Bất chấp các nỗ lực kiểm soát thị trường của Chính phủ Trung Quốc, giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh hơn 7% trong phiên giao dịch ngày 1/6, xác lập phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp. Giá quặng sắt nhập khẩu tại Trung Quốc đã quay trở lại mức trên 200 USD/tấn.
Đà tăng của giá quặng sắt tại Trung Quốc chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh và thông tin Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, lên kế hoạch cắt giảm sản lượng. Trong ngày 1/6, chính quyền thành phố Đường Sơn đã tổ chức phiên họp cân nhắc kế hoạch cắt giảm sản lượng đối với một số nhà máy sản xuất thép tại đây.
Trong tháng trước, chính quyền thành phố Đường Sơn đã cảnh các nhà máy sản xuất thép phải duy trì “trật tự thị trường” và hoạt động bình thường trong bối cảnh giá thép và quặng sắt trên thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao kỷ lục. Sản lượng thép của Đường Sơn hiên chiếm khoảng 13% tổng sản lượng thép của Trung Quốc.
Cuối tuần trước, Ủy ban cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) – cơ quan điều hành kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc đã phát đi thông điệp cảnh báo “trừng phạt nghiêm khắc” các hành động đầu cơ và thao túng thị trường. Ngay sau đó, giá quặng sắt và thép giảm xuống.
Diễn biến giá quặng sắt loại hàm lượng 62,5% tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc, giá CFR) trong 1 năm trở lại đây (Ảnh: Tradingeconomics.com)
Tuy nhiên, dữ liệu của hãng tư vấn thị trường Fastmarkets MB cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc (giá CFR Thanh Đảo) trong sáng ngày 1/6 đã tăng mạnh 5% lên mức 208,67 USD/tấn; tiếp nối đà hồi phục của mấy phiên giao dịch gần đây.
Trong khi đó, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tăng tới 7,3% lên 1.170 Nhân dân tệ (183,53 USD)/tấn. Đồng thời, giá các nguyên liệu đầu vào của sản xuất thép như than cốc và than luyện cốc cũng tăng mạnh trở lại.
Trước đó, các tập đoàn tài chính quốc tế lớn như Goldman Sachs và Citigroup của Hoa Kỳ những nỗ lực kiềm chế đà tăng giá hàng hoá bằng các biện pháp hành chính của Chính phủ Trung Quốc sẽ không có tác dụng nhiều do tình hình cung – cầu trên thị trường mới là yếu tố tác động mạnh nhất đến diễn biến giá. Với vai trò là nước nhập khẩu lớn nhất đối với nhiều loại hàng hoá, Trung Quốc hiện ngày càng lo ngại giá hàng hoá đầu vào tăng lên sẽ đẩy lạm phát tăng cao.
Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính Citi (Hoa Kỳ) nhận định quyết định cắt giảm sản lượng thép của thành phố Đường Sơn sẽ chỉ gia tăng áp lực ngắn hạn lên giá thép tại thị trường nội địa Trung Quốc do nhu cầu tiêu thụ thép tại nước này đang bước vào mùa thấp điểm khi nhiệt độ cao của mùa hè khiến hoạt động xây dựng diễn ra chậm hơn.
Hãng tư vấn thị trường Capital Economics (Anh) dự báo giá quặng sắt quốc tế có thể giảm trở lại về mức 140 USD/tấn vào cuối năm 2021 và đạt 120 USD/tấn vào cuối năm 2022.
Nguồn tin: Công thương