Giá thép cây miền bắc Trung Quốc ổn định bất chấp giá quặng tăng
Bất chấp giá quặng nhập khẩu tăng, giá thép cây giao ngay tại miền bắc Trung Quốc vẫn ổn định trong ngày thứ Ba hôm qua. Khả năng tăng giá là rất khó vì nhu cầu không có sự cải thiện nào.
Tại Bắc Kinh, thép cây HRB400 18-25mm do Hebei Iron & Steel (Hegang) sản xuất có giá chào bán ở mức 4.170 NDT/tấn (656 USD/tấn) và thép cây HRB335 18-25mm có giá là 4.100 NDT/tấn. Cả hai đã bao gồm VAT và không có gì thay đổi so với ngày thứ Hai trước đó.
Một thương nhân ở Bắc Kinh nói dù giá bán của ông đã điều chỉnh thấp hơn so với giá của các nhà phân phối khác, nhưng cũng chẳng thể kéo khách hàng tăng mua. Vì vậy dù giá quặng có lên chăng nữa nhưng nếu người mua từ chối lấy hàng thì cũng chẳng thể kéo giá cùng bứt lên được.
Trên thị trường giao dịch kỳ hạn, hợp đồng thép cây giao tháng 10 chốt phiên giao dịch thứ Ba hôm qua ở mức 4.126 NDT/tấn, giảm 3 NDT/tấn so với thứ Hai đầu tuần, tức 0,07%.
Giá thép không gỉ xuất khẩu Trung Quốc mất 150 USD từ giữa tháng 5
Giá xuất khẩu thép không gỉ 300-series của Trung Quốc đã giảm 150 USD/tấn trong vòng một tháng qua do người mua trì hoãn lấy hàng trước sự bất ổn của nền kinh tế thế giới.
Trong đó, thép cuộn cán nóng không gỉ HRC 304 2mm và thép cuộn cán nguội không gỉ 304 2B 2mm do các nhà máy lớn sản xuất có giá chào xuất khẩu trong tuần này đứng ở mức 2.440-2.530 USD/tấn và 2.550-2.650 USD/tấn fob, giảm lần lượt 70-150 USD/tấn và 100-130 USD/tấn so với hồi giữa tháng 5.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cho hay khối lượng đơn hàng đặt giao tháng 6 cũng tương đương như hồi tháng 5. Trong tháng này, cũng có một số hợp đồng HRC bán cho Ấn Độ chốt mức 2.400 USD/tấn fob, và CRC chốt ở mức 2.550 USD/tấn.
Một nhà xuất khẩu ở Hong Hong than thở rằng trong tháng này công ty vẫn chưa bán được một hợp đồng nào vì khoảng cách giữa giá bán và mua là quá lớn. Trong khi chúng tôi chào bán HRC không gỉ ở mức 2.530-2.540 USD/tấn fob china, nhưng khách hàng Đông Nam Á chỉ muốn mua ở mức 2.480-2.490 USD/tấn fob. Nếu bán giá này chúng tôi hoàn toàn không có lời.
Nhu cầu thép không gỉ đối với hàng Trung Quốc đã chậm lại kể từ tháng 3 sau khi giá nickel tụt dốc không phanh, cũng như sự tác động bởi sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Giá phôi miền bắc Giảm nhẹ vào thứ Ba
Giá phôi tại miền bắc Trung Quốc đã giảm nhẹ trở lại trong ngày thứ Ba hôm qua sau khi tăng vào ngày thứ Hai trước đó (do thương nhân ôm hàng không muốn bán ra để chờ giá lên thêm chút nữa cũng như theo dõi giá thép thành phẩm còn tăng không), tuy nhiên sức cầu thấp từ các nhà cán lại đã gây áp lực thị trường.
Tại thành phố Đường Sơn (Hà Bắc), phôi Q235 150x150mm do các nhà máy lớn sản xuất có giá xuất xưởng giảm nhẹ chừng 10 NDT/tấn (2 USD/tấn) còn 3.600 NDT/tấn (566 USD/tấn), đã bao gồm VAT 17% và thanh toán bằng tiền mặt.
