Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bản tin thế giới ngày 28/3/2011

Sản xuất thép thô của Trung Quốc tiếp tục tăng

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Gang Thép Trung Quốc (CISA) cho thấy sản xuất thép thô hàng ngày của Trung Quốc tiếp tục tăng trong 10 ngày đầu và giữa tháng 03 từ mức cao kỷ lục được thiết lập hồi cuối tháng 02.

Tuy nhiên, giới trong ngành đang thắc mắc về dữ liệu sản xuất từ CISA, đặc biệt là các số liệu sản xuất thép thô hàng ngày được ước tính trong tháng 02 và tháng 03. Giới kinh doanh với quy mô lớn và các nguồn thị trường cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuất với kỳ vọng sẽ tăng mức lợi nhuận thu được.Tổng sản xuất thép thô hàng ngày trong tháng trước và tháng này tăng cao đáng ngờ.

Họ quan ngại mức giảm trong 02 tháng cuối năm 2010 mà được cho là do chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ có thể được phóng đại và nghi ngờ rằng con số sản xuất trong tháng 02 và tháng 03 được nói ở trên là được thổi phồng lên.

Theo CISA, sản xuất thép thô hàng ngày của Trung Quốc trong 10 ngày đầu tháng 03 đạt 1,9 triệu tấn/ngày, giảm nhẹ so với mức 1,91 triệu tấn/ngày cuối tháng 02, trong khi 10 ngày giữa tháng 03 đã phục hồi lại mức 1,94 triệu tấn/ngày.

Sản lượng thép thô bình quân tháng 11 và 12/2010 chỉ đạt lần lượt là 1,67 triệu tấn/ngày và 1,66 triệu tấn/ngày do ảnh hưởng từ chiến dịch tiết kiệm năng lượng của chính phủ Bắc Kinh.

Các nguồn thị trường cho rằng con số sản xuất thép thô hằng ngày trong tháng 11 và 12 của CISA là thấp hơn 100,000 tấn/ngày so với số liệu thực tế, điều này có nghĩa là số liệu sản xuất tháng 2 và 3 chỉ đạt 1,85 triệu tấn chứ không phải cao như CISA  thống kê là 1,91-1,94 triệu tấn/ngày.

Tuy nhiên, giới trong ngành tin rằng tồn thép trên thị trường sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng và mức sản xuất 1,85 triệu tấn/ngày vẫn khá cao đối với thị trường vốn đang suy yếu như hiện nay tại Trung Quốc.

 

Trung Quốc:tăng trưởng GDP chậm hơn khiến tiêu thụ thép không ổn định

Ông Li Shijun, chuyên gia phân tích thuộc Hiệp hội Gang Thép Trung Quốc (CISA) phát biểu trong cuộc họp báo hôm 24/03 rằng, dù mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2015 là 7%, mức thấp hơn so với mục tiêu trước đó, thì tiêu thụ thép của nước này có đạt được mục tiêu trên hay không, tất cả đều phụ thuộc vào những nỗ lực của chính phủ trong việc kích thích tiêu thụ thép nội địa.

Ông nói nếu Trung Quốc có thể thành công trong việc quản lý mức tăng trưởng GDP hàng năm là khoảng 7-8% bằng cách khuyến khích tiêu dùng trong nước nhiều hơn là đầu tư vào các tài sản số định, thì khả năng tiêu thụ thép thô có thể đạt mức 600-700 triệu tấn/năm. SBB cho hay, nếu theo chuyên gia trên thì tiêu thụ thép của Trung Quốc hầu như vẫn không thay đổi so với mức 599 triệu tấn trong năm 2010, tăng 6% so với mức 565 triệu tấn trong năm trước đó.

Ông Li cho biết tiêu thụ thép chậm hơn là do sự phát triển của ngành xây dựng và chế tạo máy móc tăng chậm. Ông cho hay, ngành chế tạo máy móc chiếm trên 18% tổng tiêu thụ thép của của Trung Quốc vào năm ngoái, còn ngành xây dựng chiếm đến 56%.

Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế thực tế trong giai đoạn 2011-2015 của trung Quốc vượt quá mục tiêu và đạt 8-9%, thì tiêu thụ thép thô của nước này trong 05 tới sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 670-750 triệu tấn/năm.

Nhưng nếu Trung Quốc thất bại trong mô hình tái cơ cấu nền kinh tế phát triển, có nghĩa là tốc độ tăng trưởng GDP sẽ vượt mốc 9-10% như hiện tại, thì tiêu thụ thép sẽ tăng lên mức 750-850 triệu tấn/năm, ông Li nhấn mạnh. Trung Quốc đã đặt mục tiêu GPD cho giai đoạn 2006-2010 là 7,5%. Tuy nhiên, tăng trưởng thực tế đã vượt chỉ tiêu với mức trung bình là 11,1%.

 

Giá thép cuộn tại Italy sẽ tăng trong quý Ba

Antonio Marcegaglia- giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất thép ống và cán lại Marcegaglia SpA phát biểu tại cuộc họp báo ở Brescia rằng giá thép cuộn tại Italia có thể sẽ tăng trong quý Ba tới.

“Tôi cho là giá thép cuộn tại thị trường Italia sẽ tăng 30-40 EUR/tấn trong quý Ba vì chi phí nguyên liệu thô hiện đang tăng nhanh hơn so với nhu cầu thực tế,” dẫn lời vị giám đốc này nói.

Sau khi lực mua tăng mạnh trong 02 tháng đầu năm, khả năng nhu cầu thép cuộn sẽ trở yếu trong quý Hai tới, qua đó có thể ép giá đi theo hướng giảm. Tuy nhiên, thị trường thép nói chung sẽ tiếp tục theo xu hướng lên, ông Marcegaglia nhận định.

Giá xuất xưởng cơ bản đối với HRC hiện là 620-630 EUR/tấn, tương đương với 566 EUR/tấn cif (800 USD/tấn).

Marcegaglia khẳng định công ty sẽ tiếp tục chiến lược mở rộng thị trường thép cuộn mạ kẽm và cuộn thép tẩy gỉ không chỉ đơn thuần cho tiêu dùng trong nước mà còn cho cả xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Thị trường phế Trung Quốc vẫn đang chờ xu hướng rõ ràng

Theo các nhà quan sát thị trường, phần lớn các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang trông chờ xu hướng rõ ràng hơn. Tuần rồi giá phế đã duy trì ổn định.

Shagang- một trong những nhà tiêu thụ phế lớn nhất ở các tỉnh phía đông Trung Quốc đã giữ giá mua không thay đổi. Hiện phế dày 6mm trở lên ở khu vực này có giá phổ biến ở mức 3.600-3.700 RMB/tấn (549-564 USD/tấn) gồm 17% VAT, giống với giá tuần trước.

Theo một nhà sản xuất phía đông nhận định dường như vẫn còn khó khăn để có thể dự đoán được diễn biến thị trường tại thời điểm này vì vậy mà giá phế sẽ không thay đổi gì nhiều trước cuối tháng 3.

Còn nhà sản xuất Shougang Qian’an Iron & Steel và Lingyuan Iron & Steel ở khu vực phía bắc đã nâng giá mua phế khoảng 30-50 RMB/tấn (5-8 USD/tấn) nhằm đảm bảo nguồn cung phế chất lượng tốt. Tuy nhiên, sự việc này không tác động gì đến tổng thể thị trường trong khu vực vì không có nhà máy nào khác theo quyết định nâng giá như hai nhà sản xuất trên.

Hiện phế dày 6mm trở lên ở thị trường phía bắc có giá 3.650-3.750 RMB/tấn (557-572 USD/tấn), bao gồm VAT và cũng không đổi so với giá cách đó một tuần.

Các nhà sản xuất lớn ở phía bắc Trung Quốc dự đoán giá phế có khả năng hồi phục trong tháng 04. Hơn nữa, lực cầu thường mạnh hơn trong quý Hai sẽ hỗ trợ cho giá tăng.

