Giá cả nội địa ổn định trong bối cảnh xu hướng thị trường bất ổn trước các áp lực giải phóng tồn kho và nhu cầu chậm cuối năm. Trong khi đó, thị trường đường biển vẫn bế tắc với chênh lệch chào bán- chào mua lớn.
Cơ quan quản lý kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - sẽ tiếp tục theo dõi những thay đổi về giá cả hàng hóa và hạn chế đầu cơ. Cơ quan quản lý có kế hoạch ổn định thị trường và giá cả bằng cách sử dụng dự trữ quốc gia và bằng cách tăng nguồn cung cấp nguyên liệu có hiệu quả.
Cảng Đường Sơn đã bị đóng cửa không cho bất kỳ hoạt động tải hàng hoặc dỡ hàng bằng xe tải diesel hạng nặng kể từ ngày hôm qua, và việc vận chuyển ra vào các nhà máy thép cũng đã bị cấm để giảm ô nhiễm không khí.
Tại thị trường trong nước, HRC xuất xưởng Thượng Hải giữ nguyên ở mức 4,850 NDT/tấn (764 USD), trong khi HRC kỳ hạn tháng 5 tăng 1.68% lên 4,550 NDT/tấn.
Tâm lý thị trường trái ngược nhau, với một số thương nhân tăng giá chào hàng lên 4,870-4,880 NDT/tấn do giá giao sau tăng và việc cắt giảm sản lượng cho Thế vận hội mùa đông sắp tới. Nhưng một số thương nhân đã hạ giá nhẹ xuống 4,840 NDT/tấn để thu hút đơn đặt hàng do lo ngại giá giảm, vì nhu cầu dự kiến sẽ đóng băng trước kỳ nghỉ Tết âm lịch và các nhà máy sẽ tận dụng cơ hội để tăng sản lượng trong bối cảnh biên lợi nhuận tốt như hiện nay. Mức giao dịch chính vẫn ổn định từ ngày trước.
Tương tự, thép cây HRB400 Thượng Hải không đổi ở mức 4,810 NDT/tấn. Giá thép cây giao sau tháng 5 tăng 0.83% lên 4,382 NDT/tấn và kết quả là một số nhà giao dịch đã nâng giá chào bán lên 4,820-4,830 NDT/tấn. Chín nhà sản xuất đã tăng giá xuất xưởng thép cây lên 20-50 NDT/tấn để đáp ứng mức giá nội địa cao hơn.
Trên thị trường xuất khẩu, giá chào xuất khẩu thép cây của các nhà máy lớn của Trung Quốc ở mức 770 USD/tấn fob cho lô hàng tháng 2. Thanh khoản xuất khẩu vẫn trầm lắng, với giá mục tiêu của người mua dưới 710 USD/tấn cfr tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á.
Đối với cuộn cán nóng, thị trường đang bế tắc vì các nhà máy lớn của Trung Quốc không muốn giảm giá xuất khẩu do phân bổ xuất khẩu hạn chế.
Nhìn chung, xu hướng giá vẫn còn dư địa giảm trong thời gian tới, vì áp lực từ chi phí nguyên liệu thô giảm, cộng với tiêu thụ chậm trước lễ Tết, tâm lý tiêu cực từ khủng hoảng nợ Evergrande và ảnh hưởng dịch bệnh phức tạp với biến thể mới Omicron đối với ngành vận tải. Các thương nhân tăng cường bán khống trên thị trường, gây thêm áp lực tâm lý.
Tuy nhiên, dự kiến mức giảm sẽ được hạn chế phần nào vì có sự tăng trưởng đan xen trước các chi phí năng lượng, vận tải tăng, cắt giảm sản xuất tăng cường tới tháng 2, sự kích thích từ phía chỉnh phủ thông qua các cắt giảm lãi suất bắt đầu hỗ trợ thị trường bất động sản đầu năm sau và điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong tháng 12 dự kiến tác động đến nguồn cung nguyên liệu thô, giữ giá ở mức cao. Do đó, dự kiến giá thép giao ngay trong nước tăng giảm đan xen, dao động 4,500-5,000 NDT/tấn.
Trên thị trường xuất khẩu, giá tiếp tục biến động theo giá nội địa, tăng giảm đan xen trong thời điểm cuối năm và tháng 1 trước thềm tết Nguyên đán bắt đầu từ cuối tháng 1. Biên độ biến động không lớn, nhưng phạm vi giá mở rộng trong khoảng 800-850 USD/tấn cfr Việt Nam cho HRC SAE1006 tới cuối tháng 1.