Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bản tin thế giới ngày 17/11/2010

CISA – giá thép sẽ bất ổn hai tháng cuối năm

Hiệp Hội Gang Thép Trung Quốc (CISA) nhận định trong bản báo cáo mới đây nhất về thị trường rằng, sự biến động về giá thép từ đây đến cuối năm là không thể tránh khỏi bất chấp về cả dự trữ lẫn sản lượng đã giảm trong tháng 10.

Theo nguồn dữ liệu từ CISA, tổng lượng tồn thép cây, thép cuộn, thép cuộn cán nóng, thép tấm, thép cuộn cán nguội tại các thị trường của 26 thành phố lớn của Trung Quốc cuối tháng 10 là 14,56 triệu tấn, giảm 1,3%, tức 190.000 tấn so với cuối tháng 09.

Trong đó, tồn thép cây, thép cuộn trong tháng 10 giảm lần lượt là 7,55% và 1,12% so với tháng 09, nhưng thép cuộn cán nóng HRC tăng 1,3% so với tháng 09. Nhưng kể từ đầu tháng 11, lượng tồn HRC đã bắt đầu xuống thấp sau khi giảm 20.000 tấn tại Thượng Hải và Lecong vào tuần trước.

Dù vậy, lượng tồn kho này vẫn ở mức khá cao. Nhu cầu trong nước được dự đoán yếu hơn trong 02 tháng cuối năm do sắp đến mùa đông, vì vậy nguồn cung sẽ vẫn dồi dào gây biến động lên giá.

SBB cho hay, giá thép trong nước bắt đầu trượt từ cuối tuần trước do hoạt động thu mua trên thị trường diễn ra chậm chạp sau khi giá tăng mạnh trên thị trường giao ngay vào hai tuần đầu tiên trong tháng 11.

 

Sản lượng thép không gỉ của Nhật tăng 4,4% trong tháng 09

Theo số liệu thống kê cho thấy, tổng sản lượng thép không gỉ của Nhật Bản trong tháng 09 là 257.618 tấn, tăng 4,4% so với tháng trước.

Trong đó, sản lượng thép không gỉ có thành phần chủ yếu là nickel tăng nhưng ngược lại thép không gỉ có thành phần chủ yếu là chrome thì giảm xuống.

Bên cạnh đó, tổng dự trữ thép không gỉ tính đến ngày 30/09 đạt 125.357 tấn, tăng 8,3% so với tháng 08.

Còn trữ lượng tồn thép chuyên biệt của Nhật trong tháng 09 là 3.456 tấn, tăng 9,1% so với tháng trước.

 

Tấm dày ở Bắc Âu tăng còn Nam Âu giảm nhẹ

Thị trường thép Bắc Âu cho thấy dấu hiệu phục hồi trở lại, tuy nhiên ở Nam Âu vẫn còn khá đìu hiu.

Do lượng thép tấm tồn tại thị trường Bắc Âu hiện ở mức thấp nên khả năng hoạt động thu mua sẽ bắt đầu sớm. Hiện giá thép tấm dày giao ngay là 670 EUR/tấn, tăng 10 EUR/tấn so với tháng trước.

Tuy nhiên, giao dịch thép tấm dày tại thị trường Nam Âu không sôi động như Bắc Âu. Hiện giá chào mặt hàng này ở mức 610 EUR/tấn, thấp hơn một chút so với mức giá chào của tháng trước.

 

Thị trường phế Trung Quốc ổn định dù Xingcheng hạ giá thu mua

SBB dẫn tin từ nguồn thị trường cho hay, quyết định hạ giá thu mua phế của Xingcheng Special Steel (Xingcheng), nhà sản xuất thép phía đông Trung Quốc, không làm ảnh hưởng đến giá phế trên thị trường.

Hôm 16/11, Xingcheng đã hạ giá thu mua phế 30 NDT/tấn (5 USD/tấn). Như vậy, hiện Xingcheng thu mua phế HMS (>6mm) với giá 3.150 NDT/tấn (474 USD/tấn), bao gồm phí vận chuyển tới các nhà máy và 17% VAT.

“Quyết định hạ giá thu mua của Xingcheng là do nhà sản xuất này không theo xu hướng giảm giá trên thị trường cả nước dù khối lượng dự trữ kho không còn nhiều,” một thương nhân tại Jiangsu nói. Hiện lượng phế tồn của Xincheng có thể chỉ còn khoảng 30.000 tấn.

