanh số bán”, một giám đốc xuất khẩu của một nhà máy ở Đường Sơn cho hay. Tuy nhiên nhà máy sẵn sàng thương lượng về giá cho những khách hàng đặt mua số lượng lớn.
Hiện Trung Quốc vẫn đang chào giá HDG ở mức 690-700 USD/tấn fob giao cuối tháng 5 và tháng 6, giảm 10 USD/tấn so với tuần trước đó. Một số nhà xuất khẩu nói rằng giá sẽ không còn cơ hội giảm nhiều nữa vì chi phí sản xuất đầu vào đã tăng cao.
Tại thị trường nội địa, HDG 1mm tại Thượng Hải có giá giao dịch trong ngày cuối tuần ở mức 4.830-5.030 NDT/tấn (773-805 USD/tấn), giảm 20 NDT/tấn so với ngày thứ Năm trước đó và giảm 40-80 NDT/tấn so với tuần trước đó.
Giá thép cây miền bắc TQ giảm nhẹ, giao sau giảm mạnh
Giá thép cây giao ngay tại miền bắc Trung Quốc đã giảm nhẹ trong ngày đầu tuần, trong khi đó giá thép giao dịch kỳ hạn lại giảm mạnh đến 2,6% do thất vọng về số liệu kinh tế không như mong đợi.
Theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý Một năm nay chỉ đạt 7,7%, thấp hơn mức 7,9% trong quý Tư 2012.
Do đó, giá thép cây HRB400 18-25mm do Hebei Iron & Steel (Hegang) sản xuất đã phản ứng giảm nhẹ 10 NDT/tấn (2 USD/tấn) so với ngày thứ Sáu cuối tuần xuống còn 3.600-3.620 NDT/tấn (582-584 USD/tấn) đã gồm VAT 17%.
Các nhà kinh doanh trước đó đã nâng giá bán thì cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm trở lại để thu hút người mua.
Trên thị trường giao sau, thép cây giao tháng 10 tại Sàn Thượng Hải đã trượt 2,61% xuống còn 3.738 NDT/tấn (604 USD/tấn), tức giảm 100 NDT/tấn (16 USD/tấn) so với thứ Sáu tuần trước.
Wugang hạ giá thép dẹt tháng 5
Nhà sản xuất Wuhan Iron & Steel (Wugang) ở miền trung Trung Quốc thông báo sẽ hạ giá thép cuộn cán nóng 200 NDT/tấn (32 USD/tấn) trong tháng 5 và thép cuộn cán nóng 240 NDT/tấn.
Sau điều chỉnh, HRC Q235 5.5mm của Wugang được điều chỉnh xuống 3.890 NDT/tấn (đã gồm VAT) và CRC SPCC 1.0 còn 4.420 NDT/tấn (chưa gồm VAT).
Bên cạnh đó, Wugang cũng sẽ hạ thép tấm 100 NDT/tấn, đồng thời hạ giá thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG DX51 và DX52 200 NDT/tấn, và hạ HDG DX53 là 240 NDT/tấn. Còn các sản phẩm khác như tấm mạ màu, tấm silicon không có gì thay đổi so với tháng trước.
Việc hạ giá của Wugang diễn ra như kỳ vọng của thị trường nên ít tác động đến thị trường giao ngay.
Tuy nhiên, Cục thống kê quốc gia (NBS) mới đây báo cáo về tăng trưởng DGP của Trung Quốc trong ba tháng đầu năm nay chỉ đạt 7,7%, giảm từ mức 7,9% trong quý cuối cùng của năm 2012. Trong khi đó sản lượng thép thô bình quân theo ngày trong tháng 3 đạt 2,139 triệu tấn/ngày, đã gây áp lực lên giá HRC trong ngày thứ Hai đầu tuần.
Theo đó, thép cuộn cán nóng HRC Q235 5.5mm tại Thượng Hải đã giảm còn 3.800-3.820 NDT/tấn và tại Lecong (Quảng Đông) giá còn 3.850-3.860 NDT/tấn. Cả hai đã có VAT và mất lần lượt 40 NDT/tấn và 50 NDT/tấn so với ngày thứ Sáu tuần trước.
Một số thương nhân nói rằng tăng trưởng DGP của Trung Quốc chậm lại trong quý Một năm nay cho thấy nhu cầu thép đã bị ảnh hưởng như thế nào, tuy nhiên các nhà máy Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sản lượng ở mức cao, điều này đã kìm hãm sự phục hồi của giá thép.
Về tồn kho HRC cũng đã bắt đầu tăng trở lại. Theo các nguồn tin thị trường, tồn kho HRC tại Thượng Hải tăng 40.000 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 12/04 lên mức 1,1 triệu tấn.
