Trong bối cảnh giá thép đang tăng liên tục gần 1 tháng, ngày hôm qua Baosteel đã công bố tiếp tục nâng giá thép giao tháng 1 năm sau.
Baosteel được xem như “người dẫn đầu” thị trường sắt thép Trung Quốc, mọi thay đổi giá của tập đoàn này đều ảnh hưởng mạnh đến chính sách của các doanh nghiệp thép khác.
Việc Baosteel quyết định nâng giá tháng 1 năm sau cho thấy vấn đề tồn kho của Trung Quốc dường như không có ảnh hưởng mạnh đến tâm lý các nhà sản xuất. Ngoài ra, Baosteel nâng giá còn được hiểu như một động thái vực dậy thị trường của chính phủ Trung Quốc. Thời gian trước, nhà nước Trung Quốc đã có yêu cầu Baosteel và Wugang phải có biện pháp giải cứu lĩnh vực thép khi giá có lúc rớt xuống mức gần bằng giá phôi nguyên liệu.
Theo văn bản công bố mới, giá thép xuất xưởng giao tháng giêng năm sau đa số tăng thêm 300-600 RMB/tấn (44-88 USD/tấn). Trong đó thép cuộn cán nguội tăng 300 RMB/tấn (44 USD/tấn). Thép cuộn cán nóng tăng 550 RMB/tấn (81 USD/tấn). Thép tấm đã qua xử lý acid bề mặt tăng 400 RMB/tấn (59 USD/tấn). Thép mạ kẽm nhúng nóng tăng 400 RMB/tấn (59 USD/tấn), mạ điện tăng 600 RMB/tấn (88 USD/tấn), mạ màu tăng 300 RMB/tấn (44 USD/tấn), thép Silicon tăng 600 RMB/tấn (88 USD/tấn). Thép tấm đúc và đóng tàu tăng 50 RMB/tấn (7.5 USD/tấn).
Vào giữa tháng 10 vừa qua, Baosteel, Angang, Wugang đã có đóng góp tích cực trong quá trình vực dậy thị trường sắt thép vô cùng ảm đạm lúc đó. Sau khi Baosteel đột ngột công bố tăng giá xuất xưởng, các tập đoàn lớn khác cũng lần lượt tăng giá mặc dù thời điểm đó nhu cầu rất yếu và tồn kho vẫn chưa giảm.
Trên thực tế, đợt tăng giá với biên độ lớn lần này của Baosteel sẽ là bước đệm vô cùng quan trọng cho giá thép năm 2010. Đón nhận tin này, các nhà đầu tư cho biết họ cảm thấy lạc quan và tin tưởng hơn vào sự hồi phục của ngành thép năm sau.
Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh tồn kho cao, năng suất dư thừa vẫn đang là “vấn nạn” của ngành thép nước này. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc công bố, sản lượng thép thô tháng 11 đạt 49,33 triệu tấn, trung bình 1 ngày sản xuất 1,64 triệu tấn, sản lượng cả năm nay có thể vượt 6 tỷ tấn.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đã cho ra dự thảo “Phương pháp quản lý và Điều kiện kinh doanh sản xuất thép”, theo đó, nhà máy có sản lượng thép thô dưới 1 triệu tấn/năm sẽ bị đóng cửa. Nếu dự án được thông quá có khoảng 3/5 (300/500) nhà máy thép sẽ bị đào thải.
Hy vọng thị trường thép dưới sự dẫn dắt của Baosteel cùng với quyết tâm cải tổ để vực dậy ngành công nghiệp này của chính phủ sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi khó khăn trong năm sau.
(Sacom)