Giá phế nhập khẩu vào Đài Loan giảm 3-8 USD/tấn
Được biết, giá phế liệu HMS 80:20 (1&2) nhập khẩu của Đài Loan mới nhất từ Mỹ đã giảm 3-8 USD/tấn xuốn còn 440-445 USD/tấn C&F trong ngày thứ Hai tuần này.
Theo một số nguồn tin trong ngành, nguyên nhân giá giảm là do sức mua chậm từ các nhà máy Đài Loan sau khi chính phủ thông báo nâng giá điện, cũng như giá phế ở một số nơi trên thế giới cũng đi xuống, trong đó có Nhật Bản.
Vào hôm thứ Sáu tuần trước, nhà sản xuất Tokyo Steel của Nhật thông báo hạ giá thu mua phế liệu H2 khoảng 500 Yên/tấn ở chi nhánh Tahara xuống còn 30,500-33,500 Yên/tấn.
Sản lượng thép thế giới tăng 1,8% trong tháng 3
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới, công suất sản xuất của 62 thành viên trong hiệp hội trong tháng 3 là 81,1%, tăng 1,6% so với tháng 2, đây cũng là mức cao nhất kể từ mức 81,9% trong tháng 6/2011.
Còn sản lượng thép thô của các thành viên đạt 132 triệu tấn, tăng 1,8% so với tháng 3 năm 2011, nâng tổng cộng sản lượng trong ba tháng đầu năm lên 377 triệu tấn, tăng hơn 1,1% so với 3 tháng đầu năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu với 61,6 triệu tấn trong tháng 3, tăng 3,9% so với tháng 3/2011. Còn các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản tăng 2,3%, Ấn Độ tăng 1,2%, Hàn Quốc tăng 3,2% và Đài Loan tăng 1,3%.
Tại bắc Mỹ, sản lượng thép thô trong khu vực tăng 3,2% trong tháng 3. Riêng Mỹ tăng 5,4%; Mexico giảm 4,5% và Canada không có gì thay đổi. Ở khu vực nam Mỹ, sản lượng giảm nhẹ 0,5%. Trong đó, Brazil tăng 2,2%, trong khi Venezuela giảm 25,1% và Chile giảm 27,2%.
Còn châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia đứng đầu trong khu vực về sản lượng tăng mạnh trong tháng qua với 14,5% lên mức 3,1 triệu tấn. Liên minh châu Âu- EU giảm 3,9%, trong đó có Đức giảm 3,1%, Tây Ban Nha giảm 19,5%, Nga giảm 15,3% và Bỉ giảm 20,6%. Tuy nhiên một số nước cũng có sản lượng tăng bao gồm Italia là 4,5%, Pháp ta7ng 20,6% và Ba Lan tăng 10,8%.
Giá thép tấm xuất khẩu của CIS dự báo còn giảm
Sau khi nâng giá 5-10 USD/tấn hồi tháng trước, tháng này Nga và Ukraina đã bắt đầu hạ giá chào bán thép tấm tiêu chuẩn thương mại S235 cho các khách hàng nước ngoài do triển vọng thị trường u ám.
Thép tấm của nhà sản xuất Ilyich (Ukraina) bán tại Mariupol cho Mỹ Latinh và Đông Nam Á là 625-630 USD/tấn fob, giá bán cho châu Âu là 650-660 USD/tấn fob. Ilyich đã chốt lại đơn đặt hàng giao tháng 5, với tổng cộng hơn 70.000 tấn. Còn nhà sản xuất Alchevsk thì cũng chốt lại hợp đồng giao tháng 6 với giá 715 USD/tấn DAF cho khách hàng Latvia.
Trong khi tại Nga, nhà sản xuất Severstal chào bán thép tấm trong tháng này tại biển Baltic với giá 695 USD/tấn fob, và MMK chào bán cho Antwerp với giá 570 EUR/tấn, nhưng xem ra không cạnh tranh được với Trung Quốc.
Một thương nhân châu Âu cho hay, thị trường ở khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, nhu cầu cực yếu mà lại có sự cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, nỗ lực nâng giá ba tháng gần đây của CIS đã thất bại. Giá cả được dự báo còn đi xuống thời gian tới.