Sản lượng thép thô Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng 3
Sản lượng thép thô Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đạt tổng cộng 66,3 triệu tấn, tương đương với mức bình quân theo ngày 2,139 triệu tấn/ngày, giảm 3,15% so với mức kỷ lục 2,208 triệu tấn/ngày trong tháng 2. Đây là số liệu do Viện thống kê quốc gia cung cấp.
Tổng sản lượng thép thô Trung Quốc trong ba tháng đầu năm là 191,89 triệu tấn, tương đương với mức sản xuất bình quân theo ngày là 2,132 triệu tấn/ngày, tăng 10,3% so với bình quân theo ngày trong ba tháng đầu năm ngoái.
Các nhà tham gia thị trường nói rằng sản lượng giảm được cho là do giá thép trong nước đi xuống trong tháng 3, dẫn đến một số nhà sản xuất điều chỉnh sản lượng. Tuy nhiên họ cũng cho rằng ở mức trên thì sản lượng vẫn cao trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ngày một yếu hơn.
Một báo cáo khác từ Hiệp hội gang thép Trung Quốc (CISA) cho biết tồn kho thép tại các nhà máy và trên thị trường khá cao cho thấy cung-cầu vẫn chênh lệch nhiều. Theo đó, mức tồn kho của các thành viên trong hiệp hội tính đến 10 ngày cuối tháng 3 dù đã giảm 5,7% so với 10 ngày giữa tháng xuống 13,71 triệu tấn, nhưng con số này vẫn ở mức cao thứ hai sau kỷ lục.
Trong đó, tồn kho của 5 sản phẩm chính gồm thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội, thép tấm và cuộn trơn tại các thành phố lớn của Trung Quốc chiếm 22 triệu tấn vào cuối tháng 3, giảm 2,5% so với giữa tháng, nhưng lại tăng 61% so với đầu tháng 1.
Mới chỉ có vài nhà máy là đã thực hiện việc bảo trì các lò đốt từ đầu năm nay, như Benxi Iron & Steel, Jiuquan Iron & Steel, Shagang and Tiantie. Điều này cho thấy các nhà máy ở Trung Quốc vẫn rất chăm chỉ sản xuất vì giảm sản lượng đồng nghĩa với việc đánh mất thị phần.
Nhật Bản đặt mục tiêu nâng giá phôi xuất khẩu
Một số nhà máy Nhật Bản đang hy vọng đồng Yên suy yếu sẽ giúp họ nâng giá phôi xuất khẩu, đặc biệt đối với cách khách đến từ Đông Nam Á. Hiện có nhiều nhà máy sản xuất hồ quang điện đang nỗ lực tăng cường sản xuất để hưởng lợi xuất khẩu từ đồng Yên mất giá.
Theo số liệu thống kê từ Hải quan, xuất khẩu phôi thép của Nhật trong tháng 2 đạt 130.936 tấn, giảm 12% so với tháng Giêng nhưng tại tăng 187,5% so với tháng 2/2012.
Giám đốc bán hàng từ một nhà máy ở Hokuriku, vùng duyên hải Nhật bản cho biết giá xuất khẩu hiện nay của nhà máy không có lãi, nhưng cũng may là không lỗ. Nhà máy đang nỗ lực đẩy mạnh cho xuất khẩu, do đó sẽ sản xuất số lượng kinh tế nhất có thể.
Người này cũng nói thêm rằng, các đơn hàng đặt mua phôi thép của khách hàng đã tăng từ đầu năm nay, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Indonesia. Chúng tôi đang nhắm đến mục tiêu xuất khẩu phôi vào khu vực này từ 520-530 USD/tấn fob, nhưng không biết có đạt được mục tiêu này hay không”. Hiện nhà máy đang sản xuất các loại phôi bao gồm SD295A, SD345, SD390 và SD490 khổ từ 130mm-150mm.
Một giám đốc bán hàng khác của một nhà máy ở vùng Kanto cũng bày tỏ ý định sẽ tập trung mạnh cho xuất khẩu phôi, nhưng cũng sợ giá phế còn tăng nữa nên việc quyết định giá sẽ bị hố. Do vậy chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình giá phế cũng như tỉ giá hối đoái của đồng Yên để đưa ra mức giá phù hợp nhất. Chúng tôi sẽ duy trì xuất khẩu phôi cho đến khi nào nhu cầu thép xây dựng trong nước thật sự hồi phục.
Nhà máy Itoh Iron & Steel ở vùng Kanto đã khởi động xuất khẩu phôi thép trở lại lần đầu tiên kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011, và khách hàng không ai khác là Việt Nam đã đặt mua trong tháng rồi.