Thép cây Ấn Độ lập kỷ lục về giá
Sau khi Bộ Tài Chính Ấn Độ đề nghị nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt lên 12% từ 10%, các nhà sản xuất thép hàng đầu ở nước này cũng nâng giá đối với sản phẩm thép cây.
Theo đó, giá thép cây được nâng thêm 1.500-2.000 INR/tấn (29,90-39,87 USD/tấn), cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường từ 800-900 INR/tấn (15,95 -17,94 USD/tấn), tương đương với mức nâng thuế tiêu thụ đặc biệt 2%.
Với mức nâng như trên, giá thép cây 8mm tại Mumbai đã chạm mức cao kỷ lục 57.000 INR/tấn (1.140 USD/tấn), bao gồm tất cả các lọai thuế, còn thép cây 12mm giá bán tại một số nơi trong nước được điều chỉnh lên 55.500 INR/tấn (1.110 USD/tấn).
Nhớ lại thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính hồi tháng 7 và 8/2008, giá thép cây bán lẻ đã leo lên đỉnh 53.000 INR/tấn (1.056.72 USD/tấn), nhưng giờ kỷ lục này đã bị phá và thay thế bởi kỷ lục mới ngoài thuế tăng còn do sự leo thang của giá phôi.
Giá phôi tại Ấn Độ đã tăng 7.000 INR/tấn (139,56 USD/tấn) lên 33.000-35.000 INR/tấn, đã gồm các loại thuế và cao hơn nhiều so với mức 27.000 INR/tấn hồi đầu năm 2011. Sở dĩ giá phôi tăng đột biến do hiện nay cả nước đang trong tình trạng thiếu quặng trầm trọng, điều này đang lèo lái chi phí sản xuất thép cây đội lên cao khủng khiếp.
Giá phôi miền bắc Trung Quốc tiếp tục ổn định
Giá phôi thép tại miền bắc Trung Quốc trong ngày thứ Hai đầu tuần hôm qua vẫn chưa có sự thay đổi nào so với thứ Sáu cuối tuần. Nhu cầu thất thường của thép thành phẩm đã không thể kéo thị trường phôi bứt qua ranh giới tăng.
Tại thành phố Đường Sơn (Hà Bắc), phôi Q235 150x150mm của các nhà máy lớn có giá xuất xưởng ổn định ở mức 3.810 NDT/tấn (603 USD/tấn), đã có VAT 17% và thanh toán bằng tiền mặt. Như vậy, kể từ ngày 14/3 đến nay, giá vẫn chưa có biến động nào.
Một thương nhân ở Đường Sơn than van rằng sự trồi-sụt của nhu cầu thép thành phẩm gây hoang mang cho thị trường phôi. Tuy nhiên giá chưa thể điều chỉnh giảm bây giờ vì đã cận mức chi phí sản xuất, thậm chí là thấp hơn. Thương nhân chẳng có một đồng lời nào.
Tokyo Steel Manufacturing nâng giá thép tháng 4
Nhà sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản - Tokyo Steel Manufacturing thông báo nâng giá thêm 2.000 Yên/tấn (24 USD/tấn) cho tất cả các sản phẩm thép, ngoại trừ thép tấm dày tại thị trường trong nước vào tháng 4 tới.
Tokyo Steel cho rằng việc nâng giá là cần thiết bởi xu hướng giá trên thị trường thế giới vẫn đang diễn biến theo chiều mũi tên đi lên, trong khi thị trường trong nước thời gian qua vẫn dậm chân tại chỗ.
Kiyoshi Imamura, giám đốc marketing của Tokyo Steel nói: hầu hết các nhà sản xuất lớn ở khu vực châu Á đều đã nâng giá bán, qua đó đã kéo giá cả trên thị trường giao ngay trong khu vực đi lên. Vì vậy Tokyo Steel cũng quyết định tương tự để mong khuấy động được thị trường thoát khỏi sự ảm đạm thời gian qua. Vả lại mức nâng 2.000 Yên/tấn cũng không phải là quá lớn.
Một thương nhân ở miền tây Nhật Bản cũng cho rằng mức nâng này chưa đủ, lẽ ra phải là 3.000 Yên/tấn như mức điều chỉnh của Nippon Steel với thép dầm hình H trong tháng 3 này. Tuy nhiên, cũng dễ hiễu thôi vì Tokyo Steel không dám “vén áo quá lưng” vì nhu cầu trong nước không phải là mạnh lắm, nhất là thép tấm tiêu chuẩn hàng hóa.
Pakistan Steel hạ giá CRC do nhu cầu yếu kém
Nhà sản xuất thép sở hữu nhà nước Pakistan - Pakistan Steel (PSM) đã mở đợt bán hàng đối với thép cuộn cán nguội CRC từ 1.2mm trở lên với giá được điều chỉnh giảm 1.000 PKR/tấn (11 USD/tấn).
Theo một số nguồn tin thị trường, quyết định hạ giá này là do nhu cầu trong nước yếu kém, PSM lại đang trong tình trạng khủng hoảng tài chính, không còn đủ khả năng để mua nguyên liệu cho sản xuất. Hiện năng lực sản xuất của PSM đã rơi xuống mức dưới 25% so với tổng công suất 1,1 triệu tấn thép thô/năm.
