Trong khoảng thời gian dài sắp tới, chuyện các chính sách kinh tế của Mỹ và châu Âu có thể được song song tiến hành hay không vẫn đang là một dấu hỏi chấm cho các chuyên gia kinh tế. Bởi vì, nếu Mỹ - Âu vẫn còn xung đột lẫn nhau, sẽ làm tắt tia sáng phục hồi yếu ớt của nền kinh tế thế giới. Trên con đường phục hồi kinh tế, sự mâu thuẫn về chính sách giữa Mỹ và châu Âu đã nổi lên rõ nét. Mỹ kiên quyết tiếp tục chính sách nới lỏng tài chính, còn châu Âu lại theo đuổi chính sách thắt chặt tài chính chưa từng có, theo sau châu Âu còn có Nhật Bản, Canada, Úc…Mọi người không ngừng hỏi rằng, các chính sách bất đồng liệu có được sắp xếp ổn thỏa, việc này có đẩy các nước sa chân vào vào vực sâu suy thoái kinh tế hay không?
Thời đại “hậu khủng hoảng”, Mỹ tiếp tục theo chủ nghĩa Keynes, áp dụng chính sách nới lỏng tài chính, trực tiếp kích thích tiêu dùng và đầu tư để lôi kéo tăng trưởng kinh tế. Đương nhiên, Mỹ - vốn dựa vào lợi thế nước phát hành đồng USD – không cần quá lo lắng việc này sẽ gây ra tác dụng phụ, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là “tài sản an toàn” nằm trong tay các nước, do đó Mỹ dường như vẫn đang từng bước nâng cao tỷ lệ nợ công của chính quốc gia này. Bộ Tài chính Mỹ đã dự tính, đến năm 2015, mức nợ công sẽ tăng từ 93% GDP của năm nay lên 102% GDP.
Sở dĩ châu Âu không bắt chước theo Mỹ mà là vì thực sự không thể làm được. Khủng hoảng nợ châu Âu không chỉ khiến Hy Lạp đứng trên bờ vực phá sản, mà còn đặt đồng EUR vào trong tình cảnh nguy hiểm. Kích thích kinh tế đúng là quan trọng, nhưng cắt giảm thâm hụt ngân sách càng cấp thiết hơn. Các nước châu Âu chỉ có thể “cấp cứu tạm thời”. Đương nhiên, châu Âu và Nhật Bản không có được ưu thế như Mỹ, nợ cao sẽ trực tiếp đẩy chi phí vay nợ tăng theo. Việc thắt chặt tài chính như hiện nay trên thực tế là để giảm bớt chi phí cho các chính sách nới lỏng tài chính.
Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, thắt chặt chính sách tài chính liệu có kích hoạt cuộc suy thoái thứ hai hay không? Chính phủ các nước châu Âu đang cố gắng tránh khả năng này. Thứ nhất, nội dung mà các nước châu Âu thu hẹp chi tiêu chủ yếu là quỹ dưỡng lão, chi tiêu cho công nhân viên chức…. , các hoạt động đầu tư thậm chí mở rộng sự phát triển lâu dài liên quan đến cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu…; Thứ hai, những nước tăng trưởng nhờ xuất khẩu như Đức đều đang dồn hết tâm trí để mở rộng xuất khẩu và đầu tư vào nước ngoài; Thứ ba, Đức – Anh – Pháp sẽ không lập tức thắt chặt, mà sẽ từng bước thực hiện trong 4 – 5 năm tới dựa theo tình hình phục hồi của nền kinh tế.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Toronto, Mỹ và châu Âu vẫn chưa thể thuyết phục đối phương thay đổi chính sách. Số nợ công mà Mỹ đang tích lũy tiềm ẩn một rủi ro to lớn, tình trạng thất nghiệp trong nước cao, sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa đủ lực, kinh tế thiếu điểm sáng, dòng chảy vốn thiếu ổn định đã khiến các chủ nợ của Mỹ bị rơi vào thế nguy hiểm. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt của châu Âu không chỉ có thể khiến thị trường xuất khẩu của các nước khác bị thu hẹp, mà còn có thể gây ra tình trạng mất giá tiền tệ đúng như những gì mà một số chuyên gia kinh tế đã lo lắng, từ đó khiến các khu vực khác bị rơi vào tình trạng thu hẹp. Trong thời gian dài, liệu Mỹ và châu Âu có thể tay trong tay bước đi trên con đường phục hồi kinh tế hay không vẫn còn là một bài toán chưa lời giải đáp.
JRJ