Giá nickel tiếp tục giảm trong tuần này
Do ảnh hưởng bởi việc chính phủ Cyprus (một quốc gia thuộc liên minh châu Âu) từ chối đề xuất đánh thuế đối với tiết kiệm tiền gửi Ngân hàng, giá nickel giao kỳ hạn 3 tháng tại sàn London (LME) đã giảm xuống mức 16.625 USD/tấn trong ngày 18/03, tức mất 570 USD/tấn so với giá ngày 15/03.
Trong khi giá trên thị trường giao ngay cùng ngày giảm 550 USD/tấn còn 16.555 USD/tấn.
Tồn kho nickel tại sàn LME trong ngày 18/03 là 162.306 tấn, tăng 762 tấn so với ngày trước đó.
Sản lượng thép thô thế giới tăng 1,2% trong tháng 2
Sản lượng thép thô của 63 quốc gia nằm trong Hiệp hội thép thế giới đạt 123 triệu tấn trong tháng 2, tăng 1,2% so với tháng 2/2012. Sản lượng bình quân theo ngày trong tháng 2 là 4,4 triệu tấn/ngày, tăng 5,2% so với đầu tháng.
Tổng sản lượng thép thô của các nước trong hai tháng đầu năm đạt 253 triệu tấn, tăng 2,7% so với hai tháng đầu năm 2012. Tỉ lệ sản xuất trong tháng 2 đứng ở mức 80,5% trong khi tháng 1 là 76,7%. Đây cũng là tháng đầu tiên tỉ lệ sản xuất vượt mức 80% kể từ tháng 6/2012.
Tại khu vực châu Á, tổng sản lượng trong tháng 2 tăng 5,9% nhưng chủ yếu do sự đóng góp của Trung Quốc với mức tăng 9,8%, trong khi sản lượng ở các nước khác giảm. Trong đó Nhật Bản giảm 3,4%, Ấn Độ giảm 0,5%, Hàn Quốc giảm 8,5% và Đài Loan giảm 6,7%.
Tại Bắc Mỹ, sản lượng cũng giảm ở hầu hết mọi nơi, đặc biệt Mỹ và Canada với 9,3%. Còn tại Nam Mỹ, tình hình giảm cũng diễn ra ở các nước Brazil, Argentina, Venezuela, Chile và Colombia với 9,4%.
Tại châu Âu, sản lượng trong tháng 2 giảm 5,6%. Trong đó Italia giảm 15%, Đức là 3,7%, Tây Ban Nha là 1,7%, Ba Lan là 28,3% và Pháp chưa đến 1%. Duy chỉ có Anh là tăng sản lượng 57% đã góp phần hạn chế mức giảm của toàn khu vực.
Đối với CIS, sản lượng trong tháng 2 năm nay cũng giảm 9,7%.
Ấn Độ hạ lãi suất không ảnh hưởng tới nhà sản xuất
Vào hôm thứ Ba tuần này, Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) đã quyết định hạ lãi suất cho vay qua đêm 25 điểm cơ bản đối với các Ngân hàng thương mại, tuy nhiên tin tức này cũng không khiến các nhà sản xuất thép phấn khởi hơn vì họ biết chắc rằng các Ngân hàng thương mại không vì thế mà hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và tình trạng thắt chặt thanh khoản vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.
Đây là lần hạ lãi suất thứ hai của Ấn Độ trong năm nay kể từ tháng 1, theo đó lãi suất repo đã được điều chỉnh xuống 7,5%.
Kể từ tháng 4/2012 đến tháng 2/2013, tiêu thụ thép thành phẩm của Ấn Độ đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà tham gia thị trường đã giữ cái nhìn ảm đảm về triển vọng trong tháng tới vì giá trên thị trường thế giới vẫn đang xuống.
Hiện HRC IS 2062 A/B 3mm có giá bán trong nước bình quân 34.000-34.500 Rs/tấn (625-635 USD/tấn).
Cuộn trơn TQ trong nước lẫn xuất khẩu đều đang “chết”
Giá cuộn trơn tại thị trường nội địa Trung Quốc cũng diễn biến theo chiều giảm trong tuần này do nhu cầu quá chậm. Giá xuất khẩu cũng đi xuống vì người mua không còn mặn mà với hàng Trung Quốc.