Giá CRC 1.2-1.8mm hiện đang được PSM bán với mức 75.400-77.100 PKR/tấn (826-845 USD/tấn), điều chỉnh từ mức 76.300-78.300 PKR/tấn trước đó.
Angang giữ nguyên chính sách giá bán thép dẹt tháng 4
Đúng như mong đợi của thị trường, nhà sản xuất Anshan Iron & Steel (Angang) ở miền bắc Trung Quốc đã thông báo giữ nguyên chính sách giá bán các sản phẩm thép dẹt trong tháng 4 như trong tháng 3, tương tự như quyết định của các nhà sản xuất khác như Baosteel và Wuhan Iron & Steel, ngoại trừ việc nâng giá cuộn trơn thêm 50 NDT/tấn.
Theo đó, HRC Q235 5.5mm trong tháng tới vẫn được giữ nguyên mức 3.710 NDT/tấn (589 USD/tấn), tấm Q235 20mm là 3.900 NDT/tấn, CRC SPCC 1.0mm là 4.540 NDT/tấn và HDG St01Z 1.0mm là 4.600 NDT/tấn. Tất cả chưa có VAT 17%.
Ngoài ra, các mặt hàng khác như tấm silicon, thép mạ màu, thép mạ nhôm-kẽm, CRC full-hard và HRC tẩy axit cũng được Angang giữ nguyên giá bán.
Trong tháng tới, giá cả thị trường được cho là diễn biến khó lường do sản lượng và hàng tồn kho trên thị trường khá cao, trong khi nhu cầu lại phục hồi yếu ớt là điều kiện để Angang đưa ra quyết định trên.
Đông Á hoãn nhập khẩu phôi tấm vì giá cao
Các nhà cán lại ở khu vực Đông Á đã ngưng ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp phôi tấm nước ngoài do vẫn chưa thỏa thuận được giá. Người mua chỉ muốn mua ở mức 600-610 USD/tấn cfr nhưng người bán chỉ muốn bán ở mức 620-630 USD/tấn cfr.
Giá thép tấm và cuộn cán nóng vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tăng, nhưng các nhà cán lại Đông Á cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu còn đang bất ổn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu thép thành phẩm. Dù vậy, các nhà cung cấp vẫn không khoan nhượng vì hiện tại họ không có nhiều hàng trong tay.
Đài Loan vẫn đang đặt mục tiêu nhập khẩu phôi tấm của Nga với giá 590-595 USD/tấn cfr. Sở dĩ Đài Loan nhắm mức thấp như vậy do giá phế tại thị trường nội địa đang đi xuống. Còn phía Nga cho biết họ chẳng dại gì bán cho Đài Loan mức ấy vì hiện tại họ đang nhận được nhiều đơn hàng với giá đặt mua cao hơn thế.
Tuần này, nghe đâu một nhà cung cấp (chưa rõ nguồn gốc) đã chào bán cho Thái Lan 20.000 tấn phôi dùng làm tấm với giá 625 USD/tấn cfr, nhưng khả năng thương nhân sẽ thương lượng để hạ giá mua xuống dưới mức 600 USD/tấn cfr vì chất lượng lô hàng này xấu. Còn nếu hàng chất lượng tốt Thái Lan sẵn sàng mua với giá 600-610 USD/tấn cfr. Tháng trước, hàng tốt Thái Lan cũng chỉ nhập ở mức 580 USD/tấn cfr.
Tại Indonesia, giá phôi tấm dùng làm thép cuộn đầu tháng này được các nhà cung cấp nước ngoài chào bán với giá 625-630 USD/tấn cfr, trong khi hồi đầu tháng 2 nước này nhập chỉ 585-588 USD/tấn cfr và nửa cuối tháng 2 là 610 USD/tấn cfr.
Xuất khẩu thép tấm Hàn Quốc tăng, nhưng giá giảm
Xuất khẩu thép tấm của Hàn Quốc trong tháng 2 vừa qua tiếp tục gặt hái thành công, đạt 160.199 tấn, tăng gấp 2 lần so với mức 78.293 tấn xuất khẩu tháng 2 năm ngoái, theo số liệu cung cấp từ Hiệp hội Gang Thép Hàn Quốc cho hay.
Như vậy, xuất khẩu tháng 2 cũng tăng 9% so với mức 146.526 tấn xuất trong tháng 1. Tuy nhiên giá xuất khẩu bình quân trong tháng 2 lại thấp hơn 10 USD so với giá xuất khẩu bình quân trong tháng 1 xuống 795 USD/tấn fob.
Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu thép tấm lớn nhất của Hàn Quốc với lần lượt 25.377 tấn và 20.784 tấn. Giá bán cho hai nước cũng khác nhau. Trong khi giá bán sang Trung Quốc gxuống còn 837 USD/tấn cfr trong tháng 2 từ mức 931 USD/tấn cfr trong tháng 1, còn Nhật giảm xuống 840 USD/tấn cfr từ 888 USD/tấn cfr trong tháng trước đó.
Về nhập khẩu, trong tháng qua Hàn Quốc nhập tổng cộng 328.244 tấn, tăng 16% so với mức 281.965 tấn trong tháng 1. Trong đó nhập nhiều nhất từ Nhật với 140.606 tấn, tăng qua tháng thứ ba liên tiếp.
Về nhu cầu trong nước, tiêu thụ vẫn rất thấp, sản lượng dư thừa cùng hàng nhập khẩu nước ngoài đang là gánh nặng đối với thị trường.