 

Thị trường xuất khẩu thép cây Thổ Nhĩ Kỳ ấm lên trong tuần này

Thị trường xuất khẩu thép cây của Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước khá trầm lắng. không có đơn đặt mua phế nào đáng kể, do đó thị trường thép cây không có quyền quyết định về giá chào bán. Nhưng trong tuần này, các đơn đặt mua phế có cải thiện hơn chút ít nên khả năng giá chào bán thép cây cũng ổn định hơn. Được biết các chào bán hiện đang ở quanh mức 670-680 USD/tấn fob. Còn giá chào phôi hiện là 640 USD/tấn.

Iraq và Nam Mỹ gần đây đang nhập thép cây từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nguồn thị trường, nhu cầu phôi từ Viễn Đông cũng đã nhen nhóm. Một vài nhà sản xuất bắt đầu chào bán thép tháng 05 cho biết họ đã nhận đủ đơn hàng tháng 04.

Mặc dù thị trường Iraq không sôi động như những tuần trước do đang trải qua kỳ nghĩ lễ, nhưng vẫn là thị trường mạnh cho các xuất khẩu thép cây Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự cải thiện nhu cầu nội địa trong vài tuần tới có thể sẽ gỡ bỏ áp lực xuất khẩu cho các nhà sản xuất trong nước.

 

Nhập khẩu phế Trung Quốc giảm trong tháng 02

Nhập khẩu phế Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 2 do thời điểm này rơi vào nghỉ tết Nguyên đán nên nhiều nhà sản xuất ngưng hoạt động, cộng với giá trên thị trường thế giới tăng quá nhiều.

Theo số liệu thống kê từ cục hải quan, Trung Quốc nhập 244.204 tấn phế có chứa carbon trong tháng 01, giảm 206.083 tấn (46%) so với tháng trước. Thông thường nhập khẩu phế tháng 02 đều rơi vào điều chỉnh, vì vậy không có gì lạ khi lượng nhập giảm đáng kể so tháng giêng.

Nhưng cũng theo nhận định của một thương gia phía đông Trung Quốc, lượng nhập khẩu phế tháng 02 năm nay giảm mạnh so với tháng 02/2010 đến 45% là do giá phế trên thị trường thế giới tăng mạnh đầu năm nay.

Phế 80:20 HMS 1&2 của Mỹ chào bán vào Trung Quốc với giá đạt đỉnh 530 USD/tấn cfr vào giữa tháng 01, trong khi giá mua tại thị trường trong nước Trung Quốc với cùng loại phế trên hiện có giá 3.160 RMB/tấn (480 USD/tấn) chưa 17% VAT. Mức độ chênh lệch giá giữ Trung Quốc và thế giới là 50 USD/tấn dẫn tới các nhà sản xuất và thương nhân Trung Quốc mất dần sức hấp dẫn đối với phế nhập từ Mỹ.

 

Brazil:Nguồn cung xuất khẩu thép dài hạn hẹp đẩy giá tăng lên

SBB dẫn tin từ các nguồn thị trường cho hay, sự thiếu hụt nguồn cung xuất khẩu thép dài khiến cho các giao dịch cuộn trơn của Brazil với nước ngoài đã được tạm ngưng, còn hoạt động xuất khẩu phôi và thép cây của nước này cũng đang bị gián đoạn.

“Các nhà sản xuất Brazil đang tập trung sản xuất nhằm cung ứng cho thị trường nội địa do nhu cầu ở đây mạnh gấp hai lần so với sự bất ổn trên thị trường quốc tế khiến cho hầu hết các nhà sản xuất đều tạm ngưng xuất khẩu chờ tình hình tốt hơn,” một thương nhân nói.

Có rất ít lô hàng xuất sang Châu Âu và Châu Á, nơi  mà nhu cầu khá nhạy cảm và người tiêu dùng đang chấp nhận với mức giá cao hơn. Các hợp đồng thép cây giao tháng 05 được chào bán với giá 700-710 USD/tấn fob.