Theo thương nhân này, giá phế tại thị trường Giang Tô chưa có dấu hiệu thay đổi kể từ thứ Sáu tuần trước bất chấp các nhà sản xuất lớn khác như Shagang đang tái dự trữ phế cho mùa đông. Nguyên nhân giá phế không tăng là do sự giảm giá thép gần đây đã làm hạn chế đà tăng giá phế thêm nữa.

Hiện phế HMS tại thị trường phía đông Trung Quốc vẫn ở mức 3.150-3.200 NDT/tấn, bao gồm 17% VAT.

 

Trung Quốc khám phá các mỏ quặng mới có trữ lượng 5 tỉ tấn

Theo báo cáo của Bộ tài nguyên và đất đai Trung Quốc tại hội nghị China Mining Congress & Expo, chính phủ đã tìm ra được 900 địa điểm có quặng với trữ lượng lên đến 5 tỉ tấn.

Cũng theo báo cáo, sản lượng khai thác quặng trong nước 09 tháng đầu năm nay đạt 780 triệu tấn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nickel hướng đến nguồn cung dồi dào vào 2013

Thị trường nickel đang hướng đến vấn đề dư nguồn cung vào 2013 do có nhiều dự án mới được triển khai và giá cả cũng sẽ điều chỉnh giảm theo.

Andrew Mitchell, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu Brook Hunt ở Addlestone nước Anh phát biểu trong hội nghị New Caledonia Nickel, chúng ta đang hướng đến lượng nguồn cung dồi dào nickel vào 2013 do các dự án khai thác bị trì hoãn trước đó được đưa vào khai thác trong năm này.

Nickel là kim loại đứng thứ hai về giao dịch mạnh nhất trong 06 kim loại tại Sàn giao dịch Kim loại London trong năm nay do nhu cầu từ các nhà sản xuất thép không gỉ khôi phục.

Tháng trước, Ngân hàng UBS AG cũng dự báo về nguồn cung nickel sẽ dồi dào hơn chút ít vào năm tới.

Ông Mitchell nhận định, giá có thể sẽ giảm xuống mức 6 USD/pound, tương đương với 13,224 USD/tấn hoặc 7 USD/pound vào 2013.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (16/11), giá nickel giao kỳ hạn ba tháng đóng cửa ở mức 22.190-22.195 USD/tấn, giảm 6% so với mức 23.620-23.625 USD/tấn hôm thứ Sáu cuối tuần trước.

 

Giá phế H2 xuất khẩu của Nhật tiếp tục tăng nhẹ

Giá phế xuất khẩu của Nhật Bản tăng nhẹ sau khi kết thúc phiên đấu giá quặng H2 xuất khẩu vào hôm qua 15/11 do nhóm kinh doanh phế Kansai Tetsugen ở Osaka tổ chức.

JFE Shoji đã thắng gói thầu 5.000 tấn H2 ở mức giá 29.620 Yên/tấn (357 USD/tấn) fas, cao hơn 120 Yên/tấn (1,4 USD/tấn) so giá thắng thầu trong cuộc đấu giá của Kanto Tetsugen được tổ chức hôm 10/11 tại Tokyo và gần bằng giá xuất khẩu hiện tại 30.000 Yên/tấn fob, một nhà kinh doanh phế liệu cho biết.

Cùng ngày, nhà sản xuất Tokyo Steel Manufacturing đã nâng giá thu mua phế liệu tại tất cả các nhà máy thêm 1.000 Yên/tấn (12 USD/tấn) áp dụng kể từ ngày 16/11.

Riêng tuần vừa rồi, Tokyo Steel đã nâng giá thu mua phế liệu 02 lần, lần đầu vào ngày 09/11 và lần hai là 12/2010, nhưng dù vậy khối lượng cung cấp cho nhà sản xuất này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng do trước đó các nhà sản xuất nhỏ hơn đã nâng giá thu mua để đảm bảo nguồn cung, do vậy Tokyo Steel lại phải điều chỉnh nâng giá thu mua thêm lần nữa. Tổng cộng Tokyo Steel đã nâng giá 3.000-4.000 Yên/tấn sau ba lần nâng giá kể từ tuần trước.

