1. Tuần toàn thắng của đồng bạc xanh.
Theo kết quả doanh số bán lẻ được công hôm thứ sáu, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 4 tăng chậm lại với mức tăng chỉ 0.4%, nhưng với kết quả điều chỉnh số liệu của tháng 3 tăng mạnh ở mức 2.1% và với 4 tháng tăng liên tục trong báo cáo chi tiêu đã nâng đỡ cho đồng USD khá tốt. Nhưng nhìn chung tình hình vẫn khả quan với tiêu dùng không tính yếu tố phương tiện vận tải và nhiên liệu tăng 0.4%, vượt kì vọng. Chi tiêu của người tiêu dùng có thể đang chậm lại nhưng nó vẫn đang đà tăng và con số tăng trưởng tương đối đang bị bóp méo bởi các kì nghỉ lễ khiến tiêu dùng tăng đột biến. Tháng tư là một tháng rất tốt của các nhà bán lẻ, nhưng tháng ba là tháng tiêu dùng mạnh hơn rất nhiều. Các báo cáo khác cũng khá khả quan. Sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 0.8%, tỉ lệ sử dụng vốn (máy móc, nhà xưởng) đạt 73.7% so với 73.1% sau khi đã điều chỉnh giảm trong tháng 3. Tuy nhiên, niềm tin người tiêu dùng tháng 5 do ĐH Michigan khảo sát giảm nhẹ so với tháng trước, đạt 73.7 so với 73.5 của tháng 4.
Trên thị trường chứng khoán, “bóng ma” khủng hoảng tại châu Âu tiếp tục tạo không khí ảm đạm trên thị trường chứng khoán phố Wall. Cả 3 chỉ số, dẫn đầu là Dow Jones giảm 1.51%, tiếp đến là Nasdaq giảm 1.98% và cuối cùng S&P500 giảm 1.88%. Mặc dù giảm mạnh phiên cuối tuần nhưng chứng khoán Mỹ vẫn có tuần giao dịch thành công nhất trong 10 tuần qua. Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2.3%, chỉ số S&P 500 lên 2.2% và chỉ số Nasdaq tiến thêm 3.6%.
Rất khó để định lượng, nhưng chúng ta có thể thấy rằng sự hấp dẫn của đồng USD chịu sự chi phối lớn bởi yếu tố tâm lý. Nếu tình hình không thay đổi, các tin tức xấu về tăng trưởng toàn cầu và ổn định tài chính sẽ là động lực chính tiếp thêm lực hỗ trợ cho đồng tiền quốc tế này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cần phải nhìn xa hơn xu hướng ưa chuộng rủi ro; và đo lường có hay không các yếu tố cơ bản của riêng đồng USD có thể vượt qua được sự bi quan của thị trường toàn cầu khi mà các vấn đề tại châu Âu một lần nữa được đề cập. Hiện tại, với các tiêu chuẩn về sức khỏe nền kinh tế, lãi suất và điều kiện tài chính, Mỹ đều đang ở vị thế tốt hơn so với đối thủ của nó: Liên minh châu Âu. Miễn là tương quan này còn được duy trì, đồng bạc xanh sẽ tìm được bệ đỡ vững chắc trong thời gian tới.
Hôm nay, phiên giao dịch đầu tuần không có báo cáo kinh tế nào đáng chú ý, thị trường sẽ thận trọng hơn để đón nhận báo cáo trên thị trường nhà đất trong thứ 3, CPI tháng 4 và biên bản cuộc họp FOMC trong thứ 4, đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào thứ 5. Đặc biệt, bộ thương mại sẽ báo cáo số liệu cầu nước ngoài đối với đồng USD cùng lúc với biên bản của FOMC. Viễn cảnh đồng USD khá tươi sáng.
2. Giá vàng điều chỉnh trong phiên cuối tuần.
“Rất nhiều tiền ra khỏi thị trường vàng để bù đắp cho mức ký quỹ khi các thị trường khác sụp đổ. Các nhà đầu tư buộc long phải bán đi danh mục hiệu quả nhất của họ.” (trích phát biểu của Adam Klopfenstein, chiến lược gia của Lind-Waldock ở Chicago)
Ngay cả những phân tích kỹ thuật, đường chỉ số sức mạnh thị trường trong vòng 14 ngày cũng có dấu hiệu cho thấy giá vàng sẽ giảm.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định đây chỉ là những phiên điều chỉnh nhất thời sau khoảng thời gian tăng liên tục. Khi nào những bất ổn hiện tại trên thị trường chưa được giải quyết, vàng sẽ còn lực hỗ trợ để tiếp tục củng cố xu hướng tăng giá.
3. EUR/USD: giao dịch ở mức thấp nhất kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ.
Lịch kinh tế đầu tuần khá trống những thông tin kinh tế quan trọng được công bố, tâm lý lo lắng hiện vẫn bao trùm khiến đồng EUR/USD tiếp tục đà suy giảm trong tuần. Tuy nhiên, tỷ giá EUR/USD nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh tăng nhẹ vào những giờ đầu của phiên giao dịch đầu tuần sau khi đã trượt giảm mạnh mẽ.
4. Thông tin Nhật tích cực khi nhà đầu tư trấn thủ an toàn hỗ trợ Yên.
Vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo ngại mang tên Hy Lạp, lo ngại về một cuộc khủng hoảng lan rộng khắp Châu Âu, giới đầu cơ tỏ ra thận trọng đã rút dần khỏi chiến thuật “carry trade”, trong đó đồng JPY được vay để tài trợ đầu cơ vào các chứng khoán, giảm lực bán ra đồng JPY và nhờ đó, Yên Nhật tạm thoát khỏi đà mất giá. VIX, một trong những chỉ số định lượng cho tâm lý bất an của thị trường đã tăng 20% vào cuối tuần qua. Ngoài ra, góp phần củng cố sức mạnh của đồng JPY còn là nhờ vào thông tin kinh tế Nhật Bản công bố tích cực. Theo tin từ Văn phòng Nội các công bố, số đơn đặt máy móc thiết bị của Nhật tháng 3 lần đầu tiên trong năm 2010 này đã tăng 5.4% so với tháng trước và tăng 1.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số đơn đặt hàng, một trong những chỉ báo cho giá trị đầu tư của các doanh nghiệp trong thời gian từ 3 tới 6 tháng, tăng là dấu hiện cho thấy các doanh nghiệp đang và sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất trên cơ sở tin tưởng rằng viễn cảnh kinh tế Nhật đang hồi phục khả quan.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khuyến nghị rằng nên thận trọng với sự mạnh lên của đồng Yên, bởi sự giảm điểm của chỉ số chứng khoán Nhật Nikkei 225 trong ngày giao dịch hôm 14/5 vừa qua đã cho thấy tác động tiêu cực của đồng Yên mạnh vì đã đe dọa doanh thu cụng như lợi nhuận của các công ty xuất khẩu. Đồng Yên mạnh khiến cho các hàng hóa Nhật trở nên đắt đỏ hơn đối với ngừơi tiêu dùng ở các nước khác.
Một số thông tin kinh tế Nhật được trông chờ sẽ công bố trong tuần với: chỉ số ngành công nghiệp nặng, chỉ số niềm tin tiêu dùng và số liệu GDP ước tính. Đáng chú ý là quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật công bố vào ngày thứ 5
scb.com.vn