Mặc dù năm 2020 được coi là năm thăng hoa của ngành thép, giúp các "ông lớn" như Tập đoàn Hòa Phát, Thép Nam Kim, Hoa Sen... có các khoản lãi tăng đột biến, tuy nhiên Tisco vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ì ạch, sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Bất chấp ngành thép thăng hoa, Gang thép Thái Nguyên (Tisco) vẫn báo lãi giảm 54%
Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 và lũy kế cả năm.
Trong quý cuối năm 2020, doanh thu thuần của Tisco đạt 2.556 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn giảm sâu hơn, công ty vẫn có lợi nhuận gộp tăng trưởng 14%, lên mức 128 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu tài chính vỏn vẹn 6,8 tỷ đồng, chi phí lãi vay vẫn neo ở ngưỡng 33 tỷ đồng mặc dù đã giảm 17%; chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp ghi nhận lần lượt là 17 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.
Chốt quý, Tisco báo lãi sau thuế 3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 12 triệu đồng cùng giai đoạn năm 2019.
Năm 2020, nhà máy gang thép "ồn ào" báo lãi sau thuế giảm 54%, chỉ còn 18,8 tỷ đồng. Kết quả kém tích cực này là do doanh thu thuần sụt giảm và chi phí lãi vay tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tài chính.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Tisco đạt hơn 9.357 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2019. Trong đó, công ty chỉ ghi nhận 126 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, các khoản phải thu ngắn hạn còn 523 tỷ đồng (giảm 18%), hàng tồn kho còn 1.248 tỷ đồng (giảm 8%)...
Chiếm phần lớn vẫn là nhóm tài sản dài hạn, đặc biệt là tài sản dở dang: 5.697 tỷ đồng (dự án cải tạo, mở rộng sản xuất giai đoạn II). Đây là dự án có vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2007 tuy nhiên đến nay vẫn "đắp chiếu" và khiến không ít cán bộ công ty, đơn vị liên quan vướng vào vòng lao lý.
Tình hình vay nợ vẫn chưa có chuyển biến tích cực, tổng dư nợ vay vẫn chiếm hơn 4.567 tỷ đồng trong tổng số nợ phải trả là 7.460 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.897 tỷ đồng.
Nguồn tin: Vietnam Finance