“Chúng tôi được biết các nhà sản xuất nhỏ hơn cũng đang nâng giá các đơn đặt hàng thép do khả năng thị trường sẽ tăng giá. Do đó các nhà sản xuất nhỏ sẽ nỗ lực điều chỉnh giá phế cao hơn dù nhu cầu thực vẫn yếu. Tuy nhiên, mức giá của các nhà sản xuất sẽ không quá nhiều, một thương nhân cho biết.

Giá thu mua phế H2 mới của Tokyo Steel tại thị trường Okayama và Utsunomiya là 32.000 Yên/tấn trong khi tại Kyushu và Takamatsu có giá lần lượt là 33.000 Yên/tấn và 30.000 Yên/tấn.

 

 

Cuộn trơn của Brazil ngừng giảm giá

Không giống như các sản phẩm thép dài khác, thép cuộn trơn của Brazil đã chấm dứt đà giảm và đang ở mức mà các nhà sản xuất có thể hài lòng kể từ sau khi chính phủ nâng thuế nhập khẩu lên 5%.

Hiện thép cuộn trơn có giá là 2.680 R/tấn (1.558 USD/tấn), bao gồm chi phí vận chuyển.

Việc chính phủ tăng đánh thuế nhập khẩu khiến hàng nhập khẩu trở lên đắt hơn so với hàng sản xuất trong nước. Nhưng do tình hình xây dựng ở Brazil đang chững lại nên các nhà sản xuất trong nước không thể nâng giá cho đến năm 2011.

Một nhà tham gia thị trường tin rằng giá thép cuộn trơn Brazil đã chạm đáy, vì vậy giá được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại vào quý Một năm sau.

 

Giá HRC của Mỹ sẽ tăng vào năm tới

Giá thép cuộn cán nóng HRC của Mỹ có vẻ như sẽ tăng vào năm tới mà khởi động từ mức giá hiện tại.

Tại hội nghị Thị trường thép toàn cầu (Global Steel Markets 2010) tổ chức vào thứ Ba tuần này tại New York, các tham luận viên đã dự báo giá giao dịch thép cuộn cán nóng HRC xuất xưởng của nhà máy Midwest sẽ điều chỉnh lên mức 600-700 USD/tấn short từ mức 555-575 USD/tấn short hiện tại.

Hầu hết các tham luận viên, trong đó có Josh Spoores, đại diện của Majestic Steel USA đều đồng ý thị trường thép của Mỹ đang hướng đến viễn cảnh giá sẽ bị đẩy lên cao do giá nguyên vật liệu tăng giá.

Duy nhất chỉ có Peter Marcus, đại diện của World Steel Dynamics khẳng định giá sẽ ổn định hoặc giảm.

 

Tiêu thụ thép xây dựng của Nga sẽ tăng 12% vào năm tới

Nhà khai khoáng kiêm sản xuất thép Evraz dự báo nhu cầu thép xây dựng của Nga sẽ tăng 12% lên mức 7,7 triệu tấn vào năm 2011 và sẽ là 10,1 triệu tấn vào 2014. Còn trong năm nay, theo ước tính sơ bộ, khả năng lượng tiêu thụ vào khoảng 6,9 triệu tấn. Năm ngoái, tiêu thụ thép xây dựng của Nga đạt 6,2 triệu tấn.

 

Nhu cầu quặng Trung Quốc giảm, nhưng giá nhập khẩu vẫn tăng

Nhu cầu quặng Ấn Độ tại thị trường Trung Quốc dường như giảm dần sau khi giá đạt đỉnh điểm vào tuần trước. SBB cho hay giá quặng khả năng vẫn còn tăng nữa.

Giới thương nhân phát biểu trên SBB rằng, giao dịch quặng Fe 63,5%/63% Ấn Độ sang Trung Quốc có giá 164-166 USD/tấn cfr, tăng so với giá 162-165 USD/tấn cfr hôm thứ Ba tuần trước. Hiện các giá chào ở khoảng 169 USD/tấn cfr nhưng khả năng sẽ giảm xuống khi các khách hàng Trung Quốc không thể chấp nhận mức giá này. “Mức giá giao dịch 165 USD/tấn cfr trong thời điểm hiện tại là phi thực tế,” một thương nhân tại Bắc Kinh nói.