Trong ngày thứ Hai đầu tuần, giá thép hình V tại Đường Sơn đã có mức tăng ấn tượng 70 NDT/tấn, tuy nhiên sang ngày thứ Ba giá đã giảm 20 NDT/tấn trở lại vì người mua dè chừng sau khi giá bất ngờ tăng cao.
Một nhà sản xuất phôi ở Đường Sơn nói sức mua đối với thép hình và băng hẹp đã chững lại sau khi có sự tăng đột biến về giá khiến các nhà cán lại nghi ngại và cũng giảm mua vào. Tuy nhiên theo nhận định của một thương nhân ở Thiên Tân khả năng giá phôi sẽ duy trì ổn định trong những ngày tới vì lượng tồn kho đã xuống thấp.
Thị trường thép tấm Nhật Bản áp lực vì Tokyo Steel hạ giá xuất xưởng
Thị trường thép tấm tiêu chuẩn hàng hóa của Nhật đang hứng chịu nhiều áp lực sau khi Tokyo Steel Manufacturing giảm giá xuất xưởng.
“Chúng tôi đang cố gắng từ chối bán giá thấp vì hầu hết đều kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trong nay mai, nhưng việc hạ giá của Tokyo Steel đang làm tiêu tan hy vọng của chúng tôi”, một nhà phân phối ở Tokyo trách móc. Khách hàng rồi đây cũng sẽ yêu cầu các thương nhân như chúng tôi phải điều chỉnh giá bán để phù hợp với chính sách của Tokyo Steel.
Hiện giá thép tấm SS400 9-40mm xuất xưởng tháng 7 của Tokyo Steel đã xuống 60.000 Yên/tấn (759 USD/tấn), tức giảm 5.000 Yên/tấn so với giá xuất xưởng tháng 6.
Trên thị trường giao ngay Tokyo, giá thép tấm SS400 9-40mm có giá từ 82.000-85.000 Yên/tấn, không thay đổi gần một tháng qua. Tuy nhiên bất kỳ sự thay đổi chính sách giá bán nào của Tokyo Steel cũng đều ảnh hưởng mạnh đến thị trường thép giao ngay, vì vậy giá giao ngay chắc chắn sẽ xuống, một nhà phân phối ở Osaka nhận định.
Sản lượng thép HRC theo ngày của Trung Quốc giảm nhẹ tháng 5
Theo số liệu từ Cục thống kê Trung Quốc, sản lượng thép cuộn cán nóng HRC bình quân theo ngày trong tháng 5 của nước này đạt 463.953 tấn/ngày, giảm 0,3% so với tháng 4.
Trong tháng 6, sản lượng thép cán nóng của Trung Quốc dự báo sẽ vẫn ở mức cao, dù một số nhà sản xuất lớn bảo trì nhà xưởng như Anshan Iron & Steel (Angang), Shougang và Tangshan Iron & Steel.
Để bảo đảm đơn hàng giao tháng 7, nhà sản xuất Angang vào hôm thứ Hai tuần này đã thông báo hạ giá xuất xưởng HRC giao tháng 7 khoảng 130 NDT/tấn, đưa sản phẩm HRC Q235 5.5mm về mức 4.100 NDT/tấn (645 USD/tấn), đã gồm VAT. Như vậy giá xuất xưởng đã thấp hơn 50-60 NDT/tấn so với giá bán trên thị trường giao ngay ở Lecong (Quảng Đông).
Tuy nhiên nhu cầu thị trường hiện nay khá èo uột, dù giá xuất xưởng đã thấp hơn nhưng thương nhân cũng chẳng dám ôm hàng nhiều, hay lấy thêm từ nhà máy.
Posco hạ giá xuất khẩu CRC sang Trung Quốc
Hàn Quốc đã hạ giá xuất khẩu thép cuộn cán nguội CRC sang Trung Quốc do ảnh hưởng bởi giá thép tại thị trường nội địa của quốc gia vùng Đông Bắc Á này xuống dốc, cũng như việc hạ giá xuất xưởng tháng 7 của các nhà máy, trong đó có Baosteel.
Tuần rồi, Posco chào bán CRC 1mm giao cuối tháng 7, đầu tháng 8 sang Hong Kong ở mức 720-730 USD/tấn cfr, thấp hơn mức 765 USD/tấn cfr chào bán cuối tháng 5, đầu tháng 6. Tuy nhiên một số khách hàng Hong Kong chỉ chào mua ở mức 700-710 USD/tấn cfr, một thương nhân ở Quảng Châu cho hay.
