Xuất khẩu quặng của Ấn Độ giảm 30% trong tháng 11
Xuất khẩu quặng của Ấn Độ tiếp tục giảm qua tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 11 do tác động từ lệnh cấm xuất khẩu của bang Karnataka.
Tổng thư ký Liên đoàn ngành khai khoáng Ấn Độ (FIMI) - R K Sharma cho biết, xuất khẩu của Ấn Độ trong tháng 11 đạt 8,07 triệu tấn, giảm 30,59% so với tháng 11/2009. Trừ phi vấn đề lệnh cấm xuất khẩu của bang Karnataka được giải quyết, xuất khẩu của Ấn Độ vẫn giảm. Hồi tháng 11/2009, xuất khẩu quặng của Ấn Độ là 11,53 triệu tấn.
08 tháng tính đến cuối tháng 11/2010, xuất khẩu quặng của Ấn Độ giảm 15,69% xuống mức 54,58 triệu tấn so với mức 64,74 triệu tấn cùng kỳ năm trước, FIMI cho biết.
Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu quặng đứng thứ ba trên thế giới. Trong năm tài khóa vừa qua, tổng xuất khẩu của nước này đạt tổng cộng 218 triệu tấn. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 80% tổng xuất khẩu của Ấn Độ.
Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu HDG từ Trung Quốc trong năm nay
Theo số liệu thống kê, nhập khẩu thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG của Hàn Quốc từ Trung Quốc đạt 28.602 tấn trong tháng 11, phá mức kỷ lục 24.424 tấn mà nước này đã nhập trước đó từ Trung Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã nhập khẩu 4.161 tấn HDG từ Nhật Bản
Tổng nhập khẩu HDG của Hàn Quốc từ Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm đạt 155.593 tấn, tăng gấp nhiều lần so với mức nhập khẩu 33.924 tấn của cả năm 2009.
Giá thép cạnh tranh từ Trung Quốc đã thu hút được các nhà nhập khẩu của Hàn Quốc, nếu Trung Quốc duy trì được giá cả cạnh tranh như hiện nay, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng lượng đặt hàng.
Hàn Quốc hợp tác với Lào và Việt Nam khai thác năng lượng và khoáng sản
Tuần này, Hàn Quốc đã ký kết các thỏa thuận với Lào và Việt Nam về việc hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.
Trong đó, Hàn Quốc ký kết hợp tác với Lào về phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên như quặng sắt, đồng và đất hiếm vào thứ Năm hôm nay. Cả hai cũng thỏa thuận thêm về hợp tác phát triển xây dựng nhà máy điện ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trong thời gian qua, Lào chỉ mới khai thác được 30% nguồn khoáng sản trong nước, sự hợp tác này sẽ là cơ hội tốt để Lào phát huy được nội lực phát triển nguồn khoáng sản tiềm năng trong nước, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tri thức của Hàn Quốc cho biết. Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm với Lào về sự phát triển thành một trong 10 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới từ một nước nghèo nhất như thế nào mà Hàn Quốc đã trải qua.
Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế đứng thứ Tư tại châu Á, nhưng nước này vẫn phải phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng và tài nguyên khoáng sản nhập khẩu từ nước ngoài. Hàn Quốc cho biết sẽ nâng sản lượng tài nguyên khoáng sản và năng lượng thông qua các dự án đầu tư nước ngoài vào 2019.
Trước đó, vào hôm thứ Hai đầu tuần, Hàn Quốc cũng đã ký kết hợp tác tương tự về phát triển năng lượng và khoáng sản với Việt Nam trong tương lai.
Trong cuộc họp lần thứ bảy giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc đã ký kết bốn bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.
Trong đó bao gồm xây dựng một nhà máy liên doanh nhiệt điện công suất 2.400 MW tại Nam Định với tổng kinh phí đầu tư 4,5 tỉ USD, đồng thời kí kết thỏa thuận khung trong việc hợp tác và phát triển khai thác mỏ than Bảo Đài cũng như việc cải thiện môi trường mỏ ở Việt Nam, mở rộng hợp tác với một nước thứ ba trong việc khai thác dầu khí tại Việt Nam, cũng như nghiên cứu các khoáng sản quý hiếm khác tại Nghệ An.
Giá thép cây Đài Loan kỳ vọng tăng giá
Giá phế liệu nhập khẩu của Đài Loan vẫn tiếp tục tăng lên, điều này đang dẫn dẫn nhiều khả năng các nhà sản xuất của nước này sẽ nâng giá bán đối với sản phẩm thép cây.