Giới thương nhân cho biết cuộn trơn Q195 6.5mm do Jiujiang Iron & Steel sản xuất đã mất 100 NDT/tấn (16 USD/tấn) còn 3.550 NDT/tấn (571 USD/tấn) trong tuần rồi và sang tuần này giá giảm thêm 50 NDT/tấn nữa còn 3.500-3.510 NDT/tấn vì nhu cầu trong mùa tiêu thụ cao điểm đã không xuất hiện như dự kiến.
Kể từ khi giá thép tại thị trường nội địa Trung Quốc không phát tín hiệu phục hồi, người mua nước ngoài cũng “trốn” giao dịch vì muốn chờ xem xu hướng đi xuống kéo dài trong bao lâu. Do đó việc các thương nhân khẳng định xuất khẩu thép Trung Quốc thời điểm này đang “chết” là hoàn toàn đúng, họ hầu như không chốt được hợp đồng nào với người mua dù giá cuộn trơn SAE1008B đã rơi về 540-550 USD/tấn fob Thượng Hải.
Thậm chí có thông tin có một số thương nhân chỉ chào bán ở mức 530 USD/tấn fob và các mức thấp hơn nữa được cho là sẽ sớm đạt đến, nhất là đối với hàng của các nhà sản xuất nhỏ.
Giá CRC TQ xuất sang Hàn Quốc còn xuống nữa
Thép cuộn cán nguội giao tháng 5 của Trung Quốc sang Hàn Quốc đã giảm 30-40 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 4 mà nguyên nhân là do tác động bởi xu hướng giảm chung của giá trong nước, cũng như các thương nhân Trung Quốc nôn nóng bán nhanh để giảm lỗ.
Theo đó, CRC SPCC 1mm do các nhà máy tuyến một của Trung Quốc sản xuất chào bán cho Hàn Quốc tuần này chỉ còn 680 USD/tấn cfr giao tháng 5, trong khi giá giao tháng 4 đứng ở mức 710 USD/tấn cfr.
Tuy nhiên một thực tế là giá càng xuống thì người mua càng né mua hàng, do đó khả năng giá sẽ xuống 670 USD/tấn cfr.
Trong hai tháng đầu năm 2013, nhập khẩu CRC của Hàn Quốc đạt 82.700 tấn, tăng 81% so với hai tháng đầu năm 2012, theo số liệu của Hiệp hội Gang Thép Hàn Quốc cho hay. Trong đó nhập từ Trung Quốc là 69.400 tấn, tăng 168% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chào giá xuất khẩu TQ giảm 25-30 USD/tấn hai tuần qua
Chào giá các sản phẩm thép dài có borron của Trung Quốc tuần này tiếp tục giảm do tình hình nhập khẩu ở Hong Kong và Singapore vẫn trầm lắng.
Kể từ hai tuần nay, thép cây BS4449 xuất khẩu của Trung Quốc đã mất tổng cộng 25-30 USD/tấn xuống còn 555-560 USD/tấn cfr đối với loại trọng lượng lý thuyết và còn 560-565 USD/tấn cfr đối với loại trọng lượng thực tế.
Giá thép cây trong nước kéo dài đà giảm kể từ sau chính phủ nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát đối với thị trường bất động sản đã ảnh hưởng mạnh đến giá xuất khẩu của nước này.
Việc điều chỉnh giá mạnh nhất là ở các thương nhân, họ đang nỗ lực bán ra để cắt lỗ trước những dự báo về triển vọng thị trường không mấy sáng sủa, nhưng dù vậy người mua càng thận trọng hơn, họ tiếp tục theo dõi xem đâu mới là giá đáy thực sự trước khi đặt đặt mua mới.
Ngoài ra, cuộn trơn SAE1008 6.5mm do các nhà máy nhỏ của Trung Quốc sản xuất có giá chào bán trong hai tuần qua cũng giảm tổng cộng 15 USD/tấn xuống còn 555-560 USD/tấn cfr vào Philippines. Nhưng theo một nhà nhập khẩu ở Manila, có hợp đồng được chốt chỉ 550 USD/tấn cfr.