Giá phôi xuất khẩu sang Châu Âu có giá khoảng 655 USD/tấn và sang Châu Á thì có giá là 680 USD/tấn cfr. “Tuy nhiên, nhằm phù hợp với giá quốc tế tăng cao, một số nhà xuất khẩu phôi Brazil đã điều chỉnh giá tăng lên 665 USD/tấn fob, như vậy mức giá này là quá cao so với mức hiện tại,” một thương nhân cho hay.

 

Nhu cầu thép cây tại Ả Rập Saudi tăng nhờ các dự án xây dựng nhà ở mới của chính phủ

Thị trường thép cây Ả Rập Saudi được dự đoán là sẽ tăng lên trong dài hạn sau khi các dự án xây dựng nhà ở mới được phê duyệt bổ sung trong 10 năm tới.

Chính phủ nước này lên kế hoạch xây khoảng 500.000 ngôi nhà, qua đó có thể đẩy nhu cầu thép toàn quốc tăng 20-30% trong những năm tới.

Các dự án xây dựng nhà mới được ước tính là sẽ làm tăng lượng tiêu thụ thép hàng năm của nước này thêm 2-3 triệu tấn. Hiện tiêu thụ thép cây tại Ả Rập đạt khoảng 6 triệu tấn/năm và có thể đạt 8 triệu tấn/năm hoặc có thể cao hơn nữa.

Một thương nhân nói với SBB rằng “Ả Rập Saudi là thị trường thép lớn nhất Trung Đông kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nay, và với các dự án xây dựng được chính phủ đưa ra thì vị trí này có thể được duy trì trong những năm tiếp theo. Dường như những cuộc lật đổ chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ không thế lan sang Ả Rập.”

 

Các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ chờ thời cơ quay lại Libya

Sau cuộc khủng hoảng chế độ nắm quyền ở Libya và sự can thiệp vũ trang của quân đội quốc tế trong thời điểm hiện tại, các công ty đang nỗ lực hạn chế tối đa mức chịu lỗ và triễn vọng kinh doanh bất thành của họ tại đất nước này.

Ngành xây dựng cũng như ngành sản xuất thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu ảnh hưởng khá nhiều tới sự dán đoạn hòa bình ở Libya. Các công ty xây dựng hiện đang ước tính đến mức độ thiệt hại của họ, còn các nhà sản xuất thép thì chờ các dự án phục hồi để lấy lại thị phần ở Libya.

Ridvan Murat, tổng giám đốc nhà sản xuất thép AlfaCelikb cho biết, mặc dù các nhà máy trực thuộc AlfaCelikb tại Libya đã tạm ngưng sản xuất, nhưng các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu tái hoạt động trở lại ở Libya trong thời gian sớm nhất có thể.

25.000 công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Libya đã rời khỏi đất nước này vì tình trạng hỗn chiến.

Hiện tại, các nhà tham gia thị trường đang chờ xem xu hướng thị trường cũng như các đơn đặt mua mới từ khu vực này.

Một số quan ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ mất sự ảnh hưởng tới khu vực này, do đó sẽ mất đi các cơ hội giành hợp đồng. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên thuộc khối Nato-khối dẫn đầu trong nỗ lực kiểm soat vùng cấm bay ở Libya.

 

Nhập khẩu thép cuộn không gỉ của Thổ Nhĩ Kỳ chậm trong tháng 01

SBB dẫn tin từ các nguồn thị trường cho biết, nhập khẩu thép cuộn không gỉ của Thổ Nhĩ Kỳ chậm dần kể từ đầu năm 2011, trong khi nhu cầu tiếp tục suy yếu do giá có nhiều dấu hiệu trượt dốc và người mua tạm ngưng gom hàng kể từ cuối năm ngoái.