Giá thép cây miền bắc Trung Quốc giảm cuối tuần
Giá thép cây ở miền bắc Trung Quốc vào hôm thứ Sáu cuối tuần cũng rơi vào đà giảm do khách hàng tiếp tục thờ ơ với thị trường, trong khi các nhà sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tăng sản lượng thép trong tháng 2 và 3.
Tại Bắc Kinh, thép cây HRB400 18-25mm do Hebei Iron & Steel (Hegang) sản xuất mất thêm 10-20 NDT/tấn (2-3 USD/tấn) xuống còn 4,300-4,320 NDT/tấn (682-685 USD/tấn), bao gồm 17% VAT, còn thép cây HRB335 18-25mm giảm 10-20 NDT/tấn còn 4,230 NDT/tấn.
Theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia, sản lượng thép cây Trung Quốc trong tháng 3 đạt 14,97 triệu tấn, tương đương mức sản lượng 482.940 tấn/ngày, tăng 13% so với tháng 2.
Một thương nhân ở Thượng Hải nói: “Thật không thể tin là sản lượng thép cây vẫn tăng trong tháng qua dù các nhà sản xuất hiểu rõ về bối cảnh thị trường bi đát như thế nào. Lý do các nhà sản xuất tăng sản lượng phải chăng là do chính phủ mới đây đang nới lỏng dần chính sách tiền tệ”.
Còn thương nhân ở Bắc Kinh cũng nói: “Thị trường quá trì trệ nên thương nhân hầu hết đều đang cố gắng thanh khoản lượng hàng tồn, giá còn giảm nữa là điều tất yếu”.
Trên thị trường giao dịch kỳ hạn, đóng cửa cuối phiên giao dịch tuần rồi, giá thép cây giao tháng 10 chốt mức 4.313 NDT/tấn, giảm 0,05% so với thứ Năm trước đó.
Phôi Trung Quốc khả năng sẽ xuống mức 3.700 NDT/tấn lần nữa
Vào hôm thứ Sáu tuần trước, giá phôi tại miền bắc Trung Quốc đã trải qua ngày thứ 5 giảm giá liên tiếp, khả năng giá sẽ tiếp tục còn xuống nữa trong tuần mới này.
Tại thành phố Đường Sơn, phôi Q235 150x150mm do các nhà máy lớn sản xuất có giá xuất xưởng vào ngày 20/4 là 3.750 NDT/tấn (595 USD/tấn), đã gồm VAT 17% và thanh toán bằng tiền mặt, giảm thêm 10 NDT/tấn nữa so với ngày thứ Năm trong tuần. Như vậy, trong tuần qua, giá phôi đã giảm tổng cộng 50 NDT/tấn.
Một thương nhân ở Đường Sơn cho hay: “Giá tiếp tục giảm trong ngày thứ Sáu là do nhu cầu thấp. Doanh nghiệp của chúng tôi hầu như không bán được, vì vậy theo dự báo của tôi giá khả năng còn xuống nữa và có lẽ sẽ lùi về mức 3.700 NDT/tấn.
Như vậy, kể từ thời điểm giá chạm mức 3.810 NDT/tấn vào ngày 13/3, kể từ đó giá đã duy trì ổn định, nhưng đến ngày 16/4 thì giá đã xuống từ từ. Hồi cuối tháng 1 và cuối tháng 2, giá phôi tại Đường Sơn từng giao dịch dưới mức 3.700 NDT/tấn.
China Steel Corp giữ nguyên giá bán tháng 6
Cũng trong tuần qua, nhà sản xuất Đài Loan - China Steel Corp (CSC) thông báo duy trì tất cả các sản phẩm thép bán tại thị trường nội địa trong tháng 6 không thay đổi do bối cảnh thị trường kinh tế bất ổn.
CSC cho biết triển vọng nhu cầu dài hạn trong nước khá tăm tối. Ngay cả các nước phát triển như Mỹ và châu Âu cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trung Quốc cũng chẳng khá hơn là bao khi mà nhu cầu của nước này ngày càng trượt dốc, mà sản lượng mỗi ngày một tăng.
