Công ty Ống thép Việt Đức (VG Pipe) vừa chính thức đưa sản phẩm thép xây dựng vào thị trường, với công suất 350.000 tấn/năm, sau 8 tháng tiến hành đầu tư với quy mô vốn khoảng 500 tỷ đồng.
Điều này cũng cho thấy, sức hút rất lớn của việc đầu tư nhà máy thép xây dựng đối với các nhà đầu tư, nhất là khi các công trình, dự án cần xây dựng đang ngồn ngộn được triển khai hay lên kế hoạch, bất chấp những cảnh báo về dư thừa công suất đã được Bộ Công thương và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra.
Ông Lê Phan Đức, Phó tổng giám đốc của VG Pipe cho hay, trước khi đầu tư nhà máy thép ống, năm 2002, công ty đã kinh doanh thép xây dựng. Trong suốt thời gian qua, dù thép ống là sản phẩm chính của Công ty, nhưng việc kinh doanh thép xây dựng không bị VG Pipe bỏ lơi. Như vậy, khi có thêm nhà máy thép xây dựng, VG Pipe dường như sẽ không quá bận tâm với việc xây dựng hệ thống tiêu thụ trong điều kiện thị trường cung vượt xa cầu như hiện nay, bởi Công ty đã có sẵn bạn hàng.
Điều đáng nói là, không chỉ riêng VG Pipe là doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép lại tiếp tục mở rộng đầu tư ở lĩnh vực được xem là "nóng" như thép xây dựng.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho biết, ngoài VG Pipe mới đưa thêm nhà máy thép xây dựng vào hoạt động, Tập đoàn Hòa Phát cũng mới có thêm một dây chuyền mới, trong khi Công ty liên doanh Vinakyoei đang lên kế hoạch nâng công suất thép cán từ 300.000 tấn/năm hiện nay lên 500.000 tấn/năm, đồng thời đầu tư vào luyện thép ở quy mô 500.000 tấn/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cường cho hay, trong năm 2009, Chính phủ và Bộ Công thương đã có văn bản chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, như tạm dừng việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường; rà soát kỹ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có giải pháp xử lý theo quy định đối với các dự án không triển khai theo đúng tiến độ, nội dung đã cam kết, không đủ nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất lâu dài...
Tuy nhiên, tình hình cấp giấy phép đầu tư ở các địa phương cho các dự án gang thép cuối năm 2009 và đầu năm 2010 vẫn không có biến chuyển. Nhiều địa phương vẫn tiếp tục cấp giấy phép cho các dự án sản xuất thép trong nước vốn đã quá dư thừa. "Điều đó chắc chắn dẫn đến cạnh tranh để giành giật thị trường, nhiều nhà máy sẽ phải vận hành thấp xa so với công suất thiết kế, làm cho hiệu quả kinh tế thấp và lãng phí. Thậm chí, với sản phẩm thép xây dựng thông thường, không có gì mới trong công nghệ và thiết bị, nhưng vẫn cấp giấy phép cho nước ngoài đầu tư 100% là bất hợp lý", ông Cường nói.
Với đà cấp phép này, không kể đến các liên hợp luyện kim lớn do các công ty của Đài Loan, Malaysia đã khởi công xây dựng, hay một số công ty nước ngoài đang làm nghiên cứu khả thi cho các dự án liên hợp luyện kim như TATA (Ấn Độ), JFE (Nhật Bản), thì tính tới tháng 3/2010, tổng công suất các nhà máy gang thép hoàn tất đầu tư, theo ông Cường là, đã vượt xa mức tiêu thụ thực tế. Cụ thể, năng lực luyện gang là 1,8 triệu tấn/năm, sản xuất phôi thép 5,73 triệu tấn/năm, cán thép xây dựng 7,83 triệu tấn/năm, ống thép hàn 1,3 triệu tấn/năm, thép lá mạ kim loại 1,2 triệu tấn/năm và thép cuộn cán nguội 2,5 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, năm 2009, lượng thép cán tiêu thụ mới là 4,1 triệu tấn, thép cán nguội 396.000 tấn, ống thép 465.000 tấn. Nghĩa là, năng lực sản xuất của các nhà máy hiện có đang bỏ rất xa so với khả năng "ăn hàng" của thị trường trong nước, trong khi thị trường xuất khẩu chưa khởi sắc. Như vậy, nếu tính cả các "siêu dự án" đang nhấp nhổm triển khai như Khu liên hợp thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa ở Vũng Áng, hay dự án thép tại Dung Quất của Công ty Guang Lian, thì cung sẽ còn vượt lên rất lớn.
Thống kê mới nhất của Bộ Công thương cũng cho biết, hiện có 74 dự án sản xuất gang, thép thành phẩm với công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên, trong số đó có 65 dự án thuộc lĩnh vực cán thép. Trong số 65 dự án nói trên, chỉ có 17 dự án nằm trong quy hoạch và 16 dự án khác đã có ý kiến thỏa thuận của Chính phủ hoặc Bộ Công thương trước khi đầu tư. Như vậy, có tới 32 dự án được địa phương cấp phép mà không có ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Thực tế này cũng cho thấy "loạn đầu tư vào ngành thép" mà hệ quả là, theo ông Cường, nhiều dự án không đủ điều kiện phát triển bền vững vì thiếu nguyên liệu, thiếu điều kiện hạ tầng như điện, nước, giao thông vận tải, nên nhà máy chỉ vận hành một thời gian ngắn đã phải ngừng sản xuất, gây lãng phí lớn.
(baodautu)