Trong tháng 01/2011, nước này đã nhập khoảng 23.603 tấn thép cuộn không gỉ, tăng 03% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 20% so với mức 29,531 tấn được nhập trong tháng 12/2010.

Nhập khẩu tháng 01 cũng được cho là thấp hơn 14% so với mức nhập khẩu trung bình hàng tháng của năm 2010. Tổng nhập khẩu trong năm 2010 của nước này đạt 328.814 tấn.

Đài Loan vẫn là nhà cung cấp lớn nhất của nước này với 4.494 tấn. Theo sau là Hàn Quốc với 4.159 tấn và Đức với 2.415 tấn.

 

Nhật Bản quan ngại thị trường phế nội địa

Hoạt động gom phế ở khu vực Kanto gần Tokyo khá chậm do các thương nhân trong khu vực quan ngại về những hậu quả của sự nhiễm phóng xạ. “ Tất nhiên là chúng ta sẽ thấy nguồn cung phế sẽ dồi dào ở khu vực phía bắc Tohoku sau khi tập trung vào cuộc tái thiết, nhưng tất cả đều cần thời gian.” Một thương nhân ở Tokyo cảnh báo.

Sau trận động đất và sóng thần hôm 11/03 rồi, các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima bị hư hại, sự bức xạ lên bầu khí quyển có thể gây ra nhiều vấn đề cho các nhà kinh doanh phế vì các đơn vị dò tìm tại các cổng nhà máy bị kích nổ khi có sự vận chuyển phế từ bên ngoài vào.

Chúng tôi quan ngại rằng hoạt động vận chuyển phế tới các nhà máy phía tây Nhật Bản bị tạm ngưng khiến các nhà kinh doanh phế phải trữ hàng tồn ở Vịnh Tokyo. Tình trạng thiếu hụt dầu diesel vẫn tiếp diễn ở Kanto, khiến cho các nhà phân phối phế phải giới hạn khu vực được vận chuyển đến.

Mặc dù các thương nhân muốn xã bớt hàng tồn trước năm tài khóa Nhật Bản đang cận kề (ngày 31/03) vì họ cần tiền mặt, nhưng hiện họ đang chờ xem diễn biến mới và kỳ vọng ít nhất giá cũng sẽ duy trì ổn định do các nhà sản xuất ở phía tây Nhật Bản bắt đầu gom hàng tích trữ để chuẩn bị thép cho công cuộc tái thiết đất nước ở khu vực phía đông.

Tuy nhiên, cần có thời gian cho giá phục hồi trở lại. Tokyo Steel đã hạ giá thu mua phế tất cả các loại khoảng 1.000-1.500 Yên/tấn (12-18 USD/tấn), và được áp dụng kể từ ngày 25/03. Như vậy, giá phế H2 giao tại xưởng máy ở Okayama giảm xuống còn 37.500 Yên/tấn và tại Kyushu giảm xuống còn 37.000 Yên/tấn.

Điều đáng nói là, Tokyo Steel đã thông báo giá thu mua giao tại Utsunomiya, qua đó cho thấy các nhà máy tạm ngưng sản xuất sau trận động đất ở đây sẽ sớm hoạt động trở lại.

 

Thép dẹt Brazil có nguy cơ bị đe dọa bởi hàng nước ngoài

Theo nguồn tin từ các nhà tham gia thị trường, sau khi các nhà sản xuất thép dẹt Brazil thông báo tới nhà chế tạo ô tô tăng giá thép dẹt thêm 10% giao tháng 4, càng giấy lên niềm tin về nhu cầu thép nhập khẩu sẽ tăng trở lại.

Cledorvino Belini – chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Anfavea tại Brazil phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây, nhiều nhà sản xuất ô tô hầu như đã khép lại các giao dịch với các nhà máy thép trong nước. Hành động nâng giá có thể càng khuyến khích cho hàng nhập khẩu tràn vào.

