Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Bắt mạch" kinh tế cuối năm

Nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn định, thì thị trường chứng khoán sẽ là đối tượng đầu tiên chịu tác động tiêu cực, như một sự phản ánh sức khỏe của nền kinh tế đó. Những biến số quan trọng để đánh giá sự bất ổn của một nền kinh tế là lạm phát, lãi suất, tỉ giá và dự trữ ngoại hối.
 

Biểu đồ tỉ giá và lãi suất điều hành (Nguồn: World Bank, SBV)

Sau một thời gian dài bất ổn, kinh tế VN đã có những chuyển biến tích cực với sự cải thiện của bốn biến số kinh tế nói trên, trước những chính sách quyết liệt và mạnh tay của Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính tạm thời và chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Lạm phát so với khu vực

Đến cuối quý II/2011, CPI đã tăng 13.29% so với tháng 12/2010 và tăng 20.82% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trong 6 tháng đầu năm là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây và chỉ thấp hơn so với mức 18.44% của 2008. Thực tế, lạm phát tại VN đang cao gấp khoảng 3 lần Trung Quốc, gấp gần 4 lần ASEAN 4 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan), trong khi kết quả tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với các quốc gia này.

Tốc độ tăng CPI theo tháng (MoM) đã hạ nhiệt trong tháng 5 và 6 sau khi đạt đỉnh trong tháng 4 (3.32%), nhưng tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ (YoY) ngày càng cao và dự kiến sẽ vượt đỉnh 20.82% của tháng 6 vào quý III trước khi có khả năng hạ nhiệt vào quý IV. Đồng thời, tốc độ tăng CPI có khả năng tăng tốc trở lại vào những tháng cuối năm do yếu tố vụ mùa và sự ảnh hưởng của thời tiết trong năm nay. Điều này sẽ còn gây ra nhiều bất ổn về cả kinh tế và xã hội.

Tỉ giá - áp lực cuối năm

Sau một thời gian dài cố định tỉ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 18.932 VND/USD gây ra tình trạng tỉ giá tự do vượt xa tỉ giá niêm yết, NHNN đã điều chỉnh tăng 9,3% lên mức 20.693 VND/USD từ ngày 11/2. Sau đó, một loạt biện pháp đã được đưa ra nhằm ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, VN còn phải đối mặt với bất ổn tỉ giá.

Trước tiên, lãi suất USD trong nước thấp sẽ tạo động lực cho các NHTM chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để cho vay với lãi suất cao hơn, khiến USD khan hiếm cả trong dân và hệ thống ngân hàng, điều này cũng tạo áp lực tăng tỉ  giá. Thứ hai, sự bất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng USD (22,21%) và VND (2,72%) gây áp lực tăng tỉ giá khi những khoản nợ USD đến kỳ đáo hạn, giống như đã xảy ra trong 2010. Thứ ba, nguyên nhân gốc rễ là tình trạng nhập siêu kinh niên vẫn chưa thuyên giảm và áp lực này ngày càng tăng vào cuối năm, trong khi nguồn bù đắp từ vay dài hạn, ODA, giải ngân FDI, FII và kiều hối không thực sự ổn định.

Cải thiện lãi suất và dự trữ ngoại hối

NHNN đã thực hiện hai điều chỉnh tăng lãi suất tái chiết khấu và 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ đầu năm 2011 tới nay. Điều này buộc các NHTM giảm sự phụ thuộc vào NHNN, và chủ động hơn trong việc huy động từ dân cư. Đồng thời, NHNN cũng đã hút một lượng lớn tiền trong lưu thông nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, các biện pháp này trực tiếp làm tăng chi phí vay vốn ngắn hạn của các NHTM. Do vậy, các NHTM buộc phải đẩy lãi suất cho vay, nhưng lãi suất cho vay đang ở mức quá sức chịu đựng của DN.

Mặc dù lãi suất OMO kỳ hạn 7 ngày đã được điều chỉnh giảm từ 15% xuống 14% vào đầu tháng 7 và lãi suất thị trường có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào xu hướng giảm của lãi suất khi mà lạm phát kỳ vọng vẫn ở mức cao. Sự điều chỉnh giảm của lãi suất OMO phản ánh thanh khoản trong hệ thống đã được cải thiện, nhưng có thể hiểu là NHNN sẽ chuyển sang công cụ điều tiết khác nhằm kiểm soát thị trường. Theo HSBC dự báo lãi suất chính sách của VN sẽ tăng từ 15% lên 17% vào quý 3 và sẽ tiếp tục duy trì trong  quý 4/2011.

Lạm phát, lãi suất, tỉ giá và dự trữ ngoại hối mặc dù đã được cải thiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên, áp lực tạo ra sự biến động theo chiều hướng tiêu cực vẫn tồn tại. Những chính sách tài khóa và tiền tệ cần được tiếp tục thực hiện quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Chỉ có chấp nhận sự “thắt chặt kham khổ” để tìm về sự ổn định bền vững cho nền kinh tế, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng TTCK phục hồi thực sự.

Nguồn tin: DDDN

ĐỌC THÊM