Câu chuyện nhận được sự chú ý nhất trong những ngày này trong nền kinh tế Việt Nam, ngoài việc các tập đoàn Thái Lan đang đẩy mạnh thâu tóm các thương hiệu Việt Nam ở nhiều lĩnh vực trong thị trường nội địa, thì vấn đề được quan tâm nhất là câu chuyện bảo hộ của ngành thép.
Có thể bạn quan tâm
Câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong khoảng thời gian đầu năm 2016 đối với kinh tế Việt Nam không gì khác ngoài vấn đề hội nhập. Trong số các hiệp định thương mại quan trọng có thể được ký kết, phê chuẩn và đi vào hoạt động trong năm nay, thì mới chỉ có duy nhất Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã đi vào hoạt động từ ngày 31.12.2015, còn TPP và các FTA quan trọng thì vẫn chưa. Vì thế, vấn đề được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại là sự chuẩn bị của chính phủ cũng như các doanh nghiệp để đón đầu những hiệp định thương mại quan trọng đó, không chỉ trong vấn đề tiến công như xuất khẩu, mà còn phải cả trong vấn đề phòng thủ mà cụ thể là các hàng rào kỹ thuật tại thị trường nội địa. Và câu chuyện bảo hộ trong ngành thép đang diễn ra ở thời điểm hiện tại dường như đang cho thấy, chúng ta đang quá tập trung vào tiến công, mà đang bỏ ngỏ phòng thủ.
Câu chuyện nhận được sự chú ý nhất trong những ngày này trong nền kinh tế Việt Nam ngoài việc các tập đoàn Thái Lan đang đẩy mạnh thâu tóm các thương hiệu Việt Nam ở nhiều lĩnh vực trong thị trường nội địa, thì vấn đề được quan tâm nhất là câu chuyện bảo hộ của ngành thép. Câu chuyện của ngành thép đang cùng lúc hội tụ nhiều vấn đề nóng hổi với kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, như sự xâm nhập và tràn lan của hàng hóa Trung Quốc (ở đây là sản phẩm thép) do kinh tế nước này giảm tốc và dư thừa hàng hóa sản phẩm. Nhưng, điều đáng quan tâm hơn là qua câu chuyện tranh cãi về bảo hộ trong ngành thép, thì dường như Việt Nam vẫn còn quá ít kinh nghiệm và quá lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thiết lập các rào cản thương mại.
Câu chuyện của ngành thép cụ thể là, lo ngại trước việc các sản phẩm thép của Trung Quốc mà chủ yếu là phôi thép và thép dài đang có xu hướng tràn vào thị trường nội địa Việt Nam do giá thành rẻ, một số các doanh nghiệp nội địa trong ngành thép đã liên kết để cùng nhau gửi kiến nghị lên Bộ Công thương. Theo đó, các doanh nghiệp này yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài (thép thanh, thép cuộn) nhập khẩu. Cụ thể, đề nghị của các doanh nghiệp này là áp thuế suất 45% với sản phẩm phôi thép nhập khẩu và 33% đối với sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi thép nhập khẩu, trong khi mức thuế trước đó với hai mặt hàng này lần lượt chỉ là 9% và 20%.
Những đề xuất này là có cơ sở nếu nhìn sơ qua con số nhập khẩu phôi thép và thép dài Trung Quốc vào thị trường Việt Nam trong năm 2015. Cụ thể, lượng phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trong năm 2015 đã lên tới 1,9 triệu tấn, tăng gấp 3,1 lần so với năm 2014. Ngoài ra, tổng lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2015 cũng đã lên đến khoảng 10,5 triệu tấn. Trên thực tế, đây là điều đã được dự báo từ trước, khi mà kinh tế Trung Quốc giảm tốc dẫn đến dư thừa sản phẩm và sẽ dẫn đến tình trạng Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy lượng hàng hóa dư thừa này sang các thị trường lân cận. Ở thời điểm hiện tại, ngành thép Trung Quốc đang dư thừa khoảng 200 triệu tấn/năm, và chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt các chính sách để hỗ trợ xuất khẩu thép như giảm thuế, hoàn thuế khiến giá thành thép Trung Quốc giảm rất nhiều. Theo thống kê, thép xuất khẩu của Trung Quốc đang có giá thành thấp hơn mức trung bình của thế giới từ 20-40%.