Nhưng Carlos Loureiro- chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối thép Inda nói rằng giá thép thế giới đã tăng và hiện giá thép thế giới cũng chỉ còn thấp hơn 15-20%, vì vậy thép nhập khẩu đã không còn hấp dẫn. Theo ông, việc nâng giá bán lần này là do giá quặng sẽ tăng 20% kể từ ngày 1/04/2011.

 

Phế Mỹ tăng giá tại thị trường Trung Tây

Theo giá tham khảo hàng tuần của TSI cho thấy, giá phế vụn của Mỹ giao tới nhà máy Midwest tuần trước có giá là 463 USD/tấn long, tăng 9 USD/tấn so với tuần trước đó và 8 USD/tấn so với tháng trước.

Các nguồn thị trường dự đoán giá phế vụn tại khu vực Trung Tây và Đại Tây Dương có thể sẽ được điều chỉnh tăng thêm 20 USD/tấn long so với giá tháng trước.

Theo báo cáo tháng 03 gần đây của thị trường phế thế giới từ Cục tái chế Quốc tế, “Hiện tại, các thương nhân nhận định giá phế tại thị trường Mỹ tăng đáng kể.”

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu ở bờ biển phía tây nước Mỹ thì ngược lại, giá phế HMS nhập khẩu sang thị trường Đông Á đã giảm xuống còn 480-485 USD/tấn.

 

Giá ống không hàn Trung Quốc ổn định

Giá thép ống không hàn Trung Quốc tuần rồi đã bình ổn trở lại sau hai tuần biến động vì diễn biến giá cả không rõ ràng.

Theo nguồn tin thị trường từ SBB, hôm 25/03 thép ống không hàn 219x6mm (GB/8163) tại Giang Tô và Sơn Đông vẫn có giá 5.800-5.850 RMB/tấn (883-890 USD/tấn) gồm 17% VAT, không thay đổi gì so với tuần trước sau khi giảm 50-100 RMB/tấn tuần trước nữa.

Một thương nhân Thượng Hải cho biết, sự kiện các nhà sản xuất phôi tròn công bố giữ giá xuất xưởng vào cuối tháng 3 cho thấy người mua vẫn trong tư thế án binh bất động, đang trông chờ xu hướng giá rõ ràng hơn. Thông qua sự kiện này phản ánh tổng thể thị trường thép chưa có dấu hiệu hồi phục. Mọi nỗ lực nâng giá trước đó của các nhà sản xuất thép ống hầu như thất bại vì lực cầu yếu cộng với giá phôi tròn giảm.

Hôm 21/03, Zhongtian and Changqiang- hai nhà sản xuất phôi tròn lớn ở phía đông Trung Quốc thông báo giữ giá bình ổn vào cuối tháng 3. Chẳng hạn, phôi tròn 20# từ các nhà máy vẫn là  5.170-5.200 RMB/tấn, đã bao gồm VAT và được thanh toán bằng tiền mặt.

Trong khi đó, công ty Anshan Iron & Steel- nhà sản xuất thép ống không hàn ở tỉnh Liaoning phía bắc Trung Quốc cũng thông báo giữ giá tháng 4 không đổi. Cụ thể là thép ống không hàn 219x6mm với giá còn 5.370 RMB/tấn chưa VAT.

 

Đông Nam Á: phôi tấn nhập khẩu đìu hiu vì thép cuộn suy yếu

Sự trầm lắng trong các giao dịch phôi tấm nhập khẩu tại thị trường Đông Nam Á là do chịu ảnh hưởng từ sự suy yếu của thị trường thép dẹt. Một nhà sản xuất Đài Loan đã đặt mua phôi dùng cán lại hồi đầu tháng 03 với giá 750 USD/tấn nhưng hiện nhà sản xuất này không còn mua với mức giá trên vì giá HRC đang đi xuống.

Các giá chào phôi dùng làm thép cuộn và thép tấm từ Nga hiện ở khoảng 750 USD/tấn cfr, một vài nhà cung cấp khác được nghe là có giá chào ở mức 720—730 USD/tấn cfr. Các giá chào thấp này đền từ một vài nhà sản xuất ở Châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang phải đối mặt với nhưng khó khăn trong việc bán HRC tại thị trường nội địa.

