Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ sa vào bẫy suy thoái mới, khi nó gần như đã bị tê liệt trong suốt sáu tháng đầu năm 2011.
Theo các nhà kinh tế, bức tranh mới về nền kinh tế Mỹ còn đáng lo ngại hơn rất nhiều so với dự đoán của bất cứ nhà phân tích nào trước đó. “Câu hỏi duy nhất hiện nay là sự suy yếu này của kinh tế Mỹ còn có thể đi đến đâu?” - Nariman Behravesh, kinh tế trưởng tại IHS Global Insight cho hay ngày 31.7.
Trong tháng 4-5-6.2011, kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 1,3%, thấp hơn so với kỳ vọng. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã điều chỉnh con số tăng trưởng trong tháng 1-2-3.2011 xuống mức 0,4%, giảm mạnh so với dự đoán trước đó là 1,9%. Tổng hợp lại, nửa đầu năm 2011, kinh tế Mỹ đã phải chứng kiến một bức tranh thảm hại nhất kể từ khi đại suy thoái chính thức chấm dứt vào tháng 6.2009.
Kể từ năm 1950, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của Mỹ được thống kê có 12 lần giảm xuống dưới 2%. Có 10 lần trong khoảng thời gian này là khi nền kinh tế đã hoặc chuẩn bị rơi vào suy thoái, ông Mark Vitner - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Wells Fargo Securities cho hay.
Hồi cuối tuần, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nêu hai thách thức lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Mỹ là nâng mức trần nợ và tiến trình giảm thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Theo IMF, vào cuối năm 2011, nợ liên bang sẽ chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ, tăng gấp đôi so với mức 36% của năm 2007. Thâm hụt tài chính liên bang sẽ lên tới 9,3% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Cả 2 khoản nợ này đều báo động sự không bền vững của nền kinh tế Mỹ. IMF cảnh báo nếu Chính phủ Mỹ không hành động nhanh chóng, nợ sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tăng trưởng của nền kinh tế. Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đã cảnh báo sẽ giảm uy tín tín dụng của Mỹ, trong khi các cơ quan đầu não tại Washington đang chật vật tìm giải pháp nâng trần nợ để tránh cho nước Mỹ nguy cơ vỡ nợ.
IMF khuyến cáo, nếu Mỹ giảm chi tiêu quá nhiều trong ngắn hạn, sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ hiện đang phục hồi chậm chạp và mất động lực. Chuyên gia kinh tế Justin Wolfers từ trường Wharton, Đại học Pennsylvania nhận định, có đến 40% khả năng kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái trong 4 tháng qua. Thông thường, khi nền kinh tế suy yếu, Chính phủ Mỹ sẽ tăng chi tiêu và Cục Dự trữ Liên bang sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Song Tổng thống Obama đã đưa gói kích thích kinh tế trị giá 862 tỉ USD vào vận hành hồi năm 2010, và Quốc hội Mỹ lúc này chỉ muốn siết chặt ngân sách thay vì tăng chi tiêu để thúc đẩy nền kinh tế.
Theo dự kiến, cuối thập kỷ này, kinh tế Mỹ sẽ đương đầu với khó khăn lớn khi khoản chi phí chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người tăng mạnh, do dân số già đi nhanh chóng. Trong phân tích tháng 6, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ kết luận rằng việc giữ tỉ lệ nợ trên GDP ở mức hiện tại cho tới năm 2085 sẽ đòi hỏi cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, hoặc kết hợp cả 2 để đạt tới 8,3% GDP mỗi năm trong 75 năm tới. Điều đó tương đương với con số 15.000 tỉ USD trong 10 năm tới - hay gấp hơn 3 lần mức mà Tổng thống B.Obama và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Boehner đang xem xét.
Nguồn tin: Businessweek, AP