Hôm thứ Hai đầu tuần, Trung Quốc đã nhập 35.000 tấn quặng Fe 63,5%/63% của Ấn Độ với giá 164 USD/tấn cfr. Trong khi đó, hợp đồng giao dịch quặng Fe 63%/63% hôm thứ Sáu cuối tuần rồi có giá là 164,5 USD/tấn cfr. Tuần này, giao dịch trở nên khá trầm lắng.

“Hoạt động thị trường tuần này khá yên ắng sau khi giá chạm đỉnh cao nhất vào hôm thứ Năm tuần rồi là 167,5 USD/tấn,” một thương nhân ở Sơn Đông nói. Giá tăng mạnh hồi tuần trước là do mưa lớn bất thường ở Ấn Độ làm giảm nguồn cung quặng cho khách hàng Trung Quốc.

“Việc giảm giá trong tuần này đã tác động tiêu cực đến niềm tin thị trường. Tôi cho rằng giai đoạn điều chỉnh đang xảy ra, nhưng vấn đề là sự điều chỉnh này sẽ kéo dài bao lâu,” một nhà kinh doanh tại Sơn Đông nói.

 

Giá thép không gỉ của Italy ổn định đến đầu năm tới

Riccardo Foligno, CEO của Metalcom, kiêm phó chủ tịch của Hiệp hội các nhà phân phối thép Italia (Assofermet) phát biểu với SBB bên lề hội nghị hàng năm của Assofermet hồi cuối tuần ở Padua rằng, giá thép không gỉ của các trung tâm phân phối thuộc hiệp hội được dự báo sẽ vẫn dao động quanh mức hiện tại vào cuối năm nay và đầu năm tới.

Dù giá cả hơn hai tuần qua đã trượt nhẹ, nhưng chúng tôi kỳ vọng giá vẫn duy trì ổn định trong hai tháng tới. Giá bán thép tấm không gỉ 304 2mm tới tay người tiêu dùng trực tiếp hiện ở mức 2.750-2.850 EUR/tấn, còn loại ferritic 430 là 1.500-1.550 USD/tấn và austenitic 316 là 4.150-4.250 EUR/tấn.

Foligno dự báo rằng sản lượng thép không gỉ của Italia sẽ tăng nhẹ trong năm nay lên mức 1 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ ước tính khoảng từ 950.000 – 1 triệu tấn.

Giá bán của các trung tâm phân phối tự do đang bị thất thế do các nhà sản xuất các thiết bị gia dụng di cư sang vùng khác, trong khi một số nhà sản xuất thép thực hiện giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng thông qua đại lý phân phối của họ.

Hiện tại Italy có tổng cộng 20 trung tâm phân phối lớn (bao gồm cả sở hữu của các công ty thép) và có khoảng 200 nhà phân phối nhỏ. Việc làm hiện nay là cần phải sát nhập các Trung tâm phân phối, và ngưng cấp phép thành lập các trung tâm phân phối tư nhân.

 

Taigang nâng giá thép không gỉ hỗ trợ thị trường giao ngay

Mặc dù giá thép không gỉ trên thị trường giao ngay đã giảm giá cùng chiều với giá nickel, nhưng nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất Trung Quốc - Shanxi Taigang Stainless Steel (Taigang) vẫn nâng giá các sản phẩm thép không gỉ 304 và 430 trong tuần mới nhất.

Theo các nguồn tin, việc các nhà sản xuất thép không gỉ hàng đầu như Taigang nâng giá với kỳ vọng có thể hỗ trợ cho thị trường giao ngay trong nước. Hơn nữa, các nhà sản xuất có thể cần phải nâng giá để bù đắp lại các khoản chi phí nguyên vật liệu thô tăng cao do lạm phát, ngay cả khi giá thép không gỉ đang tạm thời giảm và giao dịch vẫn yếu.

Như vậy, Taigang đã nâng giá dòng sản phẩm 304 là 300 NDT/tấn (45 USD/tấn), tức HRC 304 3-12mm có giá mới 24.420 NDT/tấn (3.677 USD/tấn) và CRC 304 2B 2mm là 25.220 NDT/tấn. Còn dòng sản phẩm 430 được nâng giá 100 NDT/tấn, trong đó CRC 430 2B 2mm  là 11.920 NDT/tấn. Tất cả là giá xuất xưởng, đã bao gồm 17% VAT và áp dụng cho tuần từ ngày 16-22/11.