Theo đó, HRC SPHC và CRC SPCC của CSC vẫn không thay đổi quanh các mức 21.713 Đài tệ/tấn (736 USD/tấn) và 24.601 Đài tệ/tấn (834 USD/tấn). Trước đó, CSC đã thông báo nâng giá bán tháng 4 và 5 thêm 32-500 Đài tệ/tấn cho hầu hết các sản phẩm thép vì dự báo bối cảnh kinh tế sẽ cải thiện hơn trong quý Hai.
Trong tháng 3 vừa qua, doanh số bán thép cacbon của CSC đạt 811.300 tấn, tăng 19% so với tháng 1 và tăng 25% so với tháng 2. Tuy nhiên, tổng doanh số bán hàng trong 3 tháng đầu năm lại thấp hơn 6% so với 3 tháng đầu năm ngoái và giảm 3% so với quý Tư.
Hegang nâng giá HRC tháng 5
Nhà sản xuất Hebei Iron & Steel (Hegang) ở miền bắc Trung Quốc vào hôm thứ Sáu tuần trước đã thông báo nâng giá HRC và giữ nguyên giá CRC trong tháng 5, tương tự như quyết định của các nhà sản xuất Wuhan Iron & Steel, Shougang và Benxi Iron & Steel.
Theo đó, HRC được nhà sản xuất này nâng thêm 80 NDT/tấn (13 USD/tấn), đưa sản phẩm HRC Q235 5.5mm lên mức 4.430 NDT/tấn (702 USD/tấn), đã bao gồm VAT 17%, trong khi CRC SPCC 1.0mm vẫn được giữ nguyên mức 5.050 NDT/tấn.
Cũng trong ngày này, HRC Q235 5.5mm tại Thượng Hải và Lecong (Quảng Đông) có giá bán lần lượt 4.320-4.340 NDT/tấn và 4.380-4.400 NDT/tấn. Cả hai đã gồm VAT 17% và giảm nhẹ 10-20 NDT/tấn.
Việc giá cả trên thị trường giao ngay đi ngược lại xu hướng nâng giá của nhà sản xuất là do sự thất vọng về sản lượng thép tháng 3 vẫn tăng mạnh, trong khi nhu cầu rất chậm. Giá cả thị trường được dự báo khó có thể lên mạnh trong tháng tới.
Theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia, sản lượng thép cán nóng của Trung Quốc đạt 14,16 triệu tấn trong tháng 3, với mức bình quân theo ngày là 465.742 tấn/ngày, tăng 4% so với tháng 2 và tăng 10% so với tháng 1.
Nhật hướng đến mở rộng thị trường xuất khầu mới
Các nhà sản xuất thép Nhật Bản đang nhắm đến mục tiêu mở rộng xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC đến những thị trường không phải là khách hàng thân thiết như Nam Á, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi để giảm gánh nặng dư thừa nguồn cung do nhu cầu trong nước đang ngày càng thu hẹp lại, trong khi xuất khẩu sang những thị trường truyền thống như Đông Nam Á lại đang vấp phải cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp khác và Hàn Quốc cũng giảm lấy hàng thời gian gần đây.
Lượng hàng dành cho xuất khẩu của các nhà sản xuất thép Nhật Bản chiếm đến 40% sản lượng của nước này, nhưng xuất khẩu thời gian qua đã không được như ý muốn.
Nhật Bản đang xét để đầu tư các nhà máy thép ở các thị trường mới nổi. Nếu xây dựng được nhà máy ở Trung Đông, hay Thổ Nhĩ Kỳ thì việc mở rộng thị trường hy vọng sẽ đạt được mục tiêu trên.
Tháng trước, một nhà máy thép của Nhật đã bán thép cuộn cán nóng HRC SAE 1006, rộng 900mm, dày 2mm cho Bangladesh với giá 680 USD/tấn cfr, giao tháng 4 và 5. Bangladesh là một trong những thị trường tiềm năng, với nền kinh tế đang phát triển, vì vậy nhà sản xuất của Nhật bán với giá ưu đãi này nhằm tạo dựng mối quan hệ thương mại với khách hàng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất của Nhật lại đang nhắm đến mục tiêu xuất khẩu ở mức 700 USD/tấn cfr sang khu vực Đông Nam/Nam châu Á. Hiện tại giá xuất khẩu sang Đông Nam Á đang ở mức 680-690 USD/tấn cfr.