Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Báo Nhật: Formosa Hà Tĩnh giúp Việt Nam tự sản xuất thép mà không phải dựa vào nhập khẩu

 Nikkei Asian Review đánh giá, trong bối cảnh Việt Nam hiện đang là một trong những nước tiêu thụ thép lớn nhất ở Đông Nam Á, những doanh nghiệp như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) sẽ giúp quốc gia hình chữ “S” có thể tự sản xuất thép mà không cần phải dựa vào nhập khẩu.

Các cuộn thép do Formosa Hà Tĩnh sản xuất. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Tờ tạp chí kinh tế uy tín của Nhật Bản cho hay, ngoài các sản phẩm hiện tại, FHS hiện cũng muốn bắt tay vào sản xuất các loại sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô – lĩnh vực mà Đông Nam Á đang hướng tới việc trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới.

Tuy vậy, FHS không muốn đi vào vết xe đổ của ngành thép Trung Quốc, khi nhu cầu thép toàn cầu đã bắt đầu giảm từ nhiều năm trước. Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã không thể tự cắt giảm sản xuất của chính mình – không dễ để tạm dừng hoạt động của một lò cao một khi nó đã được vận hành – và thế là họ bắt đầu bán sản phẩm dư thừa ra thị trường nước ngoài. Điều này khiến giá thép giảm mạnh và ngành công nghiệp thép toàn cầu phải vật lộn trong khủng hoảng.

Mặc dù hy vọng sẽ hoàn tất kế hoạch xây dựng lò cao thứ 3 vào cuối năm nay, ông Chen Yuan-Cheng – Chủ tịch FHS cho biết, công ty sẽ “nghiên cứu kỹ vấn đề này trong bối cảnh giá thép và các sản phẩm từ thép đang giảm”.

Mỹ cũng đã đặt ra những thách thức mới đối với ngành thép của Việt Nam. Vào ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết sơ bộ, rằng một số loại thép né thuế bằng cách sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan nhưng chuyển đến Việt Nam gia công rồi xuất khẩu sang Mỹ dưới dạng thép chống gỉ và thép cán nguội. Hải quan Mỹ được đề nghị thu thuế lên tới 456,23% với thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng vật liệu từ hai nơi này.

Tuy nhiên, Nikkei Asian Review nhận định, thay vì chịu ảnh hưởng tiêu cực, FHS dường như được hưởng lợi từ động thái trên của Washington. Doanh nghiệp này là nhà sản xuất thép cuộn cán nóng duy nhất tại Việt Nam, sở hữu lò cao duy nhất có khả năng sản xuất ra sản phẩm này.

Thép cuộn cán nóng không nằm trong danh mục các sản phẩm bị áp thuế lần này của Mỹ. Dự kiến ​​“nhu cầu về thép cuộn cán nóng từ Nhật Bản và FHS sẽ tăng lên trong tương lai để bù đắp cho vật liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan”, một lãnh đạo công ty thương mại thép cho biết.

Việt Nam đã phản ứng trước việc Mỹ áp thuế hơn 400% lên một số sản phẩm thép bằng cách khuyến khích các nhà doanh nghiệp nội địa chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.

Mặc dù quyết định áp thuế này của Washington không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald Trump đang bắt đầu hoạt động có lợi cho FHS. Tuy nhiên, Nikkei Asian Review cảnh báo, FHS vẫn cần phải theo dõi sát sao căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Nhu cầu đối với các sản phẩm thép thành phẩm tại Việt Nam chính là động lực cho nhà máy thép tích hợp của FHS. Trong bối cảnh bùng nổ về xây dựng, nhu cầu thép đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Hiện nay, các công ty xây dựng Việt Nam đang mua thép nội địa ngày càng nhiều, và FHS đang giúp Việt Nam dần dần hạn chế việc nhập khẩu thép từ các nhà sản xuất Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhà máy của FHS giờ đây có công suất sản xuất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm sau đó xử lí thành tấm và các sản phẩm khác. Con số này tương đương sản lượng của Kobe Steel – nhà sản xuất thép lớn thứ ba của Nhật Bản.

Việt Nam đã và đang thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy thép tích hợp hợp tác với các nhà sản xuất thép nước ngoài. Với nhà máy thép FHS đang hoạt động, Việt Nam có thể mua các sản phẩm bán thành phẩm tại thị trường nội địa để sản xuất.

FHS đã có khả năng sản xuất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng hàng năm, một sản phẩm bán thành phẩm được làm bằng thép nóng chảy liên tục. Do đó, Việt Nam, nước vốn hiện phải nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cán nóng mỗi năm, giờ đây có thể giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

FHS cũng có kế hoạch cung cấp các sản phẩm bán thành phẩm của mình cho các nước Đông Nam Á khác, do nhu cầu về các sản phẩm thép đang tăng lên ở Đông Nam Á.

Nguồn tin: Baohatinh

ĐỌC THÊM