Nửa đầu tháng 11, sự phục hồi của giá nickel đã kéo giá các sản phẩm thép austenitic và ferritic tại thị trường giao ngay Phật Sơn tăng theo, trong đó CRC 300 series tăng 800-900 NDT/tấn.

Giá nickel giao ba tháng tại Sàn giao dịch London đóng cửa ngày 15/11 ở mức 22.595/600 USD/tấn, giảm 1.600 USD/tấn so với tuần trước.

 

Việt Nam nâng giá thép xây dựng 300.000 đồng/tấn

Các thành viên trong Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã nâng giá bán trong nước các sản phẩm thép xây dựng khoảng 300.000 đồng/tấn (14 USD/tấn) bắt đầu từ ngày 16/11.

Sau khi nâng, thép cuộn trơn có giá 14,52-14,81 triệu đồng/tấn và thép cây vằn có giá 14,57-15,27 triệu đồng/tấn. Đây chỉ là giá xuất xưởng và chưa có thuế VAT 10%.

Các nhà sản xuất thép giải thích việc tăng giá thép là do họ đang chịu nhiều áp lực vì đồng nội tệ trong nước mất giá. Hơn nữa, trong khoảng thời gian này đang là mùa cao điểm xây dựng vì đã ở cuối mùa mưa.

Còn một thương nhân khác cho rằng các nhà sản xuất thép Việt Nam nâng giá bán là do nguyên liệu cho sản xuất như phế và phôi nhập khẩu bằng đồng USD tăng mạnh. Các nhà sản xuất sẽ chỉ còn cách cắt giảm sản lượng nếu không nhận được đủ đơn đặt hàng ở mức giá cao này, chứ không thể bán với giá thấp ở mức bị lỗ được.

Các thành viên của VSA đóng góp 85% vào sản lượng thép dài của Việt Nam.

 

Nhập khẩu phôi ở Đông Nam Á lại tăng giá

Tình hình nhập khẩu phôi ở khu vực Đông Nam Á tuần này dù vẫn chậm, nhưng giá vẫn không ngừng tăng lên. Các chào bán từ CIS hiện đang ở mức 580-600 USD/tấn cfr, tuy nhiên các nhà nhập khẩu trong khu vực đang nỗ lực hạ giá mua xuống thấp hơn hoặc chuyển qua dùng phôi trong nước.

Tuần rồi, Philippines đã đặt mua phôi của Hàn Quốc giao cuối tháng 12 và đầu tháng 01 năm tới với giá 585-588 USD/tấn cfr, cao hơn từ 5-8 USD/tấn so với cách đó một tuần. Nhưng kể từ khi Phôi nhập từ Hàn Quốc đã được miễn thuế nhập khẩu giá giao dịch mới nhất tương đương với 567-570 USD/tấn cfr.

Một thương nhân ở thủ đô Manila ước tính Philippines đã nhập hơn 20.000 tấn phôi từ Hàn Quốc mấy tuần gần đây. Nguồn cung phôi của Hàn Quốc dồi dào là do nhu cầu tại nước này yếu nên hàng tập trung cho xuất khẩu, tuy nhiên chào bán của Hàn Quốc vào Philippines giờ đã tăng lên 590-595 USD/tấn cfr.

Gần đây, Thái Lan cũng nhập khoảng 15.000 tấn phôi của Brazil với giá 580 USD/tấn cfr, trong khi nhập từ Biển Đen là 575 USD/tấn cfr.

Tại Việt Nam, nhu cầu phôi nhập khẩu cũng yếu vì các nhà cán lại đã quay về dùng phôi sản xuất trong nước với giá 12,6 triệu đồng/tấn (600 USD/tấn), còn nếu được chiết khấu, giá là 12,4-12,5 triệu đồng/tấn (590-595 USD/tấn). Một thương nhân Việt Nam cho biết, các nhà sản xuất phôi trong nước thực hiện chiết khấu để khuyến khích lực mua, nhưng chắc chắn chiêu khuyến mãi này sẽ không thể kéo dài vì giá phế liệu tăng cao.

Hiện các nước khối CIS cũng đang chào bán phôi vào Việt Nam với giá 580-590 IUSD/tấn cfr và phôi từ một số nước Đông Nam Á khác như có giá chào 605-610 USD/tấn cfr, chắc chắn giá này sẽ không có người mua.