Các nhà nhập khẩu trong khu vực đang điều chỉnh giá bán xuống. “Giá chào hiện rất rời rạc vì hiện không có hợp đồng nào gần với mức giá trên,” một thương nhân trong khu vực cho biết. Ông nói các hợp đồng dưới mức 700 USD/tấn cfr. Một thương nhân khác cũng cho biết các nhà cung cấp hiện chưa sẵn sàng chấp nhận giá chào mua 690 USD/tấn cfr từ khách hàng nhưng khả năng giá HRC tiếp tục suy yếu.

Giá HRC trong khu vực chính thức giảm xuống sau khi các nhà sản xuất Trung Quốc điều chỉnh giá chào bán. “Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện đang chịu áp lực lớn về doanh số bán,” Một thương nhân Hong Kong nói. Giá chào đối với thép cuộn SS400B 3-12mm hiện chỉ còn 700-710 USD/tấn cfr, giảm 50-70 USD/tấn so với đỉnh cao hồi tháng trước.

Một số nhà sản xuất Hàn Quốc và Đài  Loan hiện đã điều chỉnh giảm giá chào xuất khẩu. Tuần trước, HRC cán lại chủ yếu là loại 2mm được chào bán với giá 780-800 USD/tấn fob mặc dù mục tiêu chung của các nhà sản xuất là đạt đến mức 830 USD/tấn fob.

 

Thị trường nhập khẩu phôi Đông Nam Á ứ đọng

Giá chào phôi từ Hàn Quốc và CIS sang Đông Nam Á hiện vẫn được giữ nguyên mức 680-685 USD/tấn cfr. Tuần trước, phôi Hàn Quốc được philippine đặt mua với giá 680 USD/tấn cfr.

Tuy nhiên, giá chào từ Đài Loan đã giảm xuống còn 640-650 USD/tấn cfr (665-675 USD/tấn cfr Đông Nam Á), từ mức giá tuần trước là 660 USD/tấn. Tuy nhiên, các nguồn thị trường Đài Loan nói với SBB rằng lực mua còn quá khiêm tốn trước các mức giá chào này. “Dù cho giá chào bán ở mức nào đi nữa thì khách hàng vẫn do dự với quyết định mua,” một thương nhân Đài loan nói. Các giá chào phôi từ Nga sang Đài Loan hiện ở mức 660-670 USD/tấn cfr.

Thị trường nhập khẩu phôi sang Đông Nam Á hiện khá trầm lắng do niềm tin thị trường khá yếu và thêm vào đó là giá thép cây tại thị trường nội địa đang hướng xuống. “ các nhà cán lại rất khó có thể nhận được giá thép cây ở mức hòa vốn. Hoặc là chịu bán lỗ hoặc là phải găm hàng chờ giá lên.” Một thương nhân philippine nói.

“Thị trường phôi cho thấy các dấu hiệu đi xuống kể từ tuần trước do nhu cầu phôi cũng như mức tiêu thụ thép thành phẩm quá thấp,” một nhà sản xuất Việt Nam nói. Giá chào phôi từ Malaysia sang Việt Nam hiện ở mức 690 USD/tấn cfr. “Nhưng khách hàng Việt Nam cũng không mặn mà lắm với mức chào này,” một thương nhân Việt Nam cho hay.

Tại Thái Lan, thị trường nhập khẩu phôi cũng khá trầm lắng, hiện đang được giao dịch ở mức 650-660 USD/tấn cfr. Phôi tấm từ CIS được chào bán với giá 680-685 USD/tấn cfr. Một thương nhân Thái Lan cho biết phôi từ Bắc Mỹ hiện  có giá là 675-680 USD/tấn nhưng vẫn chưa có hợp đồng nào được thỏa thuận. Người tiêu dùng trực tiếp thích dùng phôi nội địa vì có giá rẻ hơn phôi nhập khẩu.