Theo thống kê, từ 2006 - 2010 vốn FDI đổ vào sản xuất thép đạt mức kỷ lục với trên 40 tỷ USD cam kết. Trong đó, 5 siêu dự án chiếm số vốn trên 30 tỷ USD. Nhiều địa phương đã vui mừng, tung hô thành tích khi thu hút được những dự án thép tỷ USD.
Những năm 2006-2009 là thời kỳ cả nước "phát sốt" với các dự án đầu tư vào sản xuất thép. Trong đó, nhiều siêu dự án có vốn lên đến hàng tỷ USD. Những dự án tỷ đô một thời từng được tung hô như thành tích phát triển kinh tế, giờ đây đang mang lại nhiều cay đắng. Đa số các dự án này đều ở tình trạng chậm trễ, bị rút giấy phép, nhà đầu tư thoái lui... Hậu quả của bệnh chạy theo thành tích, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài lộ rõ hơn bao giờ hết.
Điểm mặt những dự án lớn
Theo thống kê, từ 2006 - 2010 vốn FDI đổ vào sản xuất thép đạt mức kỷ lục với trên 40 tỷ USD cam kết. Trong đó, 5 siêu dự án chiếm số vốn trên 30 tỷ USD. Nhiều địa phương đã vui mừng, tung hô thành tích khi thu hút được những dự án thép tỷ USD.
Tháng 9/2006, Dự án Nhà máy thép Guang Lian tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) do Tập đoàn E-United và Tycoons (Đài Loan) làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận với vốn ban đầu là 1 tỷ USD, công suất 5 triệu tấn/năm. Sau nhiều lần điều chỉnh, vốn được nâng lên đến 3 tỷ USD, công suất vẫn giữ nguyên.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dưng và vận hành Nhà máy luyện cán thép giai đoạn 1 với công suất 3,5 triệu tấn/năm từ tháng 3/2010 đến năm 2013; Giai đoạn 2 hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2016.
Tháng 5/2007, Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Xi Măng Việt Nam ký bản ghi nhớ thực hiện dự án Nhà máy thép liên hợp tại Hà Tĩnh với Tập đoàn thép TaTa (Ấn Độ).
Dự án có vốn đầu tư dự kiến từ 3,5 đến 4 tỷ USD và công suất 4,5-5 triệu tấn thép mỗi năm, sản phẩm là thép tấm, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội.
Nhiều địa phương đã vui mừng, tung hô thành tích |
Đặc biệt, các dự án thép khủng dồn dập đổ vào Việt Nam trong năm 2008.
Tháng 9/2008, Khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận (liên doanh giữa Vinashin và Tập đoàn Lion Group - Malaysia) với tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỉ USD, công suất, 14,5 triệu tấn thép, được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Đến 11/2008, dự án này đã tiến hành khởi công với mục tiêu là xây dựng và vận hành khu liên hợp thép công nghệ lò cao, lò chuyển ôxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội. Qui mô chia làm 4 giai đoạn (2008 - 2025) với giai đoạn 1 (2008-2011) hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Cũng trong 2008, Dự án liên hợp thép Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) được cấp phép với vốn đầu tư ban đầu 7,8 tỷ USD, do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) làm chủ đầu tư.
Tháng 7/2008, Formosa đã khởi công giai đoạn 1 dự án nói trên và điều chỉnh vốn đầu tư tỷ lên 9,9 tỷ USD với nhà máy liên hợp gang thép có công suất 7,5 triệu tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2, Formosa sẽ đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD để nâng công suất nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm và mới đây vừa đề xuất tăng vốn lên 28,5 tỷ USD với liên hợp gang thép có công suất 22,5 triệu tấn, trở thành một trong những khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, năm 2008, Tập đoàn Thép Possco (Hàn Quốc) cũng liên doanh với Vinashin dự kiến xây dựng Nhà máy thép liên hợp tại Vân Phong ( Khánh Hòa) có công suất giai đoạn 1 là 4 triệu tấn thép cán nóng/năm, giai đoạn 2 mở rộng lên mức 8 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 5,4 tỷ USD.
Đến 2010, dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sắt xốp, vốn 1 tỷ USD, công suất 2 triệu tấn/năm do Tập đoàn thép KoBe (Nhật Bản) làm chủ đầu tư được tỉnh Nghệ An cấp phép đầu tư, dự kiến đầu năm 2013 sẽ hoàn thành giai đoạn I và đi vào sản xuất.
Đấy là chưa kể còn hàng loạt các dự án về sản xuất thép khác, quy mô nhỏ hơn với vốn đầu tư 300-600 triệu USD được đầu tư tại nhiều địa phương khó tính hết được.
Bỏ ngoài tai mọi cảnh báo
Sở dĩ có nhiều dự án thép đầu tư vào Việt Nam trong thời điểm này là do tiêu thụ thép trên thế giới tăng mạnh, bình quân mức tăng khoảng 6% -7% liên tiếp từ 2008 trở về trước. Cùng với đó, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá nguyên liệu thô như quặng sắt, than mỡ tăng, giá phôi thép giao dịch trên thị trường cũng tăng tới 40%.
Những dự án tỷ đô một thời từng được tung hô như thành tích phát triển kinh tế, |
Trong khi đó, tại Việt Nam, các dự án lớn luôn nhận được nhiều ưu đãi, như hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đến chân công trình, miễn thuế thu nhập DN kéo dài, cùng với giá nhân công, giá năng lượng rẻ, khiến nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào lĩnh vực sản xuất thép.
Vui mừng nhất khi đó chính là các địa phương, nơi những dự án "khủng" đặt nhà máy. Việc thu hút FDI luôn được coi là một chỉ số quan trọng để đánh giá môi trường đầu tư cũng như tốc độ phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, các địa phương đặt nhiều hy vọng vào những dự án tỷ USD. Nhiều dự án FDI tỷ USD từng được tung hô là thành tích phát triển kinh tế của nhiều địa phương.
Chẳng hạn như Ninh Thuận, chỉ cần 1 dự án vốn tới 9,8 tỷ USD, ngay lập tức đang từ thứ hạng cuối cùng đã lọt vào top 10 các tỉnh thu hút nhiều vốn FDI nhất.
Kéo được dự án lớn về địa phương mình, là thành tích rất đáng tự hào khi đó. Nhiều tỉnh còn đưa ra những ưu đãi vượt rào cho các dự án lớn và... bỏ qua mọi lời cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra.
Hiệp hội Thép Việt Nam khi đó đã đưa ra cảnh báo, các địa phương nếu cứ chạy theo thành tích, thu hút vốn đầu tư, không thẩm tra, đánh giá đúng năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn thực sự của các chủ đầu tư trước khi cấp phép, sẽ để lại hậu quả nặng nề. Bởi có không ít nhà đầu tư có được giấy phép nhưng không có năng lực thực hiện.
Chẳng hạn như dự án thép Guang Lian, dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận, nhà đầu tư không có tên trong danh sách 100 nhà sản xuất, luyện cán thép lớn nhất thế giới, năng lực tài chính yếu kém...
Tuy nhiên các cảnh báo này đều bị bỏ ngoài tai. Các địa phương đều cho rằng, hoàn toàn tin tưởng vào năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Tuy sản lượng thép lớn, nhưng chủ yếu để xuất khẩu nên không lo “bội thực” nội địa và xin đưa dự án vào quy hoạch ngành thép.
Nguồn tin: Vietnamnet