“Tôi đã hy vọng Baosteel giữ nguyên giá bán nhưng điều đó đã không xảy ra, và nhu cầu CRC tại Trung Quốc trở yếu hơn sau quyết định hạ giá 200 NDT/tấn (31 USD/tấn) của Baosteel đối với sản phẩm CRC giao tháng 7”, đại diện của Posco cho hay.
“Chúng tôi cũng đưa ra chiến lược giảm khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian này để tránh giá giảm thêm nữa, cũng như không có lợi nhuận”, đại diện này nói thêm. Như đã phản ánh gần đây về thị trường đồ gia dụng của Trung Quốc vẫn bất động, trong khi lĩnh vực sản xuất ô tô vốn tiêu thụ thép CRC nhiều nhất thì đang phải vật lộn với khó khăn sau khi nhu cầu mua ô tô giảm mạnh.
Trung Quốc và Nhật Bản là hai điểm tiêu thụ thép CRC nhiều nhất của Hàn Quốc. Trong 5 tháng đầu năm, Hàn Quốc đã xuất khẩu 251.700 tấn CRC sang Trung Quốc, giảm 25% so với 5 tháng đầu năm ngoái. Còn xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 231.600 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Hiệp hội gang thép. Tổng xuất khẩu CRC của Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đạt 1,36 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011.
Tokyo Steel hạ giá xuất xưởng sản phẩm thép tháng 7
Nhà sản xuất Tokyo Steel của Nhật vào ngày 18/6 thông báo hạ giá bán xuất xưởng các sản phẩm thép giao tháng 7 từ 3.000-12.000 Yên/tấn để phù hợp với tình hình tiêu thụ yếu kém, cũng như giá nguyên liệu thô giảm và giá thép trên thị trường thế giới xuống mạnh.
Trong đó, thanh gân hạ giá thấp nhất là 3.000 Yên/tấn và cao nhất là 12.000 Yên/tấn đối với thép dầm hình H.
Còn đối với các sản phẩm thép dẹt, nhà sản xuất hạ giá bán 5.000 Yên/tấn, đồng thời hạ giá các sản phẩm thép xây dựng 6.000-8.000 Yên/tấn.
Xuất khẩu HDG Đài Loan tăng 13,3% trong tháng 5
Theo số liệu thống kê từ Cục hải quan Đài Loan, xuất khẩu thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng DHG của nước này trong tháng 5 đạt 109.196 tấn, tăng 13,3% so với tháng 4, và giá xuất khẩu bình quân trong tháng 5 là 27.340 Đài tệ/tấn.
Trung Quốc là nước nhập khẩu HDG lớn nhất của Đài Loan, chiếm 19.545 tấn với giá bình quân 26.180 NDT/tấn. Mỹ là quốc gia thứ hai tiêu thụ HDG của Đài Loan với khối lượng 17.582 tấn, giá bình quân 36.300 Đài tệ/tấn và Mexico là quốc gia thứ ba tiêu thụ nhiều thép HDG của Đài Loan với 12.747 tấn và giá bình quân 26.774 tấn.
Cũng trong tháng 5, Đài Loan nhập khẩu 43.938 tấn HDG, tăng 91,1% so với tháng 4.
Brazil hậ giá xuất khẩu phôi tấm
Do ảnh hưởng bởi giá phôi tấm của CIS giảm, cũng như nhu cầu suy yếu ở khu vực châu Á, các nhà sản xuất phôi tấm Brazil cũng buộc phải hạ giá xuất khẩu giao tháng 7 khoảng 45 USD/tấn.
Hiện tại, chào bán phôi tấm của Brazil sang châu Á đứng ở mức 540 USD/tấn fob, chào sang Mỹ Latinh là 550-560 USD/tấn fob. Cả hai đều giảm so với mức 588-595 USD/tấn fob chào trong tháng 5.
Giới thương nhân cho biết chào giá này gần với chi phí sản xuất của các nhà máy, vì vậy giá sẽ không còn giảm nhiều nữa.
Trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu phôi tấm của Brazil tăng 18,6% lên mức 487.000 tấn.