Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bầu Long rót thêm nghìn tỷ, 'bơm vốn' cho siêu dự án thép

 Dự kiến, vợ chồng chủ tịch tập đoàn Hòa Phát sẽ phải chi tiền túi khoảng 1.640 tỷ đồng để “bơm vốn” cho giai đoạn 2 dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Ngày 1/6/2017, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức chào bán 252,8 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ quyền mua 5:1 (cổ đông sở hữu 5 cổ phần được quyền mua 1 cổ phần mới).

Tuy vốn của Hòa Phát liên tục tăng mạnh nhưng chủ yếu thông qua việc chia cổ tức hàng năm (lần gần đây nhất vừa hoàn thành vào ngày 20/4/2017 với tỷ lệ chia cổ tức năm 2016 là 50%, tăng vốn từ 843 tỷ lên 1.264 tỷ đồng). Việc phát hành tăng vốn lần này lên 15.170 tỷ đồng sẽ là lần đầu tiên tập đoàn Hòa Phát tiến hành huy động vốn kể từ khi niêm yết vào tháng 11/2007.

Kế hoạch tăng vốn đã được đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu tháng 3 vừa qua, tuy vậy vẫn gặp phải khá nhiều băn khoăn, thắc mắc từ phía cổ đông. Các câu hỏi xoay quanh việc phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phần có phải quyết định tối ưu hóa hay không khi dư địa cho vay của Hòa Phát còn rất lớn (nên nhớ, công ty mẹ Hòa Phát vẫn sạch sổ vay nợ) chưa kể đến tác động làm pha loãng cổ phiếu của việc phát hành.

Siêu dự án tỷ đô

Theo tài liệu mà Hòa Phát cung cấp, mục đích huy động 5.056 tỷ đồng qua đợt phát hành này nhằm tài trợ đầu tư xây dựng giai đoạn 2 Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất và bổ sung vốn lưu động.

Đây là dự án sử dụng công nghệ lò cao, khép kín dựa trên mô hình mà Hòa Phát đã xây dựng tại tỉnh Hải Dương, được đánh giá là dự án trọng điểm mang tầm cỡ quy mô khu vực. Dự án sẽ sử dụng hơn 370 hecta đất tại khu công nghiệp phía Đông, Khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi, tổng mức đầu tư là 52.000 tỷ đồng trong đó vốn cố định là 40.000 tỷ và vốn lưu động 12.000 tỷ đồng.

Tổng công suất toàn bộ Khu liên hợp là 4 triệu tấn thép/năm, bao gồm 2 triệu tấn thép dài (giai đoạn 1) và 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng – HRC (giai đoạn 2).

Một đánh giá của CTCP Chứng khoán Bảo Việt cho biết khi “siêu” dự án Hóa Phát Dung Quất đi vào hoạt động sẽ nâng tầm Hòa Phát trở thành doanh nghiệp sản xuất thép lớn thứ hai Đông Nam Á sau Formosa. Hiện nay, tổng công suất sản xuất thép thô của Formosa đang là 7,1 triệu tấn/năm, đứng vị trí thứ hai là Krakatau steel của Indonesia với 4,65 triệu tấn/năm trong khi đó tập đoàn Hòa Phát sẽ đạt công suất 6 triệu tấn/năm trên cả nước.

Ngoài ra, “siêu” dự án Hòa Phát Dung Quất sẽ giúp Hòa Phát gia tăng thị phần khu vực miền Nam và miền Trung sau khi chiếm được 36% thị phần miền Bắc nhờ khu liên hợp gang thép tại Kinh Môn – Hải Dương.

Đối mặt với vấn đề môi trường, đặc biệt sau sự cố môi trường biến của Formosa năm 2016 và quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng dự án thép Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư hồi tháng 4/2017, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long liên tục khẳng định việc bảo vệ môi trường là mối quan tâm hàng đầu của chủ đầu tư trong quá trình lựa chọn công nghệ sản xuất.

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông ngày 10/3 vừa qua, chủ tịch Trần Đình Long cho biết: “Vấn đề môi trường là vấn đề số 1 quan trọng hơn rất nhiều hiệu quả kinh tế. Chính phủ có thể thương nhưng người dân không thương, cơ ngơi chúng ta dựng lên không thể làm liều. 25-30% kinh phí sẽ dành cho vấn đề môi trường. Chúng ta phải tự bảo vệ chúng ta trước khi ai bảo vệ. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối vì cộng đồng”.

Vợ chồng “vua thép” sở hữu 12.500 tỷ đồng


Chủ tịch Trần Đình Long hiện nắm giữ 25,15% vốn tập đoàn Hòa Phát

Quay trở lại phương án phát hành cổ phiếu lần này của Hòa Phát để huy động vốn cho dự án trên, với giá chào bán là 20.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền dự kiến thu về trong đợt này là hơn 5.000 tỷ đồng từ chính các cổ đông hiện hữu của công ty.

Theo tài liệu mà PV Báo ĐS&PL có được, có khoảng gần 50% cổ phần của Hòa Phát đang được các cổ đông nội bộ tức dàn lãnh đạo và người nhà nắm giữ. Cụ thể, “bầu” Long – tên gọi thân mật của chủ tịch Trần Đình Long hiện nắm giữ 25,15% vốn – tương ứng gần 318 triệu cổ phần HPG. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền cũng là cổ đông lớn của tập đoàn, sở hữu 7,28% vốn – tương đương 92 triệu cổ phiếu.

Tính theo giá trị hiện tại của cổ phiếu HPG trên sàn chứng khoán là 30.500 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 6/6), tổng tài sản của vợ chồng ông bầu này lên tới 12.500 tỷ đồng.

Các lãnh đạo khác như Phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Trần Tuấn Dương, phó chủ tịch Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Doãn Gia Cường, ông Nguyễn Ngọc Quang cùng người nhà cũng sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu HPG.

Tổng tỷ lệ sở hữu nội bộ tại Hòa Phát là 49,21%. Như vậy, trong trường hợp chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thành công, dàn lãnh đạo tập đoàn sẽ chi 2.500 tỷ để “bơm vốn” cho khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, trong đó riêng vợ chồng chủ tịch Long sẽ bỏ ra khoản tiền túi là 1.640 tỷ đồng.

Nguồn tin: Người đưa tin

ĐỌC THÊM