Theo dự báo, giá phế HMS 1&2 (80:20) nhập khẩu từ Mỹ khả năng sẽ điều chỉnh lên 460 USD/tấn, kéo theo cơ hội nâng giá thép cây của Đài Loan lên 21.000 Đài tệ/tấn sau tết âm lịch.
Được biết, phế liệu nhập khẩu leo thang do hoạt động thu thập phế gặp nhiều khó khăn hơn trong mùa đông khắc nghiệt, dẫn đến thắt chặt nguồn cung.
Trung Quốc nâng giá xuất khẩu tấm vừa thêm 10 USD/tấn
Do được lèo lái bởi sức tăng của giá thép trong nước, Trung Quốc cũng đã nâng giá thép tấm vừa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Hiện tại, thép tấm vừa khổ 12-50mm*2000-2500mm có giá xuất khẩu điều chỉnh lên 650 USD/tấn fob, tăng 10 USD/tấn so với giá tuần trước. Theo dự báo, giá thép tấm vừa sẽ còn tăng giá trong tương lai gần.
Kyoei nâng giá thép cây hơn 100 USD/tấn
Kyoei Steel, nhà sản xuất thép cây lớn nhất Nhật Bản đã quyết định nâng giá bán thép cây trong nước cho tháng 01 năm tới thêm 10.000 Yên/tấn (119 USD/tấn) lên mức 65.000 Yên/tấn (774 USD/tấn) đối với loại có kích thước cơ bản. Việc nâng giá này là để bù đắp chi phí dản xuất đầu vào tăng cao.
Trong những tuần gần đây, Kyoei đã đưa ra mục tiêu giá tháng 12 là 55.000 Yên/tấn và cuối cùng đã đạt được, tuy nhiên giá phế liệu thời đã tăng nhanh chóng thì giá trên đã không còn phù hợp, nếu tiếp tục duy trì chắc chắn bị lỗ, vì vậy nhà sản xuất đã phải điều chỉnh giá bán ra
Đối thủ Tokyo Steel Manufacturing cũng đã thông báo nâng giá bán tháng 12 này thêm 2.000 Yên/tấn và tiếp tục nâng thêm 8.000 Yên/tấn nữa cho tháng 01 năm tới.
Hiện tại, thép cây có kích thước cơ bản tại Tokyo có giá bán 58.000-59.000 Yên/tấn (690-702 USD/tấn), tăng khoảng 2.000 Yên/tấn so với đầu tuần này, nhưng tại Osaka, giá không có gì thay đổi, vẫn duy trì ở mức 54.000-55.000 Yên/tấn. Giá bán tại Osaka sẽ tăng sớm để phản ứng lại chính sách nâng giá của Kyoei.
Giới kinh doanh thép tấm Trung Quốc găm hàng chờ giá lên
Giá thép tấm của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng kể từ giữa tháng 12 do các nhà sản xuất trong nước đồng loạt nâng giá bán, đồng thời tồn dự trữ cũng giảm xuống. Giới thương nhân lạc quan hơn về triển vọng giá đầu năm tới vì vẫn đang nhận được sự hỗ trợ của giá nguyên vật liệu thô.
Hàng loạt các nhà sản xuất như Baosteel, Anshan Iron & Steel, Wuhan Iron & Steel, Baotou Iron & Steel, Ma'anshan Iron & Steel, Shouguan Iron & Steel và Liuzhou Iron & Steel đều đã thông báo nâng giá bán thép tấm trong tháng 01 tới, hé mở ra nhiều tín hiệu khởi sắc cho thị trường thép tấm vào đầu năm 2011.
Trong khi đó, các tồn dự trữ trên thị trường đã bắt đầu giảm kể từ tháng 11. Theo số liệu từ Hiệp hội Gang Thép Trung Quốc (CISA), tồn dự trữ thép tấm tại 26 thành phố lớn của Trung Quốc tính đến cuối tháng 11 đã giảm 11% so với thời điểm cuối tháng 10.
Giới thương nhân cũng cho biết, tồn dự trữ giảm là do lượng tiêu thụ từ người tiêu dùng trực tiếp đã cải thiện sau khi giá có tín hiệu tăng kể từ tháng 11. Thêm vào đó, sản lượng thép tấm cũng đã bắt đầu giảm từ tháng 10 do áp dụng chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ. Sản lượng thép tấm trong tháng 11 giảm 5% xuống mức 5,5 triệu tấn từ mức 5,8 triệu tấn trong tháng 10.
Hiện tại, tồn dự trữ giảm, trong khi giá cả tăng lên dẫn đến việc hạn chế bán ra từ các thương nhân để chờ cơ hội giá tăng thêm nữa. Hiện tại, thép tấm Q235 14-20mm đang được chào bán ở mức 4.700-4.800 NDT/tấn (706-721 USD/tấn), bao gồm VAT 17% tại Thượng Hải, còn tại Lecong (Quảng Đông), giá là 4.800-4.900 NDT/tấn, cũng bao gồm VAT. Cả hai cùng tăng 100-150 NDT/tấn so với thời điểm giữa tháng 12.
