Doanh nghiệp, người tiêu dùng đều thiệt Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép không gỉ cán nguội đang tạo ra công ăn việc làm cho hơn 10.000 lao động. Ngoài khoản nộp ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng, khối doanh nghiệp này còn xuất khẩu trên 100 triệu USD mỗi năm. Chính vì vậy, trong trường hợp việc áp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội từ 20% - 40% theo yêu cầu của POSCO VST và Hòa Bình Inox, số cộng đồng doanh nghiệp còn lại sẽ đối mặt với hàng loạt khó khăn, thậm chí buộc phải đóng cửa hoặc phá sản. Chưa kể, người tiêu dùng cũng bị “liên đới” do nhiều mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu thép không gỉ cán nguội sẽ ào ạt tăng giá theo.
| Sản xuất thép cuộn tại Công ty Bluescope Steel. Ảnh: Cao Thăng | Ông Phạm Quốc Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Đại Dương, cho biết, nguyên liệu thép không gỉ cán nguội đang chịu mức thuế nhập khẩu 10%. Trường hợp đánh thuế từ 20% - 40%, giá bán các sản phẩm gia dụng và vật liệu xây dựng làm từ thép không gỉ cán nguội sẽ tăng tương ứng từ 15% - 30%. “Các sản phẩm từ inox không phải hàng xa xỉ. Do đó, nếu tăng ở mức như vậy người tiêu dùng trong nước sẽ khó chấp nhận, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Việc tăng giá này còn dẫn đến hiệu ứng lạm phát tăng, đồng thời tạo gánh nặng cho các công ty hạ nguồn sử dụng thép không gỉ cán nguội sản xuất hàng tiêu dùng như xoong nồi, bàn, ghế, bồn chậu... và đặc biệt sử dụng trong ngành xây dựng - bất động sản, ngành rất khó khăn đang được Chính phủ thực hiện các biện pháp tháp gỡ”, ông Phạm Quốc Vũ lo lắng. Tương tự, ông Lê Tấn Quốc, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Minh Hữu Liên, cho biết, nếu việc áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội đối với nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để đảm bảo chất lượng, uy tín sản phẩm. “Như vậy, người tiêu dùng, các doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu thép không gỉ cán nguội trong sản xuất và rộng hơn là nền kinh tế bị thiệt hại do phải bỏ ra khoản tiền cao hơn để mua một nguyên liệu cùng loại. Xã hội phải chịu sự chi phối của một vài doanh nghiệp được hưởng lợi thế độc quyền do việc áp thuế chống bán phá giá thiếu cơ sở”, ông Lê Tấn Quốc phân tích. Phải đảm bảo lợi ích chung Các doanh nghiệp gửi thư kiến nghị cũng cho rằng, nếu việc áp thuế xảy ra, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có nguy cơ bị thua lỗ lớn do đã ký hợp đồng khung nhận hàng với sản lượng lớn từ các nhà nhập khẩu nước ngoài. “Trong thời gian qua và đặc biệt thời gian cuối năm là thời kỳ hoạch định chiến lược mục tiêu cho năm 2014, chúng tôi không thể xây dựng được định hướng, không dám nhận đơn hàng trong nước và xuất khẩu do không xây dựng được kế hoạch nguyên liệu vì nguy cơ hồi tố và áp thuế trong tương lai. Vụ kiện vô lý ngay từ khởi đầu đã kéo dài như gánh nặng oằn vai khiến các doanh nghiệp vốn khó khăn càng thêm lao đao. Ngay khi chưa có kết luận chính thức, nếu phiên kết luận sơ bộ (chậm nhất vào ngày 2-12-2013) là có bán phá giá thì sẽ có áp thuế tạm thời suốt giai đoạn điều tra chính thức 6 tháng và có thể kéo dài hơn. Trong giai đoạn đó, không biết sẽ có bao doanh nghiệp trong ngành “sống sót” đến khi có kết quả điều tra và dù có áp thuế chính thức hay không thì mục tiêu thôn tính thị trường của họ đã thành hiện thực”, ông Phạm Quốc Vũ cho biết. Vì vậy, việc khởi kiện chống bán phá giá thực sự ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh cũng như tác động xấu đến các nhà sản xuất có sử dụng vật liệu thép không gỉ cán nguội trong nước. Mặt khác, sản phẩm thép không gỉ cán nguội là đối tượng hàng hóa của vụ kiện có phổ quá rộng với khoảng 2.500 chủng loại khác nhau. Do đó, việc áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội khi nhập khẩu từ 4 thị trường sẽ gây khó khăn rất lớn cho nền sản xuất các sản phẩm từ thép không gỉ cán nguội trong nước.
Diễn biến vụ việc: Ngày 2-7-2013, Bộ Công thương có Quyết định số 4460/QĐ-BCT chính thức mở cuộc điều tra về vụ việc theo đơn kiện. Ngày 30-9-2013, Cục Quản lý cạnh tranh ra thông báo gia hạn thời hạn ra quyết định sơ bộ theo đó thời hạn chậm nhất để cơ quan điều tra ra quyết định sơ bộ là ngày 2-12-2013. | Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), sau khi thụ lý đơn kiện, cơ quan điều tra sẽ tập trung vào các điều kiện như: có việc bán phá giá hay không; ngành sản xuất trong nước có thực sự bị thiệt hại; thiệt hại đó có do nguyên nhân bán phá giá gây ra. WTO cũng quy định ba điều kiện này, đồng thời khuyến khích các nước áp dụng thêm điều kiện có phù hợp với lợi ích của cộng đồng, lợi ích kinh tế xã hội của nước áp dụng hay không. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện bắt buộc, song được Việt Nam công nhận. Đây là thuận lợi cho các đơn vị liên quan như các doanh nghiệp gửi thư kiến nghị để chứng minh rằng, dù đủ ba điều kiện bắt buộc nói trên thì việc áp dụng này cũng gây thiệt hại lợi ích kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cầu lưu ý, kiện chống bán phá giá hay kiện phòng vệ thương mại nói chung, về mặt nguyên tắc, là công việc thuần túy kỹ thuật pháp lý. Vì thế, khi tham gia bảo vệ lợi ích của mình, kể cả bên đi kiện, bên bị kiện và các bên liên quan phải tuân thủ các điều kiện về mặt pháp lý. Trong khi đó, theo đánh giá của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tình trạng mâu thuẫn thường xảy ra giữa bên nhập và bên sản xuất, vì bên nhập khẩu vẫn muốn hưởng một mức giá rẻ nên đề nghị đánh thuế bằng 0, trong khi phía sản xuất lại muốn tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước. Do đó, Bộ Công thương sẽ chọn được mức thuế vừa khuyến khích được sản xuất trong nước, vừa ngăn chặn được sự chèn ép của nước ngoài nhưng cũng không làm khó cho người tiêu dùng. Còn theo thạc sĩ Nguyễn Văn Hải, người từng tham gia vào nhiều vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến Việt Nam thì pháp luật Việt Nam quy định việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế xã hội trong nước. Quy định này không chỉ Việt Nam mà nhiều thành viên khác của WTO cũng áp dụng. Theo đó, yêu cầu cơ quan điều tra xem xét thích đáng lợi ích của các bên bị ảnh hưởng chẳng hạn như các doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá khi quyết định có áp dụng hay không thuế chống bán phá giá. Ngoài ra, theo án lệ của WTO, các thành viên hoàn toàn có quyền không áp dụng biện pháp chống bán phá giá ngay cả khi các điều kiện về phá giá và thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước đã thỏa mãn. Nguồn tin:SGGP |