Việc nâng mức thuế để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước là điều cần thiết đối với Việt Nam ở thời điểm hiện tại, khi mà đây là ngành chủ lực có doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong câu chuyện này là chỉ sau đó không lâu, một số doanh nghiệp nội địa lại đưa kiến nghị lên Bộ Công Thương xin không áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách nâng mức áp thuế đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp này đều là các doanh nghiệp sản xuất thép từ phôi nhập khẩu, và việc nâng mức áp thuế đối với sản phẩm phôi nhập khẩu từ 9% lên mức 45% có thể khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn nghiêm trọng.
Quan điểm của nhóm các doanh nghiệp sản xuất thép từ phôi nhập khẩu này cũng không phải là không có lý. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép nội Việt Nam hiện nay vẫn đang thuộc hệ thống các doanh nghiệp đầu tư từ hạ nguồn đến thượng nguồn ngành thép, nghĩa là thiết lập một quy trình khép kín từ sản xuất phôi thép cho đến sản xuất thép dài từ phôi tự làm ra. Và dĩ nhiên việc cả phôi thép lẫn thép sản xuất từ Trung Quốc tràn vào với giá rẻ sẽ khiến các doanh nghiệp này thua thiệt từ việc bán phôi thép lẫn thép dài. Tuy nhiên, giá phôi thép do các doanh nghiệp này sản xuất thường cao hơn, không chỉ so với phôi thép Trung Quốc mà còn ngay cả với một số doanh nghiệp nội sản xuất phôi thép từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Điều này có nghĩa là nếu Việt Nam áp mức thuế suất mới với phôi thép nhập khẩu và thép sản xuất từ phôi nhập khẩu, thì không chỉ có tác dụng ngăn cản thép và phôi thép Trung Quốc tràn vào, mà sẽ còn khiến các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá thành rẻ hơn phải điêu đứng. Nói cách khác, nó sẽ gây hại đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất phôi thép từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu vốn có công nghệ tốt và giá thành cạnh tranh. Ngay cả ở châu Âu, thì các cuộc biểu tình đòi tăng mức thuế đánh vào thép nhập khẩu của Trung Quốc cũng chỉ yêu cầu đánh vào thép dài chứ không đánh vào phôi thép nhập khẩu, vì yếu tố mấu chốt là nguyên liệu, nguyên liệu càng rẻ thì càng tốt, khi mà công nghệ cán thép của châu Âu cao hơn Trung Quốc, dẫn đến thép do châu Âu sản xuất từ phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn có giá thành cạnh tranh sòng phẳng với thép dài của Trung Quốc.
Vấn đề chủ chốt trong câu chuyện bảo hộ sản xuất trong nước đang được đặt ra là Việt Nam cần bảo hộ theo kiểu đóng cửa hoàn toàn để bảo hộ nguyên vẹn các ngành sản xuất trong nước bất kể tình trạng cụ thể ra sao, hay là chỉ bảo hộ vừa đủ để các ngành sản xuất nội địa cũng phải tự thay đổi theo hướng tích cực hơn khi đối diện với sức ép như trường hợp châu Âu.
Câu chuyện bảo hộ trong ngành thép vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng nó đang đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm. Rõ ràng là câu chuyện dựng lên những rào cản thương mại và hàng rào kỹ thuật trong thương mại khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta đang nghĩ. Và trường hợp bất đồng ý kiến trong ngành thép đang cho thấy Việt Nam đang có quá ít kinh nghiệm về vấn đề này, trong khi đó thì các rào cản thương mại và hàng rào kỹ thuật lại chiếm một vị trí quan trọng trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia. Chỉ riêng trong TPP đã có cả một chương riêng về vấn đề này. Tận dụng hiệu quả công cụ quan trọng này sẽ khiến Việt Nam nhận được nhiều lợi thế trong tương lai cho nền kinh tế.
Nhưng rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang bị đánh giá khá thấp trong việc thiết lập và sử dụng các công cụ này trong số các quốc gia thành viên của TPP. Qua câu chuyện của ngành thép, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quan trọng này, nếu như không muốn rơi vào tình trạng ham tiến công mà quên phòng thủ, khi mà chỉ chăm chăm vào việc tăng cường xuất khẩu mà quên đi việc phòng thủ ngay trên sân nhà là thị trường nội địa.
Nguồn tin: Một thế giới