Giá thép thanh và thép hình nam Âu tăng giá
Giá thép hình và thép thanh thương phẩm ở khu vực nam Âu đã tăng giá 50-80 EUR/tấn (65-104 USD/tấn) kể từ cuối tháng trước nhờ vào sự hỗ trợ từ chi phí nguyên vật liệu thô leo thang.
Giá giao dịch cơ bản đối với thép thanh trong khu vực hiện vào khoảng 220-240 EUR/tấn, nếu cộng thêm các chi phí khác giá là 540-560 EUR/tấn.
Còn đối với thép hình loại một, giá giao dịch cơ bản ở mức 270-300 EUR/tấn, cộng với các chi phí phụ là 540-560 EUR/tấn.
Giá thép hình và thanh thương phẩm ở nam Âu đã tăng giá kể từ tháng 11, và mức tăng đã chạm mục tiêu kỳ vọng của nhà sản xuất. Tôi cho rằng giá sẽ chạm tới mục tiêu tiếp theo là 280 EUR/tấn và 340 EUR/tấn (giá cơ bản) đối với thép thanh thương phẩm và thép hình như hầu hết các nhà sản xuất đang hướng tới bất chấp nhu cầu vẫn yếu, một thương nhân nói.
Cũng theo một số nguồn tin thị trường từ Italia, hiện thời lượng tiêu thụ thép hình thấp hơn thép thanh thương phẩm, điều này đã dẫn đến việc tạm ngưng hoạt động xưởng sản xuất thép hình Sellero của Riva trong tháng 12, và khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 01 và 02 năm sau.
Tuần trước, hai nhà sản xuất Gallardo và ArcelorMittal thông báo nâng giá bán thép hình và thép thanh thương phẩm cho các hợp đồng mới lên mức 650 EUR/tấn và 600 EUR/tấn, đã gồm phí vận chuyển.
Triển vọng trong tháng 01 vẫn tiếp tục tăng giá, vì vậy khả năng đạt mục tiêu của các nhà sản xuất là rất lớn.
Giá thép dẹt tại UAE vẫn tăng bất chấp nhu cầu yếu
Giá thép dẹt tại các nước Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UEA) vẫn tăng mặc dù nhu cầu chưa có sự cải thiện đáng kể. Hiện tại các chào giá nhập khẩu từ nước ngoài vào UAE cũng rất ít vì hầu hết các nhà nhập khẩu đã bước vào nghỉ lễ.
Hiện giá chào xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC vào UAE ở mức 670-690 USD/tấn cfr, trong đó có Nga chào bán ở mức 675 USD/tấn cfr. Còn giá bán của các nhà sản xuất trong nước đứng ở mức 680 USD/tấn.
Nhu cầu hiện thời không hỗ trợ cho giá cả thị trường, nhưng trong năm tới khả năng sẽ tốt hơn.
Giá phôi Trung Quốc lập kỷ lục mới
Giá phôi ở thành phố Đường Sơn đã lập kỷ lục mới do bị lèo lái bởi chi phí sản xuất tăng mạnh.
Hôm qua thứ Tư ngày 22/12/2010, giá phôi Q235 150x150mm xuất xưởng của các nhà sản xuất Đường Sơn có giá 4.250-4.270 NDT/tấn (640-643 USD/tấn), trong khi giá bán hồi thứ Tư tuần trước giá là 4.210 NDT/tấn. Giá trên đã bao gồm thuế VAT và các chi phí cơ bản bằng tiền mặt khác.
Một nhà sản xuất ở Đường Sơn cho biết, giá phôi sẽ tăng thêm chút nữa thời gian tới do giá nguyên vật liệu thô vẫn chưa chấm dứt đà đi lên, trong khi nguồn cung thì vẫn đang thắt chặt.
Hiện nay, một số thương nhân đã bắt đầu mua vào để tái tích trữ do họ đã nhận ra rằng họ phải chấp nhận mua với giá cao.
Nhớ lại hồi cuối năm 2009, giá phôi chỉ ở mức 3.400 NDT/tấn, thấp hơn khoảng 850-870 NDT/tấn so với thời điểm hiện tại. Giá nguyên vật liệu thô leo thang đang đóng băng lợi nhuận của các nhà sản xuất. Chúng tôi chỉ lời khoảng 60 NDT cho mỗi tấn phôi, một nhà sản xuất phôi khác đã nói.